Khám bệnh bằng di động
ĐTDĐ sẽ sớm có thêm một chức năng mới, đó là chẩn đoán các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD). Chức năng này sẽ giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh STD trong giới trẻ.
Với ĐTDĐ, người dùng có thể tự xét nghiệm để biết mình có bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục hay không.
Các bác sỹ và các chuyên gia công nghệ ở Anh đang phát triển một loại thiết bị nhỏ, giống như bộ que thử thai. Thiết bị này sẽ nhanh chóng và bí mật nói cho mọi người biết họ có bị căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD), như lậu, giang mai… nào không. Điều thú vị là thiết bị này sẽ kết hợp với ĐTDĐ để mang lại những chẩn đoán chính xác và riêng tư cho người dùng.
Những người đang băn khoăn, nghi ngờ liệu mình có bị lây nhiễm không sẽ có thể tự xét nghiệm bằng cách đổ nước tiểu hoặc nước dãi vào một con chip có kích cỡ như một chiếc USB, và đưa vào điện thoại. Chỉ sau mấy phút, họ sẽ nhận được kết quả chẩn đoán họ có bị lây nhiễm các bệnh STD không. Có 7 công ty, tổ chức hỗ trợ cho dự án này, trong đó có Hội đồng Nghiên cứu Y tế, đã đầu tư 6 triệu USD để phát triển công nghệ này. Các chuyên gia sức khỏe tình dục hy vọng nó sẽ giúp giảm tỷ lệ người bị lây nhiễm bệnh STD.
Thiết bị tự xét nghiệm nhắm đến các đối tượng trẻ và hiểu biết công nghệ. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đang lo ngại hầu hết bệnh nhân STD là giới trẻ nhưng nhiều người lại quá xấu hổ, không dám đến phòng khám để xét nghiệm và tiếp tục chịu đựng để bệnh nặng thêm. Bác sỹ hy vọng với chức năng chẩn đoán vừa an toàn, bí mật lại tiện lợi sẽ giúp ngăn chặn căn bệnh nhanh chóng.
Các nhà phát triển thiết bị xét nghiệm qua ĐTDĐ dự định sẽ bán chúng với giá khoảng 1 bảng Anh/chiếc và sẽ bán tại các máy bán hàng tự động ở câu lạc bộ đêm, nhà thuốc và siêu thị, nơi có bán bao cao su.
“Chiếc ĐTDĐ của bạn sẽ có thể là một bác sỹ di động. Nó chẩn đoán xem liệu bạn có mắc một trong các căn bệnh STD không và nó sẽ nói cho bạn biết phải đến đâu để điều trị”, Tiến sỹ Tariq Sadiq, một giảng viên và là một bác sỹ tư vấn sức khỏe tình dục và HIV tại trường Đại học Luân Đôn, nói. Ông cũng là người phụ trách dự án. “Chúng ta cần giải quyết vấn nạn STD đang ngày càng gia tăng. Anh là một trong những nước tệ nhất ở khu vực Tây Âu, nơi có nhiều thanh thiếu niên mang thai và bị bệnh STD. Vì xấu hổ nên tình hình càng tệ hơn”. Một số người không xét nghiệm khi có các triệu chứng như ngứa ngáy hay phồng rộp, hoặc không muốn xếp hàng chờ khám tại các trung tâm y tế.
Tự xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán nhanh, giảm số người lây nhiễm và bệnh nhân cũng kiểm soát được sức khỏe tình dục của họ, cũng như cảnh báo cho “đối tác”.
Sadiq là Giám đốc Trung tâm Thiết bị điện tử tự xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chuyên nghiên cứu ứng dụng viễn thông trong sức khỏe cộng đồng. Tham gia vào dự án này còn có 2 hãng cung cấp dịch vu di động của Anh.
Theo các bác sỹ, với thiết bị này, bệnh nhân có thể không cần đến gặp chuyên gia y tế. Thực tế, nhiều người rất “ngại” đến gặp bác sỹ, đặc biệt là giới trẻ. “Vì thế chúng tôi phải tìm nhiều cách mới để tiếp cận với mọi người”, Bác sỹ Marion Henderson đến từ cơ quan khoa học sức khỏe cộng đồng nói. “Điều này rất quan trọng, đặc biệt với phụ nữ, vì các triệu chứng lây nhiễm có thể nặng thêm và trở thành bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản”, bà nói. “Nguy cơ đó có thể tránh nếu được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chúng tôi hy vọng công nghệ mới được ứng dụng sẽ tránh sự lây nhiễm bệnh ở lứa tuổi này”.
Tại Anh, trong năm 2009 có 482.696 bệnh nhân mới bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Đây là mức cao kỷ lục, tăng khoảng 12.000 ca so với năm 2008. Độ tuổi phổ biến nhất mắc bệnh này ở phụ nữ là 19-20 tuổi, ở nam giới là 20-23 tuổi.
Theo ICTNews