Thế giới ngầm của 'hàng bay'
Chỉ cần nhẩm tính số vụ cướp giật điện thoại xảy ra ở TP.HCM mỗi ngày, sẽ đủ để ta hình dung được sự sôi động của một thị trường “đen” chuyên cung cấp điện thoại “bay” cho các cửa hàng di động. Thị trường này vốn đã tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn tiếp tục diễn ra mỗi ngày như một mặt trái vốn có của thị trường điện thoại chính thống.
Nguồn hàng “bay” một phần sẽ tập kết về các “chợ trời” như thế này.
Để thu lợi bất chính, nhiều cửa hàng, cá nhân đã tiếp tay cho tội phạm cướp giật khi thu mua lại điện thoại từ các phi vụ này. Nguồn hàng này dân trong giới gọi là hàng “bay”.
Qua sự giới thiệu của một người quen, PV e-CHÍP M! hẹn gặp Tr., chủ một cửa hàng điện thoại ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi, Tr. trông khá trẻ với vóc dáng mảnh khảnh của một sinh viên. Thế nhưng khi nói chuyện trực tiếp, Tr. lại tỏ ra khá sành sỏi trong những câu chuyện của giới “bay” (cướp) điện thoại và các cửa hàng tiêu thụ.
Anh bạn đi cùng với chúng tôi tiết lộ, trước đây Tr. từng là một “lái” khá uy tín trong việc tiêu thụ hàng “bay” cho một số đối tượng chuyên giật điện thoại ở cùng địa bàn. Dạo gần đây vì một số lý do nên Tr. đành “giải nghệ” và chuyển sang sửa chữa điện thoại là chính.
Những cửa hàng mở cửa giữa đêm
Tr. cho biết, việc tìm nguồn hàng “bay” đối với các cửa hàng điện thoại cũng chẳng có gì gọi là quá khó. Chỉ cần tốn vài ngày cà phê mỗi sáng ở các khu vực trọng điểm trên địa bàn phường là có thể làm quen được với các đối tượng này. Cá biệt, không hiếm trường hợp những đối tượng này chủ động làm quen sau khi tìm hiểu sơ qua về thông tin của các chủ cửa hàng, chỉ cần xác định chủ cửa hàng là người “chịu chơi, chịu chi” là mọi giao dịch sẽ bắt đầu ngay sau khi hàng được “bay” về.
Các giao dịch này thường được bắt đầu và kết thúc khá nhanh chóng vào thời điểm khoảng nửa đêm để tránh sự nhòm ngó của cơ quan công an. Các chủ cửa hàng chỉ cần chuẩn bị sẵn tiền rồi ngồi đợi những đối tượng chuyên “bay” đêm đem hàng về bán. Trước đây, các đối tượng “bay” điện thoại thường chấp nhận mức giá rẻ mạt do các chủ cửa hàng đưa ra, miễn sao có “tiền tươi” và tin cậy được. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì chuyện cửa hàng “đạp” giá không còn là chuyện dễ dàng, bởi những đối tượng “bay” hàng cũng tự biết thương lượng giá khi bán cho các cửa hàng.
Được biết, những chiếc điện thoại sau khi “bay” về sẽ được bán nhanh với mức giá chỉ bằng khoảng 50% - 70% so với mức giá bán ra của cửa hàng. Mặc dù có thể sẽ được bán với giá cao hơn nhiều nếu đem bán tại các cửa hàng không quen biết, nhưng đối với các đối tượng chuyên “bay” điện thoại thì “có điên mới dùng cách đó”. Bởi các cửa hàng khi đã quen mặt thì chỉ cần nhìn tình trạng máy, định giá rồi trao tiền ngay mà không cần các bước kiểm tra khá rườm rà như khi đem bán tại các cửa hàng khác. Hơn nữa, giữa người bán và người mua trong những giao dịch này đều có một thoả thuận ngầm về việc tiết lộ thông tin của nhau trong trường hợp một bên có lỡ… sa lưới.
Một nguồn tin khá tin cậy cho PV e-CHÍP M! biết, muốn tìm hàng “bay” thì cứ đến khu vực đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM), hỏi thăm những ‘lái’ điện thoại nhỏ ở đây thì sẽ được giới thiệu những gương mặt quen thuộc chuyên thâu hàng “bay” tại khu chợ trời này. Theo người này, phần lớn các cửa hàng điện thoại ở khu vực này đều quá quen với việc mua những chiếc điện thoại hàng “bay”, tuy nhiên cũng tuỳ vào mức độ “chịu chơi” mà chủ cửa hàng sẽ quyết định thâu vào loại hàng nào.
Những cửa hàng có chút “máu mặt” và rủng rỉnh tiền bạc thường trực tiếp mua hàng từ các đối tượng chuyên “bay” điện thoại để có mức lợi nhuận tốt hơn. Một “lái” điện thoại ở khu vực này tiết lộ, chỉ cần dạo quanh khu vực này vào lúc khoảng 11 - 12 giờ đêm là có thể dễ dàng nhận thấy một số cửa hàng vẫn mở cửa giao dịch như ban ngày, dù chỉ lác đác vài ba khách vãng lai ghé mua thẻ cào, SIM khuyến mại,…
Tuy không phải là tất cả nhưng phần lớn những cửa hàng này đều mở cửa như một tín hiệu để giới “bay” điện thoại thoắt ẩn thoắt hiện tìm đến mỗi đêm.
Mặt khác, những cửa hàng ít vốn và ngại dính đến pháp luật thì thường mua lại hàng “bay” từ các đầu nậu có tiếng. Những đầu nậu này thường có một đội ngũ “đàn em” chuyên đi săn hàng tại khắp các địa bàn rồi chỉ việc đem vể bán lại cho họ. Những chiếc điện thoại “bay” được ngay sau đó sẽ được tẩu tán đến khắp các cửa hàng và những “lái” điện thoại nhỏ trên khu vực chợ trời.
Vài cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mở cửa đến gần 12 giờ khuya. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
"Tử nghiệp" vì "hàng bay”
Khi được hỏi về vấn đề trách nhiệm, một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm nhận định: “Mình mua mấy cái điện thoại này qua một trung gian khác thì lo gì chuyện trách nhiệm, bởi có biết người giật là ai đâu”. Tuy vậy, chủ cửa hàng này cũng khẳng định những “lái” điện thoại ở đây chủ yếu chỉ… thiếu vốn chứ cũng chẳng ngại lắm chuyện liên quan đến pháp luật.
So với các loại điện thoại cũ khác được trao đổi trên thị trường, những chiếc điện thoại hàng “bay” có lợi thế khá lớn về mặt lợi nhuận và chất lượng. Chính vì điều này mà các cửa hàng thường khá tin tưởng giao dịch kiểu “năm ăn năm thua” với các đối tượng chuyên “bay” điện thoại, và tất nhiên những chuyện “dở khóc dở cười” cũng từ đó mà phát sinh.
Kể về trường hợp của mình, một chủ cửa hàng mếu máo nói: “Có lần tôi được một cậu thanh niên tới cửa hàng với vẻ lén lút rồi móc ra mấy cái điện thoại nói là hàng mới ‘bay’ về. Tôi quyết định mua hết. Ai ngờ đến khi giao dịch xong thì mới phát hiện đống máy trên chỉ toàn điện thoại dỏm mang cái mác hàng ‘bay’”.
Khi e-CHÍP M! thực hiện một khảo sát nhỏ đối với các chủ cửa hàng, đa số đều rất… hồn nhiên cho rằng việc mua điện thoại từ các đối tượng trộm cướp là khó bị ghép vào tội tiêu thụ hàng gian, vì theo một chủ cửa hàng thì “một ngày giao dịch với cả chục khách, biết ai là trộm cướp mà tránh”. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của chúng tôi thì những cửa hàng này đều không lạ với các đối tượng chuyên “bay” điện thoại, bởi rất ít đối tượng trong giới này dám đem bán điện thoại lung tung nếu không phải là cửa hàng quen.
Trở lại với trường hợp của Tr., sở dĩ Tr. phải “giải nghệ” vì đã có lần bị công an… hỏi thăm bởi tội tiêu thụ hàng gian. Lần đó, một đối tượng chuyên cung cấp hàng cho Tr. bị bắt trong lúc thực hiện một phi vụ. Mặc dù trước đó đối tượng này từng hứa với Tr. nhiều lần rằng sẽ không tiết lộ thông tin nếu bị bắt, nhưng trước những nghiệp vụ tài tình của công an điều tra thì đối tượng này đã buộc phải khai nhận tất cả thông tin của những người tiêu thụ, trong đó có Tr.
Kể vể lần đó, mặt Tr. vấn còn đau đáu nỗi sợ hãi khi phải đối diện với án phạt. May sao lần đó người bị hại thương tình bãi nại thì Tr. mới tránh được vô số những rắc rối về sau.
Không biết mỗi ngày có bao nhiêu chiếc điện thoại mới “bay” được đem ra trao đổi, và có bao nhiêu chiếc có thể trở lại với chủ cũ mà vẫn giữ nguyên được giá trị vốn có. Thực tế cho thấy, vẫn còn những cửa hàng vì lợi nhuận từ nguồn điện thoại phi pháp này nên đã tiếp tay cho tội ác. Thử hỏi, nếu điện thoại cướp được không có nơi tiêu thụ thì tình trạng cướp giật, đôi khi gây nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân, liệu có tăng?
Theo Vietnamnet