Anhtoitb
New Member
SMS Banking - Chuyển động cùng công nghệ
(Mobilenet) - SMS Banking giúp người sử dụng mobile có thể truy vấn các thông tin ngân hàng, nhắn tin thanh toán điện tử, mua hàng qua mobile… Dịch vụ này đã biết tới từ cuối năm 2006. Tuy nhiên, từ đầu năm 2008, SMS Banking đã có nhiều cải tiến mang đến cho khách hàng không chỉ là những dịch vụ “tĩnh” mà còn cả những dịch vụ “động” với nhiều công nghệ bảo mật hơn từ phía ngân hàng và các công ty cung cấp giải pháp kỹ thuật.
Hiện người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đã làm quen với hình thức “sạc tiền” mới cho ĐTDĐ - nạp tiền không cần mã thẻ: VNTOPUP. Với các hình thức truyền thống như nạp thẻ cào, nạp tiền điện tử Eload…, khách hàng phải đến địa điểm để nạp thẻ hoặc các đại lý có thể dùng SIM bán hàng để nhắn tin nạp tiền cho khách.
Theo ông Trần Trí Mạnh, Tổng giám đốc VNPAY, thì “Dịch vụ trừ tiền từ tài khoản để "sạc tiền" cho ĐTDĐ như dịch vụ VNTOPUP, EASYTOPUP khác với trừ tiền từ thẻ cào. Tài khoản được coi là tiền mặt và được gửi tại ngân hàng tức là tiền có lãi và có thể sử dụng cho những mục đích khác.
Trong khi đó trừ tiền từ thẻ cào (hàng hoá), khách hàng không có lãi. Dịch vụ thanh toán mới này cũng khác với thanh toán từ tài khoản ngân hàng để mua thẻ Vcoin (Đông Á) hoặc trả tiền mặt mua thẻ cào…
Ngoài ra, việc mua thẻ cào đôi khi khách hàng còn có nguy cơ không nạp được hoặc mất thẻ. Mất mã thẻ, khách hàng sẽ khó có thể khiếu nại. Còn với VNTOPPUP thì việc lưu tin nhắn tại máy và nhà mạng sẽ giúp khách hàng xử lý được những rủi ro… Đây chính là tiền đề cho SMS Banking phát triển thêm một bước trong thời gian tới”.
Chuyển từ tĩnh sang động…
Năm 2007, một số ngân hàng đã triển khai dịch vụ SMS Banking nhưng mới chỉ mang tính chất tra cứu thông tin tĩnh. Năm 2008, rất nhiều ngân hàng đã gia tăng thêm nhiều dịch vụ trên nền SMS Banking nhất là các dịch vụ liên quan đến sự biến động của tài khoản. Để gia tăng thêm một tiện ích của dịch vụ SMS Banking cũng là cả một quãng đường dài đòi hỏi theo đó là bước tiến của công nghệ tương thích và công nghệ bảo mật.
Như vậy, dịch vụ SMS Banking hiện có thể chia ra làm 2 loại hình dịch vụ chính:
• Thứ nhất là áp dụng cho mọi đối tượng khách hàng có thuê bao di động (kể cả các khách hàng không đăng ký sử dụng dịch vụ tại Ngân hàng). Loại hình dịch vụ này mang tính tra cứu các thông tin tĩnh của ngân hàng và không liên quan tới tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng. VD: dịch vụ tra cứu địa điểm ATM, Xem thông tin về lãi suất của Ngân hàng... qua SMS. Loại hình dịch vụ này tương đối đơn giản.
• Thứ hai là áp dụng cho khách hàng có tài khoản tại Ngân hàng. Khách hàng muốn sử dụng phải đăng ký tại quầy giao dịch theo biểu mẫu của Ngân hàng (nhằm mục đích liên kết số tài khoản với số điện thoại của khách hàng). Các thông tin tra cứu thường là biến động theo tài khoản của khách hàng.
VD: tra cứu số dư tài khoản qua SMS, tra cứu lịch sử giao dịch của khách hàng (liệt kê 05 giao dịch gần nhất), tự động thông báo thay đổi số dư tài khoản, và đặc biệt là các dịch vụ mang tính đột phá sẽ được các ngân hàng triển khai từ nay đến cuối năm 2008. Chẳng hạn như dịch vụ chuyển khoản trên điện thoại mà ngân hàng Nông nghiệp sẽ dự kiến tung ra trong thời gian tới… Những dịch vụ như thế này tương đối phức tạp vì phải tích hợp với hệ thống CoreBanking của ngân hàng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ viễn thông và của các dòng máy điện thoại hiện đại có hỗ trợ java, năm 2008 là năm khởi đầu cho nền tảng Mobibanking. Các ngân hàng đã quan tâm tới việc cài đặt ứng dụng SMS Banking của mình vào điện thoại di động của khách hàng (điện thoại hỗ trợ java) để thuận tiện trong thao tác cũng như có thể mã hóa nội dung tin nhắn. Việc cài đặt ứng dụng SMS Banking trên ĐTDĐ sẽ giúp khách hàng có thể download phần mềm ứng dụng để không phải nhắn tin nhớ cú pháp mà chỉ cần truy cập vào danh bạ điện thoại để tìm.
Khi tra cứu xong, thoát ra, khách hàng có thể xoá luôn tin nhắn nên dịch vụ có tính bảo mật khá cao. Điều đáng nói là SMS Banking sẽ được kết hợp với công nghệ xác thực mạnh (One time Password). Đây là công nghệ giúp tiện ích chuyển khoản được an toàn hơn.
Không chỉ nhập password từ phía khách hàng mà để đảm bảo bí mật, ngân hàng còn gửi lại 1 password vào máy di động của khách hàng đó để xác thực lại một lần nữa trước khi giao dịch được triển khai. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc làm giả tin nhắn lệnh chuyển tiền. Những công nghệ mới này đang được nước ngoài và các công ty chứng khoán dùng nhiều.
… và những bước đi đầu tiên
Theo Ông Trần Trí Mạnh, CEO của VNPAY, dù hiện nay đang là thời điểm phù hợp để ngân hàng phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng, song các doanh nghiệp bán hàng thì vẫn chưa có đủ tiềm lực về công nghệ thông tin để có thể kết nối với nhiều hoặc tất cả các ngân hàng. Thói quen người tiêu dùng cũng là một trở ngại lớn cần phải có thời gian để thích nghi vì phần lớn phương tiện thanh toán trong dân chúng vẫn bằng tiền mặt.
Ngoài ra, theo các chuyên gia thì vấn đề bảo mật mới được coi là vướng mắc lớn nhất của thanh toán điện tử trong thời gian qua. Người tiêu dùng luôn bất an với câu hỏi, liệu các công ty giải pháp phần mềm và ngân hàng đã thực sự tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch điện tử qua mobile?
Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, các ngân hàng đều đã có dự án hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, dữ liệu khách hàng được tập trung tại một điểm (dữ liệu không bị phân tán). Cho đến nay, các dịch vụ truyền thống của ngân hàng như: tín dụng (cho vay ngắn hạn, dài hạn, đầu tư dự án), huy động tiết kiệm (lãi suất ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, lãi suất bậc thang,..), tài trợ thương mại (thanh toán L/C, phát hành bảo lãnh, nhờ thu), phát hành thẻ (thẻ ATM nội địa, thẻ Visa, MasterCard)… đều đã đi vào ổn định trên hệ thống quản lý thẻ (CMS) và hệ thống CoreBanking hiện đại. Các giải pháp CoreBanking, Switching, hệ thống quản lý thẻ (CMS)... đều do các hãng có tên tuổi trên thế giới cung cấp.
Một số công ty giải pháp kỹ thuật mạng cũng được trang bị hệ thống công nghệ bảo mật tiên tiến đã và đang hoạt động rất ổn định tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi kênh thanh toán đều có các hình thức xác thực mạnh đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
Theo ông Mạnh, hiện nay nhiều ngân hàng đang hướng tới việc nạp ứng dụng trên điện thoại cũng như sử dụng công nghệ One time Password để đảm bảo tính toàn vẹn cũng như tính an toàn trong giao dịch điện tử qua mobile. Bên cạnh những tính năng giúp các giao dịch an toàn còn cần đến những công nghệ hỗ trợ khách hàng thực hiện được dịch vụ SMS Banking một cách dễ dàng.
Định hướng mà các công ty giải pháp công nghệ cần phải thực hiện là cung cấp cho các doanh nghiệp công nghệ kết nối theo chuẩn tài chính phổ biến để hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng có thể hiểu được ngôn ngữ của nhau (Ví dụ như VNPAY, sử dụng chuẩn ISO 85/83. Đây là chuẩn tương đối phổ biến và giúp cho hệ thống ngân hàng tương tác được hệ thống doanh nghiệp). Có như thế, các giao dịch mới sẽ dễ triển khai hơn. Người tiêu dùng dễ thao tác và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ cũng như ngân hàng.
Ông Bùi Quang Tiên, Trưởng Ban Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Từ ngày 21-23/5/2008, Banking Vietnam đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại cuộc hội thảo này, ông Bùi Quang Tiên, Trưởng Ban Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận định, với khoảng 15 triệu người sử dụng Internet và gần 50 triệu người sử dụng di động, rõ ràng Internet banking và Mobile Banking sẽ là trào lưu phát triển tiếp theo tương tự như sự phát triển bùng nổ của thẻ thanh toán. Dự tính 5 năm tới, thanh toán qua Mobile và Internet sẽ rất phát triển.
Theo ông Anil Somani, GIám đốc cao cấp phụ trách thanh toán, Trung tâm giải pháp ngân hàng toàn cầu IBM.
Hiện nay, số người dùng di động tại Việt Nam là khá lớn, chiếm khoảng 50-60% tổng số dân nhưng số người sử dụng di động để thanh toán qua ngân hàng còn rất thấp: chỉ khoảng 10.000 khách hàng và đây chính là cơ hội cho các ngân hàng và các nhà viễn thông.
Thanh toán và giao dịch qua điện thoại di động trên thế giới đang có xu hướng phát triển trên điện thoại di động bởi số thuê bao của thế giới sẽ tăng gấp 2 lần từ nay đến năm 2010.
SMS Banking sẽ đi 3 qua giai đoạn: Bước đầu chỉ mới đảm nhiệm chức năng thông báo: cụ thể là ngân hàng chủ động thông báo cho khách hàng (Ví dụ thông báo cho khách hàng biết bạn đã chi quá mức hay chưa?).
Bước 2: Báo cáo kiểm tra số dư, 5/10 giao dịch gần nhất… đây là bước đầu của thị trường thanh toán qua mobile.
Bước 3: Bước ngân hàng hóa. SMS Banking cho phép chuyền tiền quốc tế, báo nợ, thực hiện các thanh toán cá nhân và các thanh toán giữa các ngân hàng. Đây là bước thực hiện đặc biệt vì giúp cho việc thanh toán quốc tế. Tại VIệt Nam có tới 90% khách hàng chưa sử dụng hệ thống thanh toán qua ngân hàng. Và đây chính là tiền đề để giúp các hình thức thanh toán khác được phát triển: như mua các loại vé xem phim,thể thao…