Cẩn thận mua iPhone giá rẻ qua mạng
Hấp dẫn bởi dòng quảng cáo khuyến mại iPhone 3GS giá 3,7 triệu đồng trên mạng, anh Trịnh Hải Hoàn (Hà Nội) lập tức gọi điện đến đường dây nóng hỏi mua.
Chiếc iPhone anh Hoàn mua của Công ty Vĩnh Phát (tay trái): Ảnh do nhân vật cung cấp.
Người trực hotline của vinhphatmobile - nơi rao bán iPhone giá rẻ nói với anh Hoàn đây là hàng xách tay từ Mỹ nên giá rẻ hơn so với thị trường. Kiểm tra thông số iPhone 3GS 16GB trên web, anh Hoàn thấy điện thoại có đầy đủ các thông số của hàng chính hãng Apple nên yên tâm chuyển 3,7 triệu đồng vào tài khoản của công ty.
Chiếc iPhone 3GS 16GB nhanh chóng được chuyển từ TP HCM tới anh Hoàn sau 24h. Nhưng theo anh Hoàn, thay vì có các chức năng của iPhone chính hãng, điện thoại anh nhận được lại không nhận sóng khi lắp sim, không có chức năng Wi-Fi, 3G hay GPRS. Khi gọi điện lại, đại diện Công ty Vĩnh Phát trả lời các sản phẩm là hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng mang qua Mỹ rồi xách tay về Việt Nam. Vị giám đốc công ty này cũng đồng ý để anh trả iPhone với điều kiện trừ đi khoản phí hao mòn.
Tuy nhiên, anh Hoàn cho biết khi người quen của anh tại TP HCM mang đến thì đại diện Công ty Vĩnh Phát không cho rằng đó là hàng của công ty. Lúc này, người mua ở ngoài Hà Nội chỉ còn cách ngồi lập topic cảnh báo cho mọi người trên các diễn đàn về trường hợp của mình vì không lập biên bản kiểm tra hàng trước khi nhận.
Trả lời phóng viên VnExpress.net, ông Nguyễn Tấn Phát, giám đốc Công ty Vĩnh Phát, cũng xác nhận các loại điện thoại iPhone mà công ty rao bán trên mạng được sản xuất tại Trung Quốc, xuất sang Mỹ rồi một người bạn của ông xách tay từ Mỹ về Việt Nam. Do mua được với giá rẻ, nên công ty cũng bán rẻ cho khách. Ông Phát khẳng định các sản phẩm công ty bán được bảo hành trong một năm. Trường hợp điện thoại không có các chức năng, thông số như trên website, ông Phát giải thích là do người dùng chưa cài. Công ty Vĩnh Phát cũng cho rằng sản phẩm anh Hoàn gửi lại không phải là điện thoại do công ty bán.
Anh Phan Thanh Long, kỹ thuật viên của cửa hàng điện thoại Thế giới di động, nhận xét iPhone chính hãng cho dù có sản xuất tại Trung Quốc vẫn đảm bảo đầy đủ các thông số kỹ thuật, chức năng… Còn các loại hàng iPhone "nhái" tuy có hình dáng giống hệt hàng "xịn" nhưng khi dùng sẽ thiếu nhiều chức năng cơ bản. Và theo anh Long, iPhone chính hãng không hề có giá 3,7 triệu đồng, mà phải tới 13-15 triệu đồng.
Một thành viên của diễn đàn 5s có nick cong_ly mới đây cũng bị hở khi tin tưởng mua qua mạng chiếc điện thoại E71 của một công ty trong TP HCM. Nhận được chiếc điện thoại “xịn” không có chức năng, thành viên này cũng vội vã gọi điện cho người bán. Người bán, giải thích chỉ cần mua đĩa về cài là dùng được. Đem điện thoại hỏi các cửa hàng di động, vị khách hàng này đều nhận được câu trả lời giống nhau: “Hàng tàu làm sao mà cài được đĩa”. Khi gọi lại cho bên bán hàng, giám đốc công ty trả lời, điện thoại chỉ cần nghe, gọi là được, các chức năng khác như Wi-Fi chỉ làm tốn pin. Thành viên cong_ly đành khóc dở, mếu dở, tự an ủi: “Của đi thay người”.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, cho biết, những công ty, đơn vị, cá nhân thực hiện lời quảng cáo về chấp lượng sản phẩm không đúng với chất lượng thực của hàng hóa là hành vi vi phạm Luật Thương mại. Việc quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành chính hay đã từng bị kết án về tội này nay tái phạm có thể bị phạt từ 10 đến 100 triệu, bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trên thực tế, những người bị lừa qua mạng hầu như không lưu giữ được chứng từ làm căn cứ cũng như cơ sở bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa án. Theo luật sư Tú, chứng cứ trong giao dịch điện tử là các chứng từ điện tử mà các bên xác lập nên như hợp đồng, đề nghị, thông báo, hóa đơn,... được lưu trữ trên hệ thống thông tin. Ông khuyến cáo người tham gia giao dịch điện tử phải chú ý đến thông điệp dữ liệu của mình được gửi, nhận trên hệ thống thông tin nào để khi muốn kiện tụng thì có thể sử dụng. Ngoài ra, giao dịch điện tử không chỉ có người mua, người bán mà còn có các đơn vị, tổ chức khác tham gia như trung tâm thanh toán điện tử, tổ chức chứng thực chữ kỹ điện tử, tổ chức thực hiện việc gửi, nhận, lưu trữ thông điệp điện tử ... Pháp luật gọi họ là "Người trung gian". Do vậy, khi khởi kiện, người mua hoặc người bán có thể tiếp cận “Người trung gian" để nhận được các dữ liệu điện tử trong quá trình giao dịch để làm chứng cứ gửi đến tòa án nhân dân, ông Tú cho biết thêm.
Chị Trần Thị Hải Yến, phụ trách PR, của chodientu.vn – nơi Công ty Vĩnh Phát đặt quảng cáo banner, cho biết, những trường hợp có bằng chứng cáo buộc xác thực về việc lừa đảo trên mạng (người mua cung cấp được các bằng chứng liên quan gửi tới bộ phận hỗ trợ khách hàng), chợ điện tử sẽ làm việc với người bán xác minh. Trong trường hợp người bán không có phản hồi hoặc lừa đảo không liên lạc được, chodientu.vn sẽ căn cứ vào quy định ban quản trị để xử lý người bán như dừng hoạt động trên chợ điện tử, khóa tài khoản vĩnh viễn và cảnh cáo trên cộng đồng...
Phân biệt iPhone Apple và iPhone Trung Quốc:
Cắm vào iTunes để kiểm tra (iPhone của Apple thì iTune sẽ nhận), hoặc thử các tính năng như cảm ứng đa điểm (khi duyệt web, iPhone của Apple cho phép người dùng kéo 2 ngón tay để phóng to hay thu nhỏ trình duyệt), Wi-Fi
Ngoài ra, một số chức thiết kế của iPhone rởm có thể dễ dàng nhận ra:
1. Không có đường ra Video.
2. Giắc cắm tai nghe là 2,5 (China) chứ ko phải là 3,5 (chuẩn Apple)
3. Không có ma trận cảm ứng đa điểm
4. Tốc độ cảm ứng của iPhone rởm rất chậm. (iPhone chính hãng chỉ cần lướt nhanh tay là cũng có thể nhận được)
5. Không có kết nối Wi-Fi, chỉ có kết nối GPRS mà nhiều người tưởng là Wi-Fi nhưng rất chậm.
6. Nếu vào mục Language thì ngoài tiếng Anh chỉ có tiếng Trung Quốc.
Theo VnExpress