Smartphone làm giảm chất lượng mạng
Nhiều nghiên cứu, phân tích lưu lượng mạng của các chuyên gia trên thế giới cho thấy, tác nhân gây nghẽn mạng di động nói chung và 3G nói riêng cũng như làm giảm chất lượng toàn mạng lưới là do smartphone.
Bài toán khó của nhà mạng
Lượng dữ liệu di động toàn cầu đã tăng cao một cách đáng kinh ngạc từ năm 2007 tới nay nhưng ngành công nghiệp băng rộng di động mới chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người dùng laptop mà chưa thực sự quan tâm tới việc tối ưu mạng lưới cho thiết bị cầm tay.
Điều này chỉ thực sự được các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông chú ý khi chất lượng các cuộc gọi và dịch vụ dữ liệu bị giảm sút. Qua phân tích lưu lượng mạng lưới, các chuyên gia đã tìm ra thủ phạm gây nên tình trạng đó ở các thành phố đông dân cư ở Mỹ và Châu Âu chính là smartphone. Theo nghiên cứu của tổ chức Signals Research Group, tình trạng nghẽn mạng 3G chủ yếu do lượng lớn tín hiệu được smartphone tạo ra.
Tuy trung bình một chiếc smartphone chỉ tạo ra một lượng dữ liệu trên mạng bằng 1/6 so với laptop nhưng chúng lại có khả năng làm giảm chất lượng toàn mạng lưới.
Ông Abdallah Harati, Tổng giám đốc Nokia Siemens Networks tại Việt Nam cho biết, tuy smartphone chỉ tạo ra một lượng nhỏ dữ liệu trên mạng so với laptop nhưng chúng lại là nguyên nhân gây giảm chất lượng mạng. Sở dĩ có nghịch lý này là do sự khác nhau trong cách sử dụng giữa laptop và smartphone. Tức là, laptop chỉ tạo ra một lượng lớn dữ liệu di động khi người dùng lướt web hoặc tải tệp tin về máy tính. Trong khi đó, smartphone tạo ra nhiều kết nối nhỏ với mạng lưới, và mỗi lần chỉ truyền đi một lượng nhỏ dữ liệu. Chẳng hạn như ứng dụng push-mail có thể cài đặt để nhận thư mới cứ 30 giây một lần.
Hơn nữa, ngày càng xuất hiện nhiều các loại smartphone giàu tính năng và các điện thoại này thường chạy các ứng dụng luôn trong trạng thái kết nối với mạng, để người dùng cuối có thể liên lạc với bạn bè qua tin nhắn tức thời như Facebook,… Theo nghiên cứu của tổ chức Signals Research Group, các ứng dụng luôn trong trạng thái sẵn sàng kết nối đó chính là nhân tố gây ra tình trạng quá tải tín hiệu trên mạng di động.
Qua đo đạc thực tế, lượng tín hiệu gửi đi từ smartphone (sử dụng các ứng dụng luôn trong trạng thái kết nối) cao gấp 8 lần so với laptop. Smartphone đã tạo nên một thế giới sử dụng dữ liệu mới nhưng các nhà mạng mới chỉ tối ưu mạng lưới để xử lý khối lượng lớn dữ liệu do laptop tạo ra chứ chưa để ý việc xử lý một lượng lớn tín hiệu truyền đi từ thiết bị cầm tay. Chính vì vậy, chất lượng mạng di động của nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông toàn cầu đã giảm xuống rõ rệt.
Bên cạnh đó, khi để smartphone luôn trong trạng thái sẵn sàng truyền dữ liệu cũng khiến cho pin của chúng hết nhanh hơn. Đây được coi là một bài toán khó mà tất cả các nhà khai thác mạng di động gặp phải hiện nay. Họ vừa phải giữ cho khách hàng hài lòng và chất lượng, vừa phải đảm bảo không ngốn quá nhiều pin của thiết bị.
Giải pháp nào hiệu quả
Để giải quyết bài toán này, một số nhà sản xuất thiết bị đã tạo ra phần mềm giúp đưa điện thoại quay về trạng thái chờ (Idle) ngay sau khi quá trình truyền dữ liệu kết thúc, nhằm tiết kiệm pin cho điện thoại. Tuy nhiên, chính điều đó lại vô tình tạo ra nhiều tín hiệu hơn, khiến cho mạng lưới phải xử lý vất vả hơn.
Trong khi đó, hãng Nokia Siemens Networks (NSN) lại cung cấp một giải pháp khác có vẻ như khả quan hơn. Đó là khi bắt đầu chu trình, thiết bị không trong trạng thái sử dụng sẽ không được giữ ở chế độ chờ, mà thay vào đó là trong chế độ có tên “Cell_PCH”. Trong chế độ này, thiết bị tiêu hao pin cũng chỉ bằng với chế độ chờ và tín hiệu cần gửi đi để đánh thức thiết bị cho trạng thái sẵn sàng hoạt động lại ít hơn. Chỉ cần gửi đi tổng cộng 15 tin nhắn tín hiệu là thiết bị đã đi vào trạng thái sẵn sàng hoạt động. Do số lượng tín hiệu ít hơn nên độ trễ cũng vì thế được rút ngắn hơn - chỉ khoảng 0,5 giây.
Giải pháp này sẽ giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ vừa giảm tải được lượng tín hiệu gửi đi, vừa giúp cho thiết bị ít hao pin hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý tiến trình Radio Network Controller (RNC) của NSN cũng giúp giảm tình trạng quá tải mạng lưới và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Tín hiệu ít hơn, thời lượng pin lâu hơn, và khả năng xử lý RNC tốt hơn đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể đưa ra chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dùng smartphone, đồng thời giúp đảm bảo tối ưu cho thiết bị mà người dùng luôn kỳ vọng có được từ nhà cung cấp dịch vụ của họ.
Theo VnMedia