Bảo mật điện thoại di động: chuyện không hề nhỏ!
Các dòng đi động thông minh (smartphone) có khả năng truy cập Internet, nó không khác gì một chiếc máy tính để bàn hay xách tay, nguy cơ gặp phải các vấn đề bảo mật rất lớn nếu như không được quan tâm đúng mức.
Thực tế hiện nay, ngày càng có nhiều người dùng điện thoại truy cập vào các tiện ích như Internet Banking, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng có xu hướng dùng di động, đặc biệt là smartphone, để kiểm tra e-mail, lưu trữ những văn bản quan trọng… Thế nhưng, khả năng đảm bảo an toàn thông tin đến đâu là điều phải bàn.
Theo chuyên gia của Microsoft, vấn đề bảo mật cho các dòng điện thoại thông minh vẫn còn khá mới. Rất nhiều cuộc thảo luận đã được tổ chức song chủ yếu vẫn trong môi trường hàn lâm để tìm ra các cách thức phòng chống khác nhau phòng chống.
Cách đây một vài năm, vấn đề mất dữ liệu, hay lộ thông tin từ điện thoại chủ yếu do người dùng ứng dụng Bluetooth là chủ yếu. Nhưng giờ, khi các dòng điện thoại thông minh có các tính năng gần như một chiếc máy tính, bắt đầu nhận thư điện tử, vào web… thì vấn đề đã hoàn toàn khác.
Thực tế đã và đang có khá nhiều loại virus, trojan ra đời nhắm vào các tính năng đặc biệt là khả năng kết nối với Internet của các dòng điện thoại thông minh. Tin tặc đang tiến hành nghiên cứu bí mật các giải pháp tấn công điện thoại di động để ăn cắp thông tin về ngân hàng, tài khoản game… Tuy nhiên, do các cuộc tấn công chưa nhiều như với máy tính nên không nhiều người dùng biết tới.
Lời khuyên của các chuyên gia an ninh mạng là việc đầu tiên phải quan tâm tới tính năng gửi, nhận thư điện tử. Đây là một trong nguồn lây nhiễm, mất an toàn thông tin đầu tiên mà người dùng smartphone gặp phải khi bắt đầu sử dụng điện thoại.
Không khác gì một chiếc máy tính, người dùng cũng có thể nhận được những tin tặc gửi từ email trên máy di động. Nguy cơ này chiếm tới 25% trong vấn đề mất an toàn an ninh thông tin. Sau đó là các nguy cơ khác như do mất điện thoại, để quên điện thoại, trao đổi điện thoại và trao đổi thẻ nhớ…
Chuyên gia của Microsoft đưa ra lời khuyên, người dùng nên sử dụng các ứng dụng quyền thông tin để up lên, ứng dụng này cho phép thông tin đó sẽ không đọc được nếu chúng ta không truy cập được máy phục vụ cung cấp quyền thông tin trên hệ thống mạng.
Nếu như máy tính chỉ có một hệ điều hành, việc thay đổi, nâng cấp phiên bản diễn ra chậm, nên nhiều virus độc hại xuất hiện mà người dùng trở tay không kịp thì với điện thoại thông minh lại khác. Hiện giờ có rất nhiều hệ điều hành như Symbian, Windows Mobile, Android, RIM… dành cho các dòng smartphone, các hệ điều hành lại được nâng cấp rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cũng khẳng định, điều cần quan tâm trước tiên là ý thức của chính bản thân người sử hữu các dòng điện thoại thông minh, phải hiểu rằng việc bảo mật thông tin dữ liệu là vô cùng quan trọng.
Theo VnMedia