thinh777
New Member
Tại phần mạch dành cho tần công suất chính, ta thấy biến áp xung được đặt giữa trung tâm bo mạch, biến áp này có kích thước trung bình nhưng lại sử dụng các cuộn dây có tiết diện lớn cho khả năng cung cấp một dòng điện tối đa, do có tiết diện lớn quá khổ như vậy nên các đầu dây này không thể hàn vào phần đế của biến áp mà chúng được móc ra từ phía bên trên, sau đó được hàn qua một vị trí thích hợp trên mạch. Biến áp này cho ta thấy tần công suất trong Epsilon 80Plus 600 hứa hẹn một công suất khả quan.
Phần cung cấp năng lượng cấp trước +5VSB, bao gồm IC điều khiển, biến áp xung, các linh kiện bên ngoài và dò sai được thu nhỏ vào một góc đã tạo điều kiện làm mát tốt hơn cho biến áp công suất chính khi không bị các thành phần này gây cản trở dòng lưu thông không khí khi đi qua biến áp công suất. Điểm đặc biệt là, công tắc nguồn chính ở bên ngoài giờ đây không cắt nguồn điện lưới trước khi vào PSU mà nó chỉ cắt nguồn cung cấp DC cho mạch +5VSB – Một lưu ý an toàn, khi cắt điện bằng công tắt nguồn chính thì điện áp DC cao lên đến 300VDC vẫn còn có mặt trong PSU, do vậy không nên rờ tay vào các linh kiện bên trong trước khi bạn đã chắc chắn rút điện ra khỏi ổ cắm. Thật sự mà nói thì nguyên tắt an toàn này phải áp dụng luôn với loại PSU có công tắt nguồn cắt điện trực tiếp trên đường dây điện vào vì có một số PSU khi cắt thì chỉ cắt có một dây duy nhất, dây điện còn lại (không thể phân biệt dây nóng hay dây nguội vì nó phụ thuộc vào vị trí phích cắm khi bạn cắm vào ổ điện) vẫn kết nối với mạch điện bên trong.
Mạch bảo vệ được đặt khá gần bộ lọc EMI nó được module hóa thành một mạch riêng hàn vào bo mạch chính, các kết nối bên ngoài vào bo mạch này được liên kết bằng keo chắc chắn. Nó đảm bảo cho PSU hoạt động an toàn chống lại các tác động xấu từ bên ngoài như chạm tải, quá tải hay các tác động không muốn có do bộ nguồn gây ra như quá nhiệt, quá áp. Để nhận biết được các tính hiệu này thì cần có các sensor đo dòng, đo điện áp tại các chân nguồn ra cho các đường điện +3.3VDC, +5VDC và +12VDC, các sensor đo nhiệt lấy nhiệt độ bên trong hay trực tiếp trên các diode nắn DC cung cấp năng lượng cho các đường điện…tất cả các sensor này đều có đủ trong Epsilon 80Plus 600.
Tất cả các tụ lọc còn lại đều dùng tụ của CapXon. Các đầu dây lưới bên trong PSU được cố định bằng dây rút xem ra rất dễ bị tuột khi bạn cố ý kéo mạnh dây lưới từ phía bên ngoài bộ nguồn.
Sản xuất đạt chuẩn RoHS , Epsilon giúp cho cuộc sống của bạn trong lành hơn vì sản phẩm này sẽ không có các chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng như chì hay khí carbon dioxy thoát ra trong quá trình sử dụng. Mạch in phía dưới rất sạch sẽ, khoảng cách giữa phần mạch liên kết với điện lưới với phần DC nối vào PC xa sẽ tránh được tình trạng phóng điện gây nguy hiểm.
Thông tin kỹ thuật in trên tem bên ngoài Epsilon rất đầy đủ, nó không những thể hiện được dòng điện cung cấp, công suất tối đa của từng đường mà còn cung cấp thêm thông tin về các kết nối liên quan tới điện áp 12V. Thiết kế phù hợp với mô tả của chuẩn ATX12V ver 2.2 và EPS12V ver 2.91, Epsilon 80Plus 600 có tới 4 đường +12VDC với công suất tối đa của từng đường lên tới 18A, công suất của 4 đường 12V này sẽ lên tối đa là 420W khi 2 đường +3.3VDC/+5VDC đạt 155W. Đường +5VSB có công suất khá lớn lên tới 3A. Các công suất trên đã giúp cho PSU đạt được công suất danh định liên tục tối đa là 600W.
KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM
CÔNG SUẤT: Đây có thể là một ngoại lệ, tôi không muốn bình phẩm bộ nguồn này ở mức công suất 600W mà nó dễ dàng đạt được. Hãy bắt đầu ở mức công suất khó tin – 847W và đây cũng không phải là con số cuối cùng của PSU này, hết một ngày làm việc chạy liên tục ở 140% công suất mà PSU này không chịu chết để tôi có thể đóng cửa đi về…không có thời gian và thiếu kiên nhẫn nên tôi đành chấp nhận mức công suất này để còn kịp thời đưa thông tin lên cho các bạn tham khảo, đành hẹn Epsilon 80Plus 600 vào một dịp sau và sẽ chiến đấu với em này ở mức khởi điểm là 847W cho đến khi em chết mới thôi. Tại 847W, đường +12VDC cung cấp một dòng điện lên tới 52.5A tương đương 621.6W trên điện áp 11.84V. Trong khi đó công suất trên 2 đường còn lại cũng không phải là thấp, đạt tổng công suất 213.79W với 27A của đường +3.3VDC và 26A của đường +5VDC. Một con số thật ấn tượng, nếu thật sự test không theo quy chuẩn ATX mà hạ 2 đường +3.3VDC/+5VDC này xuống khoảng còn 10A cho từng đường thì có lẽ đường +12VDC có thể lên tới 72A theo đúng giá trị tối đa cho tổng 4 đường 12V – Hãy đợi đấy! CHƯA CÓ PSU NÀO CÓ HỆ SỐ AN TOÀN LÊN TỚI 140% như Epsilon 80Plus 600.
ĐIỆN ÁP: Điện áp trên 2 đường +3.3VDC/+5VDC luôn được duy trì trên mức điện áp chuẩn với sai số +2% cho đường +5VDC và +0.7% cho đường +3.3VDC, chỉ chịu xuống thấp khi đạt mức công suất 140% so với công suất danh định lúc này đường còn là 3.19V và 4.91V, tuy nhiên nó vẫn nằm trong giá trị sai số cho phép. Trên đường +12VDC cũng cho ta các con số rất đẹp, trong tầm công suất từ 50% đến 100% công suất danh định điện áp luôn được duy trì ổ định ở mức 11.97V sai số với điện điện áp chuẩn là -0.25%, nó chỉ chịu xuống mức 11.84V (-1.33%) khi đạt công suất 847W. Chứng tỏ hệ thống dò sai và phần công suất làm việc hiệu quả và vẫn có dư ra một khoảng điện áp có thể điều tiết được.
HIỆU SUẤT: Xứng đáng là một PSU đạt chuẩn 80Plus (chuẩn cấp cho các bộ nguồn có hiệu suất trên 80%), Epsilon 80Plus 600 luôn có hiệu suất trên 87% ở bất kỳ mức công suất nào. Ngay cả với mức công suất nặng nền nhất là 847W hiệu suất có sụt giảm như vẫn gần bằng 80% thực tế là 79.68%.
NHIỆT ĐỘ VÀ ĐỘ ỒN: Nhiệt độ ở 100% công suất đo được tại luồng không khí đi ra từ PSU là 39.2 độ C, nhiệt độ chênh lệch so với nhiệt độ phòng thử là 12.6 độ C. Ở 847W, nhiệt độ tăng lên đến 47.8 độ C trong phòng có nhiệt độ 28.2 độ C – nhiệt độ chênh lệch là 19.6 độ C. Nhờ quạt có lưu lượng lớn nên PSU đã hoạt động êm khi ở mức dưới 100%, ở mức công suất cao hơn thì quạt được điều khiển chạy ở mức tối đa nên độ ồn có gia tăng như vẫn chấp nhận được chứ không quá lớn để có thể gây ra cảm giác khó chịu.
ĐÁNH GIÁ CHUNG:
EPSILON 80PLUS 600 được FSP trang bị các linh kiện có chất lượng tốt, thiết kế dựa trên các công nghệ mới nhất của hãng, cộng với việc bố trí các thành phần linh kiện hợp lý giúp gia tăng hiệu quả làm mát tốt hơn. Tất cả các công sức đầu tư trên đã đem lại cho người dùng một sản phẩm có hiệu năng và hiệu suất cao, nó có thể dễ dàng sử dụng liên tục với mức công suất danh định 600W mà vẫn an toàn. Khi bạn có nhu cầu nâng cấp máy lên một mức mới thì Epsilon 80Plus 600 vẫn có thể hoạt động tốt ở mức công suất 700W cho bạn thêm một thời gian tìm kiếm một PSU thay thế khác, tuy nhiên bạn phải chấp nhận một độ ồn lớn hơn và nhiệt độ của PSU cao hơn.
Số lượng đầu cấp nguồn khá phong phú nhưng nó chỉ hỗ trợ chế độ đồ họa kép (SLI/CrossFire) với các loại card yêu cầu duy nhất 1 đầu cấp nguồn PCI-E.
Trong bất kì mức công suất nào, PSU luôn tiêu thụ một mức công suất thấp, duy trì hiệu suất cao trên 80% sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền điện hằng tháng. Thật đáng tiếc là do giá thành của nó không rẻ, do vậy việc đầu tư trang bị PSU này cho các phòng máy lại không kinh tế.
Giá bán 146 USD, EPSILON 80PLUS 600 là một PSU không rẻ cho sự đầu tư các cấu hình máy tính dưới 800 USD, nếu dự trù cấu hình máy của bạn bắt đầu bằng 1200 USD thì Epsilon 80Plus 600 quả là một món hời cho bạn. Thời gian bảo hành 3 năm với chế độ bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 6 tháng và dịch vụ trả sản phẩm bảo hành trong vòng 72 giờ áp dụng cho thời gian còn lại…sẽ tạo sự yên tâm cho người đầu tư.
ƯU:
- Công suất 600W.
- Công suất an toàn 140%.
- Hiệu suất cao trên 87%.
- Thiết kế và linh kiện tốt.
- Hỗ trợ SLI.
KHUYẾT:
- Giá cao.
Hiện nay EPSILON 80PLUS 600 đang được bán tại các cửa hàng trên toàn quốc thông qua 2 nhà phân phối chính:
- Miền Bắc: CÔNG TY TNHH MÁY TÍNH VÀ GIẢI TRÍ KỸ THUẬT SỐ VIỆT NAM số 45A Lương Ngọc Quyến Hoàn Kiếm Hà Nội - Miền Nam: CÔNG TY TNHH MÁY TÍNH BẢN SẮC VIỆT số 2A Lương Hữu Khánh Q1 TpHCM
(Theo IT LAP)