thangbengangnguoc
New Member
Tạo thước phim như ý
Nhiều người trang bị cho mình máy quay kỹ thuật số nhưng ngặt nỗi không phải ai cũng biết chỉnh sửa đoạn phim đã quay để biến chúng thành "tác phẩm" hoàn chỉnh.
Dưới đây là một số hướng dẫn đơn giản nhưng thiết yếu, giúp bạn có thể chỉnh sửa đoạn phim video sau khi đã quay xong.
Hình 1: Trình biên tập video Movie Maker 2.1 của Windows XP cho phép chỉnh sửa cơ bản trong khung Movie Tasks.
Chọn công cụ chỉnh sửa: Windows XP Service Pack 2 có đi kèm một phần mềm biên tập video miễn phí là Movie Maker 2.1. Bạn có thể chạy ứng dụng này bằng cách chọn Start.All Programs.Accessories.Windows Movie Maker. Thanh menu Movie Tasks nằm phía trên bên trái của chương trình sẽ hướng dẫn bạn tạo phim cụ thể từng bước một (hình 1). Một phần mềm khác mà bạn có thể thử qua là Premiere Elements giá 99 USD của Adobe, chương trình có đầy đủ tính năng chỉnh sửa, những hiệu ứng đặc biệt, khả năng xoay khung hình và khả năng ghi đĩa DVD trực tiếp. Nếu muốn đạt mức chuyên nghiệp, bạn có thể dùng Premiere Pro giá 699 USD của Adobe cũng với giao diện trực quan và các tính năng tựa như Premiere Elements. Cả 3 chương trình trên đều có khả năng xử lý các đoạn video "thô" chép từ máy quay số vào PC.
Nhập video: Để chép các đoạn video từ máy quay vào ổ đĩa cứng, bạn kết nối máy quay và PC qua một cáp chuẩn FireWire. Bật máy quay lên và chạy phần mềm biên tập video, trình biên tập sẽ tự động nhận diện máy quay của bạn. Trong hầu hết các trình biên tập video, lệnh Capture sẽ mở một cửa sổ chứa các nút điều khiển giống như các điều khiển băng từ VCR như Play (phát hình), Stop (dừng), Fast forward (xem nhanh) và Rewind (xem lùi). Bạn hãy lưu từng đoạn video với tên thật gợi nhớ để tiện cho việc biên tập sau này.
Chỉnh sửa cảnh quay: cách đơn giản nhất để biên tập là sắp xếp các đoạn video trong màn hình biên tập theo trình tự thời gian (timeline) theo thứ tự của riêng bạn. Màn hình Timeline sẽ hiển thị phim theo chuỗi các khung hình (hình 2). Khi các đoạn video được liệt kê theo thứ tự trên timeline, bạn lần lượt chọn từng đoạn video để chỉnh sửa và thiết lập điểm vào/ra (in và out) cho đoạn video đó. Những điểm này là những khung hình đánh dấu thời điểm bắt đầu và kết thúc của đoạn video bạn cần chép. Điều này rất cần để bạn cắt bỏ đoạn đầu và cuối không cần thiết.
Hình 3: Tập trung ánh sáng cho chủ thể cần quay bằng cách dùng thêm đèn, dù phông nền có sáng.
Sử dụng các bộ lọc và công cụ chuyển cảnh: Khi đã hài lòng với độ dài và thứ tự của các đoạn video, tiếp theo bạn chuyển những đoạn phim ngắn đó thành một bộ phim hoàn chỉnh. Rắc rối ở đây là các đoạn video thường không nhất quán với nhau, chẳng hạn như về độ sáng, màu sắc (hình 3). Trình biên tập thường có vài bộ lọc cho phép bạn điều chỉnh một số thông số cơ bản như độ sáng, độ tương phản, cân bằng màu. Lưu ý, những tính năng này không phải lúc nào cũng tạo cho kết quả vừa ý.
Để có đoạn video đẹp, trước hết bạn cần quay trong điều kiện đầy đủ ánh sáng. Thông thường thì đèn tích hợp trên máy quay (sử dụng nguồn pin máy) có thể chiếu sáng các vật trong nhà. Một lỗi hay gặp là chủ thể cần quay bị tối vì nền phía sau quá sáng và đèn của máy quay chỉ khắc phục được một phần nhỏ khiếm khuyết này.
Khi đã vừa ý với đoạn video, bạn hãy thêm vào các hiệu ứng chuyển cảnh để việc chuyển từ đoạn video này sang đoạn video khác sinh động hơn. Một trình biên tập thường hỗ trợ nhiều dạng chuyển cảnh tuy nhiên bạn nên chọn những hiệu ứng đơn giản thông thường như cuộn thẳng, mờ dần (dissolve) hoặc ngả về màu đen (hoặc trắng). Bạn có thể thử qua nhiều hiệu ứng chuyển cảnh và chọn cho mình chuyển cảnh ưng ý nhất.
Chèn tiêu đề, hình ảnh và hình động: Bất cứ chương trình biên tập video nào cũng cho phép bạn thêm vào văn bản, tiêu đề và chú thích cho đoạn phim (hình 4). Một số chương trình còn hỗ trợ hiệu ứng chuyển động cho văn bản như chữ cuộn lên-xuống hoặc xuất hiện từng ký tự một. Nếu có máy ảnh số, bạn có thể chép hình từ máy ảnh và chèn vào đoạn phim đang xử lý. Nếu ảnh đó lớn hơn 720x480 pixel (kích cỡ của một khung hình video), bạn có thể sử dụng các chức năng chỉnh sửa của chương trình để co/kéo ảnh vừa với khung hình. Thông thường, mọi người thường dùng kỹ thuật này để chèn hình vào cảnh đầu đoạn phim.
Một điều bạn cũng nên chú ý đến là độ cong của màn hình TV thường làm hình ảnh hiển thị bị méo gần rìa của khung hình. Do vậy khi quay phim bạn nên chỉnh cho chủ thể ở giữa khung hình và tránh thiết kế câu chữ nằm gần rìa khung hình.
Thêm nhạc và lồng tiếng: Chỉ có một vài trình biên tập cho phép bạn ghép vào phim nhiều đoạn nhạc, do vậy bạn cần phải sử dụng những phần mềm thương mại. Với Premiere Elements, bạn có thể thêm vào đến 99 track nhạc trong một bộ phim. Ứng dụng này cũng cho bạn khả năng tách biệt các tập tin âm thanh mà bạn ghép vào với các đoạn video thành những track độc lập và có thể chỉnh sửa được.
Còn nếu bạn muốn chèn tiếng vào các đoạn phim, một mẹo nhỏ là sử dụng máy quay để ghi âm các chú thích. Sau đó bạn chỉ việc nhập video và audio vào chương trình, bỏ đi những đoạn video không cần thiết và định lại các track audio. Để âm thanh luôn liên tục, bạn đặt track audio từ đoạn video trước sang đoạn video sau. Nếu bạn làm được việc này thì việc chuyển giữa 2 đoạn phim sẽ rất mượt vì tiếng và hình không dứt cùng một lúc. Bạn cũng có thể chèn các định dạng tập tin âm thanh thông thường như MP3, WAV vào đoạn video. Lưu ý, nếu đoạn phim bạn thực hiện mang tính thương mại thì các track audio bạn thêm vào phải được sự đồng ý của tác giả.
Chiếu trên TV: khi đã hoàn tất xong tác phẩm, việc xem trên TV khá đơn giản. Bước đầu tiên là chép phim lên đĩa: bạn có thể xuất ngược lại đoạn video đã được chỉnh sửa qua máy quay và ghi lại nó, hoặc bạn có thể xem trên máy quay để ghi sang băng qua một đầu VCR gắn kèm, hay dùng trình biên tập ghi phim đó ra đĩa DVD. Và thế là xong!
Những cách trên chưa thể "biến" bạn thành một nhà biên tập video chuyên nghiệp được nhưng chí ít chúng rất có ích nếu bạn mới biên tập lần đầu. Hãy mạnh dạn "khám phá" mọi tính năng của trình biên tập vì bạn có thể hồi phục (undo) lại trạng thái cũ nếu lỡ tay làm sai hoặc kết quả chưa ưng ý.
Đôi điều lưu ý
Trước khi biên tập video, bạn hãy xem lại "vũ khí" của mình. Đó là phần cứng, phần mềm hỗ trợ cho công việc biên tập.
Cáp FireWire: Để sử dụng các trình biên tập, PC và máy quay của bạn phải được trang bị cổng FireWire, các PC đời mới thường có sẵn cổng này. Nếu hệ thống chưa có, bạn có thể mua một card bổ sung cổng FireWire với giá khoảng 50 USD.
Hình 4: Đoạn phim thêm chuyên nghiệp bằng cách đưa vào tiêu đề ở cảnh bắt đầu và kết thúc.
Dung lượng ổ cứng: Một giờ video chiếm khoảng 13GB dung lượng ổ cứng. Để có thể biên tập, bạn cần tối thiểu 40GB ổ đĩa trống. Bạn hãy nhớ là bộ phim hoàn tất và các đoạn phim nguyên gốc đều nằm trên ổ đĩa cứng của bạn.
Hệ điều hành: Windows XP, 2000 và NT là các tùy chọn HĐH tốt để biên tập video bởi chúng không giới hạn kích thước tập tin. Windows 98 và Me giới hạn kích thước tập tin đến 2GB hoặc 4GB, do vậy chỉ có thể lưu khoảng 10 hoặc 20 phút nội dung video.
Tốc độ BXL và RAM: Video là một dạng dữ liệu lớn nên bạn cần PC cấu hình cao, tối thiểu là Pentium 4 750MHz. Mặc dù có thể biên tập video với PC cấu hình thấp hơn nhưng trong quá trình biên tập bạn sẽ gặp rất nhiều phiền phức vì hình ảnh thường bị giật và được tải lên khá lâu. Dung lượng RAM cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc biên tập nên bạn cần trang bị cho máy tính tối thiểu 256MB bộ nhớ.
Chúc Vui!!!!
Theo Bantincongnghe