3 lỗi lớn nhất của iPhone 4
Trong hơn nửa tháng bày bán chính thức, những chiếc iPhone 4 đã bắt đầu bộc lộ những sai sót trong thiết kế.
1. Lỗi sóng
Lỗi phát hiện: Dù siêu việt đến mấy, tích hợp nhiều công nghệ đến mấy, điện thoại vẫn nên hoàn thành nhiệm vụ của một chiếc điện thoại. Đơn giản một ngày ta có thể không cần đến ứng dụng, không cần cần đến chơi game nhưng chúng ta vẫn luôn cần liên lạc. Và sự việc lỗi sóng thực sự khó chấp nhận trên một “siêu smartphone” như iPhone 4. Ngay sau ngày đầu ra mắt chính thức, nhiều diễn đàn, báo chí công nghệ trên thế giới đã thông báo xảy ra hiện tượng mất sóng khi sử dụng iPhone 4, đặc biệt là khi cầm tay trái.
Vị trí cầm ảnh hưởng đến sóng (Khoanh vàng)
Nhiều cuộc test nhanh ở Việt Nam cho thấy, điều này là sự thật. Một nhóm thành viên thuộc diễn đàn tinhte.vn đã có hẳn video clip kiểm tra điều này trên một chiếc iPhone 4 phiên bản Quốc tế. Khi lòng bàn tay, thậm chí là ngón tay đặt lên phần khung viền bên sườn trái (là vị trí antenna của iPhone 4), cột sóng tụt rất nhanh. Chỉ chừng khoảng 2-3 phút cột sóng mất hoàn toàn và không thể thực hiện cuộc gọi.
Apple cho rằng:
Đây là một sự cố đáng tiếc. Apple không đùn đầy trách nhiệm và sẵn sàng thừa nhận sai sót ở khâu kiểm tra cuối. Hãng cũng đã chính thức xin lỗi khách hàng về sự cố sụt vạch sóng trên mẫu smartphone mới và khẳng định nguyên nhân là do phần mềm trong máy chưa thực sự ổn định dẫn đến việc hiện thị sai cột báo sóng.
Song song với đó Apple hứa hẹn sẽ tung ra bản cập nhật sửa lỗi cho iPhone 4 trong vài tuần tới. Tuy nhiên, câu trả lời của Apple vẫn chưa đủ thỏa mãn người dùng. Nhiều người cho rằng, nếu phần mềm hiển thị vạch sóng sai, điện thoại của họ vẫn phải gọi điện bình thường trong khi thực tế nhiều trường hợp không thể tiến hành cuộc gọi hoặc bị ngắt cuộc gọi giữa chừng.
Apple: "iPhone 4 - Hãy cầm theo cách của... chúng tôi"
Trước những bằng chứng thuyết phục và khó chối cãi, ngày hôm qua Trung tâm hỗ trợ bảo hành sản phẩm AppleCare đã phải lên tiếng thừa nhận:
Đây chính xác là lỗi phần cứng.
Kết luận:
Để khắc phục lỗi phần cứng này, có lẽ sẽ phải mất khoảng thời gian khá lâu để Apple có thể nghiên cứu lại và sửa chữa, nhất là khi máy đang được xuất ra thị trường toàn thế giới. Người tiêu dùng chỉ còn 2 sự lựa chọn: Cầm điện thoại trên tay theo một cách mới (khác với mọi cách thông thường) và tiếp tục
“sống chung với lũ”. Còn không, Apple chấp nhận thu hồi những sản phẩm lỗi (tất nhiên là sau khi trừ của khách hàng một khoản phí “trải nghiệm”)
2. Màn hình
Lỗi phát hiện:
Theo thông cáo, Apple sử dụng một loại
chất liệu kính hóa cường lực (aluminosilicate) thường sử dụng trên máy bay trực thăng và kính chắn gió của xe lửa siêu tốc để thiết kế mặt trước và sau của iPhone 4.
Về lý thuyết, chất liệu này cứng hơn từ 20-30 lần so với nhựa, đặc biệt nó còn được phủ một lớp hoạt chất chống dấu vân tay lên bề mặt. Điều đó cũng có nghĩa là mặt kính này sẽ ít bị trầy xước hơn so với chất liệu kim loại được sử dụng ở các phiên bản trước đó.
iPhone 4 sẽ vỡ như thế này chỉ sau 3 lần rơi
Nhưng có vẻ như những gì Steve Jobs (C.E.O của Apple) “mạnh miệng” nói dường như lại trái ngược hẳn với thực tế.
iFixyouri, đối tác chuyên nhận sửa chữa các thiết bị của Apple, đã thử đánh rơi siêu smartphone này từ độ cao 1 m. Kết quả của iFixyouri cho thấy, iPhone 4 chỉ sống sót được sau 2 lần và đến lần rơi thứ 3 màn hình của máy bị nứt toác kèm tiếng vỡ lớn.
Lỗi liên quan màn hình chưa dừng tại đó khi một số trang tin uy tín về công nghệ như Gizmodo, Engadget… cho đăng hàng loạt những bức ảnh thông báo lỗi hiển thị trên iPhone 4. Cụ thể màn hình trên nhiều máy đã xuất hiện những điểm ố vàng, loang màu… thậm chí trải dài cả một đường ngang màn hình.
Apple lý giải rằng:
iPhone 4 sử dụng một loại keo dán các linh kiện bên trong, do áp lực đảm bảo thời gian sản xuất diễn ra trong thời gian ngắn, nên keo chưa khô dẫn đến một số model bị vàng màn hình. Đây có thể được coi là một sự thừa nhận từ phía Apple. Hoặc do hãng vẫn đang bận rộn giải quyết vấn đề liên quan đến ăng-ten và sóng?
Vết ồ vàng trên màn hình iPhone 4
Hãng vẫn chưa đưa ra cách giải quyết cụ thể trong thời gian này.
Kết luận:
iFixyouri cho biết, do iPhone 4 sử dụng công nghệ Retina Display cho độ phân giải cao nên khả năng sửa chữa rất khó, những trường hợp như thế này thường phải thay cả mặt kính lẫn màn hình.
Còn theo trang PC World, các vấn đề trên đây là trường hợp không nằm trong diện bồi thường của Apple.
Người dùng phải bỏ tiền để thay màn hình mới hoặc có thể mang đến một cửa hàng sửa chữa bên ngoài. Điều này sẽ dẫn đến điều kiện: mất bảo hành.
Tại Việt Nam, sở hữu một chiếc iPhone 4 thời điểm này có thể sánh ngang với một gia tài. Bởi vậy chúng tôi khuyên bạn, hãy cố gắng “nâng niu” thiết bị nhỏ bé này.
3. Cháy nổ
Lỗi phát hiện:
Không rõ chiếc iPhone 4 có phải là chiếc điện thoại “đen” nhất trong năm nay hay không? Từ thông tin rò rỉ trước khi ra mắt đến hàng loạt lỗi phát sinh sau khi phát hành. Điển hình như ngày 09/06 vừa qua, trang tin
Boygeniusreport cho đăng bức hình smartphone của Apple bị cháy trong lúc đang cắm cable kết nối. Chủ nhân của chiếc máy cho biết, anh chỉ cắm cáp kết nối vào iPhone 4, một lúc sau sản phẩm bất ngờ phát cháy nổ. Trong lúc tìm cách tháo gỡ, tay của người này đã bị bỏng. Điều này cho thấy, đây không đơn thuần chỉ là chập điện đơn thuần.
Hình ảnh chiếc iPhone 4 bị cháy trên trang tin Boygeniusreport
Apple: Im lặng
Kết luận:
Đây có thể coi là căn bệnh cố hữu di truyền từ iPhone thế hệ đầu tiên. Qua 4 lần thay đổi, nâng cấp, phiên bản iPhone thứ tư lại xảy ra hiện tượng này. Chiếc iPhone 4 trên trang tin Boygeniusreport là chiếc cháy nổ đầu tiên trong gần 2 triệu sản phẩm được bán ra trên thị trường toàn thế giới, báo hiệu hiện tượng sẽ xảy ra hàng loạt trong tương lai.
Thật may, Apple chấp nhận bảo hành trong điều kiện cháy nổ. Nếu dự định mua iPhone 4, hãy mua hàng chính hãng.
Theo Dientutieudung