Báo động nạn làm giả thẻ Club của Nokia
Theo thông tin phản ánh trên các website, diễn đàn, thị trường buôn bán điện thoại di động đang xuất hiện thủ đoạn làm giả thẻ Club của Nokia nhằm biến những chiếc điện thoại cũ, những chiếc ĐTDĐ hàng “dựng”, hàng “fake” thành những chiếc điện thoại chính hãng Nokia còn bảo hành.
Thẻ Club của ĐTDĐ Nokia chính hãng có thể bị làm giả giống hệt như thật.
Hiện tượng làm giả thẻ Club của ĐTDĐ Nokia chính hãng không mới mẻ vì đã xuất hiện cách đây hơn một năm và được nói đến nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng tình hình hiện nay đã khác trước vì thẻ Club giả giống thẻ Club thật đến…99,9%.
Rao làm thẻ Club Nokia giả như…thật!
Một người có nick là bazoka82_xman trên diễn đàn 5giay.vn đã tiết lộ một thông tin "gây choáng": "Chỉ cần bỏ ra khoảng một triệu đồng là sẽ sở hữu được một chiếc thẻ Club giả mà như thật". Theo những thông tin mà người này đưa ra trên 5giay.vn thì điểm khác biệt lớn nhất của thẻ Club thật và thẻ giả trước đây là khả năng bị cạo lớp sơn in và ánh dạ quang đen dưới ánh sáng mặt trời giữa thẻ thật và thẻ giả là khác nhau. Với thẻ thật, có thể nhìn thấy ánh dạ quang đen bóng lấp lánh khi soi dưới ánh mặt trời nhưng thẻ giả thì không. Nhưng với kỹ thuật in mới rất tinh vi thì thẻ Club giả cũng không thể dùng vật cứng để cào làm mờ lớp sơn. Khả năng phản chiếu ánh dạ quang đen khi soi dưới ánh sáng mặt trời hoặc ánh điện cũng không khác gì thẻ thật.
Mới đây, một người mua điện thoại qua diễn đàn 5giay.vn cũng chia sẻ “Mình có mua một chiếc điện thoại N82 với lời rao là còn bảo hành, còn thẻ Club của Nokia Care với giá khá mềm. Mình hẹn lấy máy vào khoảng 20 giờ tại đường Cách Mạng tháng Tám (TP.HCM) thì thấy có hai cô gái đi xe Atila đến."
"Sau khi xem sơ qua máy và xem thẻ Club thì mình đưa tiền. Vì trời tối lại đang chuẩn bị mưa nên cũng không kiểm tra thật kỹ, với lại có thẻ Club trùng với IMEI của máy thì không lo, đã có Nokia Care nên yên tâm. Nhưng thôi rồi, sáng mai mở máy lên thấy sóng chập chờn, nghe gọi lúc được lúc không, các tính năng đa phương tiện bị báo lỗi."
"Mình tá hỏa mới mang máy đến trung tâm bảo hành của Nokia để kiểm tra. Sau khi kiểm tra nhân viên thông báo cho mình là máy này đã bị “luộc” hết "bộ đồ lòng", còn thẻ Club là thẻ… giả. Mình như người mất hồn vì đã mất đi một số tiền lớn chỉ để đổi lấy một cục gạch. Qua đây mình cũng xin cảnh báo đến các bạn khi mua hàng nếu được thì tốt nhất mang cả máy và thẻ bảo hành đến Nokia Care để kiểm tra rồi hãy quyết định mua hay không!”.
Với thủ đoạn tinh vi thì việc làm giả thẻ Club hiện nay không còn có thể phân biệt bằng mắt thường mà phải nhờ đến những chuyên viên có chuyên môn mới đảm bảo. Việc làm giả một chiếc thẻ Club của Nokia Care hết một triệu đồng, nhưng nếu người mua không biết có thể bị mua hớ tới vài triệu là chuyện thường.
"Mua 1 bán 10" nhờ... thẻ Club giả
Trên các diễn đàn mua bán ĐTDĐ thường xuất hiện những mẫu rao vặt kiểu như “Cần bán máy NOKIA cacbon ARTE còn thẻ Club BH. Giá 11tr” máy mua chính hãng tại VTA còn thẻ Club BH đến ngày 15-9-2010 của FPT, phụ kiện kèm theo đầy đủ cap, USB…SẠC…SẠC CÓC…TAI NGHE bluetooth,.,v.v...máy nữ xài cẩn thận nên còn rất mới… bạn nào có nhu cầu Alo cho mình nhé…
093754XXXX” hay “Nokia 8800 Carbon Arte - Máy còn rất mới y như mới mua về ko hề bị trầy xước, phụ kiện kèm theo còn đầy đủ. Còn thẻ club đến tháng 12/2010. Ai có nhu cầu xin liên hệ ngay vì đang rất cần tiền, còn thương lượng giá cả cho ai có thiện chí .Giá đăng : 8.200.000đ. LH : 093210XXXX".
Chắc chắn bạn sẽ thấy vô cùng hấp dẫn bởi một “chú dế” Cacbon ARTE mới sẽ có giá tới hơn 23 triệu đồng. Do đó việc mua máy dùng lướt sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được đúng của người cần bán và hãy cẩn thận với các chiêu lừa đảo của những kẻ táng tận lương tâm, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng.
Đã có trường hợp bị lừa mua một chiếc Nokia 8800 Carbon Arte “fake” với giá gần 20 triệu, trong khi giá thật chỉ là 2 triệu 500 ngàn đồng! Do đó, VietNamNet khuyến cáo đến người tiêu dùng mà đặc biệt là những người đang có ý định mua ĐTDĐ đã qua sử dụng hãy thực sự cẩn thận.
Khi mua máy cần thực hiện một số công việc sau:
- Một trong những cơ sở để bạn đánh giá máy mình mua còn nguyên bản hay không chính là so sánh giá cả với tình trạng máy. Với nguyên tắc “tiền nào của đó”, chẳng hạn không bao giờ có chuyện một chiếc Nokia N96 còn bảo hành mà bán giá dưới 7 triệu cả.
- Kiểm tra version bằng lệnh *#0000# và so sánh với version mà Nokia đăng tải trên website Nokia.com. Tiếp theo là kiểm tra IMEI của máy qua ba cách: *#06#, *#92702689# và so sánh với IMEI sau lưng máy, với thẻ Club.
- Nếu có thể thì mở máy và xem xét toàn bộ ốc vít, xem tem bảo hành dán ở các ốc vít còn hay không. Tốt nhất là mang máy và thẻ Club đến trung tâm bảo hành của Nokia để cho nhân viên kỹ thuật test lại máy và kiểm tra xem thẻ đó là thật hay không.
Hy vọng với những thông tin cảnh báo này, người tiêu dùng di động sẽ cảnh giác hơn trong việc mua lại máy điện thoại, để không có chuyện tiền mất tật mang như trường hợp trên đây.
Theo Thongtincongnghe