48 triệu thuê bao và câu chuyện thứ hạng
Số liệu điều tra công bố chính thức của Bộ Thông tin Truyền thông chiều 3/6/2008 cho biết: Tổng số thuê ĐTDĐ của 4 nhà cung cấp lớn tại Việt Nam hiện nay vào khoảng 48 triệu, đồng thời công khai số lượng thuê bao của từng mạng, hóa giải tình trạng "tranh nhau làm số 1". Tuy nhiên, liệu số người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam có thực sự nhiều đến thế?
Người tiêu dùng bình dân chấp nhận việc phải thay Sim, đổi số liên tục để được liên lạc di động với giá cước rẻ hơn. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng.
Các con số công bố này được Bộ TT-TT điều tra theo một tiêu chí chung: Số lượng thuê bao mở hai chiều + số lượng thuê bao bị khóa 1 chiều. Các số liệu này phải được thống kê trên hai hệ thống
HLR (Hệ thống xác định thuê bao đăng ký) và Billing (Hệ thống tính cước) của từng mạng.
Thứ hạng về phát triển thuê bao mới
Theo cách đó, tổng số thuê bao hiện tại của Viettel là 19,42 triệu, đứng thứ nhất; MobiFone là 13,4 triệu; VinaPhone 12,1 triệu và S-Fone khiêm tốn với 3,14 triệu thuê bao. Số liệu này có thể coi là chính xác, ít xảy ra "khiếu kiện" nhất vì quá trình điều tra được tiến hành bởi Bộ TT-TT và chính các DN kiểm tra chéo nhau.
Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là con số cho sự xếp hạng về khả năng phát triển thuê bao mới, trong khi đó tổng giá trị doanh thu tính theo các thuê bao thực, ảo, thuê bao trả sau, thuê bao trung thành cũng góp phần không nhỏ vào sự chiếm lĩnh thị trường của mỗi DN.
Trả lời phóng viên VietNamNet qua điện thoại chiều 4/6/2008, ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc VinaPhone cho biết, ông không có bình luận gì về các con số này do chưa được đọc bản công bố chính thức của Bộ TT-TT.
Còn ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc công ty VMS (MobiFone) cũng cho biết không có bình luận gì về kết quả công bố này, tuy nhiên, ông Minh cho rằng, kết quả này chưa phản ánh được sức mạnh thực tế của DN, bởi bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác như: chất lượng dịch vụ, thương hiệu, uy tín trên thị trường...
Hơn 56% dân số Việt Nam dùng ĐTDĐ?
Với con số ấn tượng hơn 48 triệu thuê bao di động hiện có, chỉ cần một phép chia đơn giản cho dân số Việt Nam vượt mức 85 triệu người trong năm 2007, mọi người có thể hình dung đơn giản rằng tỉ lệ người dân Việt Nam dùng ĐTDĐ đã đạt mức trên 56%. Đây là một tỉ lệ khá cao trong khu vực châu Á-TBD. Nhưng thực tế, tỉ lệ người dùng di động tại Việt Nam liệu có đúng như vậy?
Vào thời điểm tháng 7/2007, theo số liệu Bộ BCVT chuyển giao cho Bộ TT-TT, tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 38,3 triệu thuê bao, trong đó 74% là điện thoại di động, đạt mật độ 45,3 máy/100 dân. Suy ra, số thuê bao di động tại Việt Nam ở mức khoảng hơn 28,3 triệu.
Như vậy, sau 10 tháng, khi cuộc điều tra số lượng thuê bao di động của Bộ TT-TT được tiến hành vào cuối tháng 5 vừa qua, thị trường di động Việt Nam đã có mức tăng trưởng gần 20 triệu thuê bao. Đây là một con số tăng trưởng bùng nổ đầy ấn tượng. Tuy nhiên, tỉ lệ thuê bao trả trước chiếm tới hơn 90% khiến nhiều người không khỏi băn khoăn liệu hơn một nửa dân số Việt Nam đã được dùng ĐTDĐ?
Cuối năm 2007, toàn thế giới đạt mức 3,3 tỉ thuê bao di động, tương đương với 50% dân số toàn cầu. Trong khi đó tỉ lệ dân số thành thị của Việt Nam năm 2007 mới đạt 27,4%, thuộc loại thấp (tỉ lệ chung toàn thế giới là 48%, châu Phi là 37%, châu Á và Đông Nam Á là 38%).
Với đặc thù thuê bao di động phân bổ mật độ theo các vùng dân cư thành thị, có điều kiện kinh tế cao hơn vùng nông thôn, những số liệu này cho thấy trên thực tế, tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng ĐTDĐ hiện vẫn còn thấp hơn mức trung bình thế giới, và không thể tới mức 56% được.
Hệ quả của khuyến mãi thu hút thuê bao mới
Nguyên nhân lý giải cho số lượng thuê bao di động tăng trưởng bùng phát tại Việt Nam trong thời gian vừa qua chính là tình trạng một người sử dụng nhiều sim ĐTDĐ - hậu quả của các đợt khuyến mãi giảm giá, tặng tiền vào tài khoản để thu hút thuê bao mới của các mạng di động.
Người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam đã trở nên quen thuộc với cảnh mang theo bên người 3-4 chiếc ĐTDĐ, cùng cả một "vốc" SimCard. Ảnh: Thế Phong.
Các phương tiện truyền thông trong nước thời gian gần đây cũng đã phản ánh về hiện tượng "mua Sim dùng một lần" của người dùng di động, chọn thời điểm khuyến mại để tài khoản thuê bao được tặng nhiều tiền và chỉ dùng để gọi đi. Khi gọi hết tiền, chủ thuê bao sẵn sàng mua Sim khuyến mãi mới khác để tiết kiệm được tiền cước, vứt bỏ Sim cũ đi hoặc cất đi, chờ đợt khuyến mại nạp tiền khác mới lấy ra dùng tiếp.
Hậu quả là có nhiều người sở hữu cùng lúc 4-5 Sim, thậm chỉ tới cả chục chiếc Sim ĐTDĐ các loại và "thay Sim như thay áo". Các mức hiệu suất sử dụng quỹ kho số trên 70% của các mạng di động do vậy cũng mới chỉ thể hiện được về tỉ lệ Sim bán ra, chứ chưa phản ánh được số lượng khách hàng thực sự của mỗi mạng.
Trong khi các mạng di động tiếp tục chiến lược thu hút thuê bao mới hơn là chăm sóc các khách hàng đã có để theo đuổi cuộc đua tranh thứ hạng, người tiêu dùng bình dân đành chấp nhận mang theo vài chiếc Sim bên mình và cặm cụi tháo ra lắp vào chiếc ĐTDĐ mỗi khi muốn gọi điện, và nhiều khi phải gọi lần lượt qua vài ba số di động để nghe tiếng "tòte tí" mới liên hệ được với người quen của mình.
(Theo Vietnamnet)