Chân dung dân 'ghiền' iPhone
Không thể xa được chiếc di động của Apple, rảnh rỗi lại mang ra vuốt vuốt dù đôi lúc không ý thức định làm gì là một trong nhiều thứ "bệnh" của dân ghiền iPhone.
Đối với nhiều người, iPhone là chiếc di động không thể xa rời của họ. Ảnh: Quốc Huy.
"Từ khi có 'em' iPhone đầu tiên, bạn bè bảo tớ khinh người", Văn, một nhân viên văn phòng trẻ ở Tây Hồ, Hà Nội tâm sự. Theo Văn, nguyên nhân cũng bởi chàng không thể rời xa được chiếc iPhone giờ nào, lúc ngủ cũng để ngay đầu giường, trước khi tắm cũng mang vào nhà vệ sinh, cất vào túi quần cẩn thận.
Bắt đầu chơi iPhone từ bản 3G, đến nay Văn không thể đổi qua dòng điện thoại nào khác. "Ngồi cafe với đám bạn, trong khi tụi nó nói chuyện, cười đùa, thì mình cứ hý hoáy lướt web, vào Cydia xem ứng dụng, nhiều đứa bực mình, bảo mình khinh người quá", Văn kể, "lâu dần thành quen, bạn bè cũng ít gọi mình cafe hơn, có đứa bảo, ‘nó đắm đuối với iPhone rồi, không chơi nữa’. "có lẽ, mình đã bị ‘bệnh ghiền’ iPhone mất rồi", Văn nói.
Không đến nỗi mang iPhone đi theo mọi lúc mọi nơi như Văn, nhưng Tuấn Anh (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng là một người "khó xa được chiếc smartphone của Apple". Theo lời Tuấn Anh, "vuốt iPhone như một phản xa vô điều kiện". Đang làm việc anh cũng bật lên ngó màn hình, chờ thang máy, cũng mang ra, vuốt trái, phải, không biết làm gì, rồi khóa lại, bỏ vào túi. "Có hôm, vào thang máy mình cứ đứng vuốt vuốt, đến khi cửa mở ra, có người đi vào, tính bước ra, thì giật mình, quên mất chưa bấm tầng đi lên", Tuấn Anh kể.
Linh, bạn trong "hội chơi iPhone" với Tuấn Anh kể, "có hôm đến nhà người yêu chơi, gặp mẹ 'nàng', bác ấy ngồi hỏi về công việc, gia đình, thế mà mình quên mất, cứ ngồi chúi mũi vào search xem nhà này có Wi-Fi không. Đến khi người yêu thúc vào sườn, mới nhớ. May mà khi mình về, cô ấy đỡ lời, không thì mẹ cấm cửa". Theo Linh, hơn 3 năm chơi iPhone, chiếc di động của Apple đã làm anh thay đổi hẳn về cách nhìn smartphone. "Ngày xưa, mình cũng mê mẩn với mấy em O2, nhưng không đến nối đi đâu cũng vuốt vuốt, quên mất xung quanh như bây giờ". Không chỉ mê mẩn với iPhone, Linh còn nghiện mấy thứ phụ kiện cho nó. Từ bao da, miếng ốp lưng, đến pin ngoài, "đôi khi, mua xong, dùng vài bữa là chán, nhưng không biết tại sao lại thích 'sắm đồ' cho iPhone đến vậy. Thậm chí mua phụ kiện còn chăm hơn cả mua hoa cho người yêu", Linh nói.
Con gái cũng mê mẩn iPhone giống con trai. Lan Hương, nhân viên một công ty truyền thông ở quận I, TP HCM, khó xa rời chiếc điện thoại của mình. Hương cho biết cô đã cài rất nhiều phần mềm cho iPhone của cô, có cái không biết để làm gì. "Đi đến đâu, tôi cũng lôi iPhone ra, bật Foursquare để xác định địa điểm nơi đến. Thấy cái gì hay, bật Hipstamatic lên chụp ảnh xanh lè, rồi post lên Facebook khoe với bạn", Hương tâm sự. "Gần như thấy cái gì lạ, thú vị, lại lôi iPhone ra để cập nhật lên mạng xã hội, iPhone nói thay mình nhiều thứ, cũng chính vì thế, mình ít nói với người xung quanh hơn", Hương cười.
Một cuộc offline của dân "ghiền" iPhone. Ảnh: Quốc Huy.
Theo anh Hải Nam, một dân chơi iPhone ở quận 3, TP HCM, chiếc điện thoại này không chỉ làm cho người dùng mê mẩn mà nhiều người còn phát cuồng vì nó. Lướt qua các diễn đàn về điện thoại di động, đâu cũng thấy những khẩu hiệu như "iPhone vô đối", "iPhone là số một". Song hành với hội cuồng iPhone luôn là các cuộc "khẩu chiến" với fan của các hãng khác để dành phần "vô đối". Dân chơi iPhone luôn cho rằng, điện thoại của họ là nhất, nhiều ứng dụng, thiết kế đẹp, còn giới chơi dòng khác lại cho rằng chỉ biết có iPhone là "ếch ngồi đáy giếng".
Với anh Nam, điện thoại chỉ là thứ phục vụ cuộc sống, "ngày nay, smartphone có thể thay máy tính, camera, máy chơi nhạc, tuy nhiên, cũng không nên lệ thuộc quá vào nó mà quên mất cuộc sống xung quanh. Điện thoại thông minh, còn bao hàm cả cách dùng thông minh", anh Nam nói.
Theo Sohoa