Phản ứng xung quanh scandal theo dõi 140 triệu điện thoại
Số lượng điện thoại mà Carrier IQ khẳng định đang theo dõi là 141.287.792 máy. Một số nhà mạng đã thừa nhận có là đối tác của công ty này trong khi Apple tuyên bố có liên quan nhưng ngừng hỗ trợ phần mềm đó từ iOS 5.
Carrier IQ, thành lập năm 2005 tại Mountain View, California (Mỹ), đang gặp rắc rối lớn khi giới bảo mật, các nhà bảo vệ quyền riêng tư, luật sư và người tiêu dùng cùng đồng loạt chỉ trích công ty này đã âm thầm cài phần mềm theo dõi mọi thông tin người dùng nhập từ bàn phím.
Carrier IQ cho hay ứng dụng của họ được cài đặt do các đối tác đề nghị. Sprint, AT&T HTC, Apple, Samsung, Nokia, RIM và Verizon Wireless bị cáo buộc là đối tác của công ty trên.
Hơn trăm triệu điện thoại đang âm thầm theo dõi người sử dụng. Ảnh: CNN.
Trang All Things D nhận được e-mail của Apple thừa nhận về vụ ì xèo này nhưng khẳng định: "Chúng tôi đã ngừng hỗ trợ Carrier IQ từ nền tảng iOS 5 trên hầu hết các sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn trong các bản cập nhật phần mềm thời gian tới. Chúng tôi không bao giờ ghi lại các ký tự bàn phím, tin nhắn hay bất cứ thông tin cá nhân nào và cũng không có kế hoạch làm điều đó trong tương lai".
HTC cũng tuyên bố: "Carrier IQ được một loạt hãng phân phối ở Mỹ yêu cầu cài đặt trên thiết bị. Nếu khách hàng có bất cứ thắc mắc nào liên quan, hãy liên hệ với nhà cung cấp. HTC không phải khách hàng hay đối tác của Carrier IQ và không nhận được bất cứ dữ liệu nào gửi từ ứng dụng này, từ công ty này hay từ các nhà cung cấp".
Microsoft khẳng định không cài Carrier IQ trên điện thoại Windows Phone trong khi Nokia và Verizon Wireless cũng tuyên bố không dính dáng.
Ngược lại, T-Mobile, Sprint và AT&T thừa nhận có sử dụng Carrier IQ trên các dòng thiết bị được phân phối qua ba mạng, nhưng cả ba giải thích chỉ dùng để cải thiện chất lượng mạng. "Carrier IQ giúp chúng tôi hiểu những vấn đề nào người sử dụng đang gặp phải trong mạng của mình để chúng tôi có thể cải tiến chất lượng dịch vụ nhanh chóng. Nó thu thập đủ thông tin để đánh giá trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi không và không thể đọc các nội dung như tin nhắn, ảnh, video...", đại diện Sprint cho hay.
Xét về mặt khách quan, mục đích của phần mềm là để nâng cao trải nghiệm ở phía người dùng như giúp nhà mạng xác định nguyên nhân pin sụt nhanh, rớt sóng, ứng dụng hay trục trặc... Tuy nhiên, rắc rối ở đây là mọi người không hề biết sự tồn tại của chương trình bởi nó ẩn sâu trong hệ điều hành và không cần được người dùng cấp quyền hoạt động. Nó có khả năng ghi lại mọi dữ liệu cá nhân như cuộc gọi, tin nhắn, vị trí địa lý... và rất khó để gỡ bỏ khỏi máy.
Giới luật sư tỏ ra chắc chắn rằng các vụ kiện cáo sẽ sớm diễn ra và Carrier IQ sẽ phải trình báo họ khai thác thông tin như thế nào, có đúng như các nhà mạng tuyên bố không hay còn xa hơn thế.
"Nếu hacker thâm nhập được vào cơ sở dữ liệu của các nhà mạng, họ có lẽ sẽ nắm trong tay hàng triệu tài khoản điện thoại, kèm theo đó là hàng nghìn tài khoản ngân hàng. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng ngay trên thiết bị di động, chỉ riêng hành động kiểm tra số dư tài khoản là cũng có thể bị lưu lại rồi", thành viên trên một diễn đàn công nghệ chia sẻ.
Cách duy nhất để gỡ bỏ phần mềm là người sử dụng phải "root" điện thoại (chiếm quyền điều khiển cao nhất của máy) và cài đặt lại hệ điều hành. Tại Việt Nam, một lượng lớn hàng xách tay được nhập từ các nhà cung cấp Mỹ, trong đó có AT&T, Sprint và T-Mobile. Tuy nhiên, do là bản khóa mạng và để có thể thoải mái cài đặt chương trình, ứng dụng... người sử dụng thường "root" điện thoại ngay khi mua máy. Dù vậy, đa số đều hy vọng Carrier IQ và các bên liên quan sẽ bị khởi kiện bởi hành động thu thập thông tin, dù với bất cứ mục đích gì, cũng phải được sự cho phép của người dùng hoặc họ cần biết đến tự tồn tại của phần mềm.
Theo VnExpress