Sống không cần điện thoại di động?
Điện thoại di động đã trở thành một thiết bị không thể thiếu cho nhu cầu liên lạc thông tin của nhiều người dân từ thành thị cho tới nông thôn.
Điện thoại di động đang gần gũi với cả bà con nông dân.
Ấy vậy mà, Bộ Công Thương lại vừa đưa mặt hàng này vào dạng "không thiết yếu và không khuyến khích nhập khẩu". Vậy điện thoại di động là thiết yếu hay không thiết yếu đối với cuộc sống?
Dân nói "có"
Xã hội phát triển, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, học tập, nghiên cứu… đều cần tới chiếc “alo”. Ngay cả các bác nông dân ở nông thôn giờ đây cũng tay cày cuốc, tay điện thoại. Giới học sinh, sinh viên thì khỏi nói cho dù mức chi tiêu còn hạn hẹp. Còn giới công chức, làm ăn thì điện thoại lại càng thiếu yếu hơn bởi đó là công cụ kiếm sống, là phương tiện làm ăn không thể thiếu được. Chiếc ĐTDĐ ngày nay đã bình dân đến mức ngay cả học sinh tiểu học cũng được bố mẹ tậu cho một chiếc để tiện cho việc liên lạc và theo dõi thông tin của con cái.
Theo anh Thành, một người dân buôn bán tại Hà Nội, anh sử dụng điện thoại từ rất lâu rồi. Hồi đầu, chiếc “alo” của anh chỉ được dùng để liên lạc với bạn bè và người thân nhưng khi các mạng viễn thông cung cấp nhiều dịch vụ hơn trên điện thoại, anh đã có thể tranh thủ theo dõi tin tức trong thời gian chờ đợi, biết được các nhu cầu tiêu dùng, chính sách tăng giảm giá… Anh cho biết, một ngày không đụng đến điện thoại là không chịu được, lúc nào trong túi anh có hai thứ không thể thiếu khi ra đường, đó là ví tiền và điện thoại.
Không chỉ là thiết bị liên lạc đơn thuần, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ĐTDĐ đã được bổ sung thêm nhiều tính năng hữu ích phục vụ công việc hàng ngày và đáp ứng các nhu cầu thiết của người dùng. Với điện thoại di động, người dùng có thể duyệt email, đọc tin tức và ngay cả việc lưu trữ các thông tin cá nhân quan trọng như mật khẩu, tài khoản ngân hàng.... Vì vậy, chiếc “alo” đã dần trở thành một thiết bị cá nhân hữu ích cho những người năng động, đặc biệt là doanh nhân.
Bộ bảo "không"
Trong những nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hạn chế nhập siêu, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục các sản phẩm không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu, trong đó có ĐTDĐ. Thậm chí, các Bộ: Tài chính - Công Thương - Thông tin và Truyền thông còn đang xem xét kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này (hiện đang ở mức 0%).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, vấn đề này đang được xem xét và có thể sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại điện thoại từ 3-5 triệu đồng trở lên, điện thoại càng đắt thì mức thuế áp càng cao.
và những điều chưa được lý giải
Đáng chú ý, trong danh mục hàng không thiết yếu mà Bộ Công Thương ban hành có nhiều mặt hàng được người dân sử dụng hàng ngày có nhiều mặt hàng nông sản như: rau, củ quả, gạo...Vì thế, nếu hiểu một cách đơn giản, đến gạo còn thuộc diện không thiết yếu thì nói gì đến ĐTDĐ.
Tuy nhiên, việc các mặt hàng nông sản hạn chế nhập khẩu là để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước lại khó có câu trả lời thoả đáng đối với ĐTDĐ. Nếu bị hạn chế nhập khẩu thì nguồn cung bị co hẹp lại và chắc chắn giá thành sẽ bị đẩy lên cao. Cơ sở cho nhận định này là ĐTDĐ bán trên thị trường hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, lượng sản xuất trong nước rất ít và không đáng kể.
Hơn nữa, với mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt theo quy định của nhà nước đối với các mặt hàng không thiết yếu hiện nay vào khoảng từ 10-70%, nên nếu bị áp mức thuế suất thấp 15% thì mỗi chiếc điện thoại hiện được bán với giá 4 triệu đồng sẽ bị phụ trội lên thêm khoảng hơn 500 nghìn đồng nữa. Nếu mức thuế suất càng cao thì khoản phụ trội sẽ càng cao và rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng nhập lậu ĐTDĐ và tạo đà cho thị trường điện thoại “nhái” phát triển.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ĐTDĐ trên thực tế của người dân đang tăng cao. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tính tới tháng 3/2010, số thuê bao điện thoại di động cả nước đạt 117,9 triệu thuê bao (tăng 63,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, chỉ tính riêng quý 1/2010, số thuê bao mới của điện thoại di động đã chiếm 6,55 triệu thuê bao, chiếm 91% tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới. Tuy số thuê bao thực có thể thấp hơn nhưng số liệu này đã chứng tỏ phần nào sự phổ biến và cần thiết của ĐTDĐ trong mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay.
Như vậy, việc hạn chế nhập siêu, bình ổn giá cả theo chủ trương của nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng trước khi điều chỉnh chính sách đối với từng nhóm hàng cụ thể, các cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ, tránh những tác động tiêu cực tới thị trường và người tiêu dùng lại là người gánh chịu hậu quả. ..
Theo ICTnews