Tháng 4 thị trường di động chững lại
Theo nhiều chủ cửa hàng điện thoại di động, thị trường tháng qua ít có chuyển biến, doanh số không tăng, lượng khách giảm và không có model mới "đình đám" nào ra đời. Nguyên do đây không phải là thời điểm mua sắm của khách hàng.
Khách hàng đắn đo trước khi mua một mẫu di động mới. Ảnh:
Hoàng Hà.
Theo số liệu thống kê tại một số cửa hàng lớn như hệ thống Mai Nguyên (TP HCM), Viettel (Ngọc Khánh, Hà Nội) đều có doanh số không tăng so với
tháng 3. Trong khi đó, những siêu thị lớn như Mobilemaxx (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), Đức Minh (Thái Hà, Hà Nội) lại giảm từ 5 đến 15% so với tháng 3. Hệ thống Thế Giới Di Động có doanh số tăng 5%, do công ty khai trương một số siêu thị mới.
Dạo qua một số cửa hàng tại Hà Nội, lượng khách tham quan cũng như đến mua sắm ít hơn so với các tháng trước. Anh Trần Chí Dũng - quản lý siêu thị Mobilemaxx - cho biết, do thời tiết nóng hơn, chu kỳ mua sắm đã hết bên cạnh những khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng làm cho người tiêu dùng thận trọng hơn khi bỏ tiền ra mua một chiếc điện thoại mới.
Đây cũng là thời điểm mà các hãng lớn không tung ra những chương trình khuyến mại hoành tráng. Theo anh Nguyễn Phú Bình, quản lý siêu thị Viettel, phần lớn các cửa hàng, siêu thị phải tự làm chương trình khuyến mãi cho khách như tặng SIM, bốc thăm trúng thường...
Tháng 4 cũng không có những model di động mới "rình rang" ra mắt như trước. Cá biệt chỉ có
Sony Ericsson giới thiệu
Z555i,
W380i. Còn các thương hiệu khác đều hứa hẹn sẽ tung ra các mẫu mới trong những tháng tới.
Tháng này không có nhiều mẫu di động mới cho khách hàng lựa chọn. Ảnh:
Hoàng Hà.
Trong tháng qua, Nokia vẫn dẫn đầu thị trường, doanh số của LG tiếp tục nhích lên và di động giá rẻ tiếp tục chiếm đa số hàng bán ra.
Mặc dù không có thêm một model nào ra mắt tháng 4, Nokia vẫn tiếp tục là thương hiệu được người mua lựa chọn nhiều nhất. Thị phần của hãng hiện đang chiếm từ 56 đến trên 60 % tại các cửa hàng lớn.
Ngoài ra, danh sách các sản phẩm bán chạy trong tháng phần lớn đều thuộc về Nokia như
Nokia 2630,
1200, 3110 Classic hay
1208.
Cũng như tháng 3, LG tiếp tục đà thăng tiến với điện thoại nghe nhạc giá rẻ
KG195. Doanh số điện thoại LG bán ra tại Thế Giới Di Động, Đức Minh Mobile đã vượt Sony Ericsson,
Motorola.
Điện thoại giá rẻ tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường. Những model dưới 2 triệu đồng của Nokia như 1200, Samsung với
C140,
Motorola W230, BenQ-Siemen C30 hay
Sony Ericsson W200i đứng đầu danh sách di động bán chạy các hãng.
Porsche Design P9521 đã có mặt tại Việt Nam. Ảnh:
Cnet.
Giống như tình hình chung của thị trường, điện thoại cao cấp và PDA có doanh số bán ra vẫn "giậm châm tại chỗ".
Trong tháng 4, thị trường di động cao cấp đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới.
HTC chính thức có nhà phân phối mới tại Việt Nam là P&T (phân phối điện thoại Sony Ericsson). Hiện tại, ngoài những thiết bị quen thuộc với thị trường Việt Nam như
Touch, nhà sản xuất smartphone Đài Loan còn mang đến các mẫu PDA mới như
Touch Dual,
Touch Cruise và
TyTN II.
Trong khi đó, chiếc di động xe hơi Porsche Design P9521 cũng có mặt tại Việt Nam với giá bán 2.250 USD do Công ty Lucky phân phối.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các thiết bị mới bên cạnh model cũ như
Samsung Armani vẫn không mang lại chuyển biến cho thị trường di động cao cấp, hàng bán ra không tăng. Trong khi
Nokia 8800 Arte,
8800 Sapphire Arte khan hàng tại các siêu thị thì
iPhone cũng "lẹt đẹt" bởi lượng hàng xách tay về ít, người dùng có tâm lý chờ đợi phiên bản
3G sẽ ra mắt vào tháng 6.
Giải thích cho việc thị trường cao cấp chững lại, ông Trần Quốc Trung, Tổng giám đốc Mai Nguyên Mobile, cho biết, đối tượng khách hàng phần lớn là doanh nhân. Trong khi đó, lạm phát và các chính sách hạn chế cho vay của nhà nước dẫn đến công việc của họ ít thuận lợi. Vì thế, mua sắm di động mới không phải là mối quan tâm của doanh nhân, ngay cả những tháng tiếp theo.
( Theo SoHoa )