Cuộc “nổi dậy” của smartphone Trung Quốc
Mấy năm trước, dù Trung Quốc đã trở thành thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người sử dụng, các hãng sản xuất “dế” của nước này vẫn “hít khói” những thương hiệu lớn cả ở thị trường trong và ngoài nước. Nhưng đến năm nay, thực tế này đã bắt đầu thay đổi.
Tờ Business Week đã dẫn một vài con số để chứng minh cho nhận định trên. Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường iSupply cho thấy, hãng điện thoại ZTE ở Thâm Quyến đã nhảy lên vị trí số 4 về doanh số toàn cầu trong năm nay, từ vị trí số 7 năm ngoái, chỉ thua Nokia, Samsung và LG. Một đối thủ đồng hương của ZTE là Huawei Technologies thì đang xếp ở vị trí số 9 về doanh số, hai nhà sản xuất điện thoại di động khác của Trung Quốc là TCL và Beijing Tianyu lần lượt nắm vị trí thứ 11 và 12.
“Đúng là những công ty này đang chiếm lĩnh thị phần”, ông Sigve Brekke, Giám đốc thị trường châu Á của nhà mạng không dây Nauy Telenor đang hoạt động tại Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác, nhận định.
Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của các hãng sản xuất điện thoại di động Trung Quốc chủ yếu đang diễn ra tại thị trường trong nước, cùng với việc ba nhà mạng chính ở đại lục bắt đầu cung cấp dịch vụ 3G từ năm ngoái. Hiện các công ty này đang đặt mục tiêu tăng doanh số tại Mỹ và thị trường Tây Âu bằng cách tung ra các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) mà các nhà mạng có thể bán với giá chưa đầy 100 USD mỗi chiếc.
“Nếu muốn xâm nhập vào những thị trường phát triển hơn, các công ty Trung Quốc cần có sản phẩm smartphone chất lượng tốt”, nhà phân tích Tina Teng của iSupply nhận định với Business Week.
Mặc dù ít người tiêu dùng phương Tây biết tới các thương hiệu điện thoại Trung Quốc, nhưng tên tuổi của các nhà mạng lớn tại các thị trường lớn thì đập vào mắt họ hàng ngày. Trong mấy năm gần đây, Huawei và ZTE đã giành được nhiều hợp đồng lớn cung cấp thiết bị mạng cho các nhà mạng trên khắp thế giới. Tới giờ, các công ty này muốn dựa trên những mối quan hệ đối tác sẵn có đó để bán điện thoại cho các nhà mạng.
“Chúng tôi có một ‘ông anh lớn', đó là bộ phận thiết bị hạ tầng Huawei”, ông Vitor Xu, Giám đốc marketing cho Huawei Device, công ty con sản xuất điện thoại di động trong tập đoàn Huawei, tự tin nói. Ông Xu thừa nhận là các công ty Trung Quốc như của ông sẽ không sớm cạnh tranh được ở phân khúc thị trường smartphone cao cấp, nhưng cho rằng, họ có thể kiếm được lợi nhuận ở thị trường cấp thấp và bình dân. “Chỉ cần đem đến cho ngưởi sử dụng 70% trải nghiệm của chiếc iPhone là tốt lắm rồi”, ông Xu nói.
Các công ty điện thoại Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn, vốn là nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, cũng đang phát triển nhanh chóng. Cùng với nhiều công ty khác, hãng Zoom Technologies - nhà sản xuất điện thoại cho Motorola - đã tung ra thương hiệu “dế” riêng từ năm ngoái. Tháng 6 vừa qua, Zoom mua một công ty thiết kế có 185 nhân viên ở Bắc Kinh để hỗ trợ việc phát triển điện thoại cho đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
“Thanh niên Trung Quốc không có chuyện đợi cho đến khi hết hợp đồng với nhà mạng mới mua điện thoại khác. Sinh nhật, ngày Valentine, năm mới… đều được họ xem là dịp để mua điện thoại. Sắm điện thoại với họ cũng giống đi mua quần jean mà thôi”, ông Anthony K. Chan, Giám đốc tài chính của Zoom, cho biết. Công ty này dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh số 38% trong năm nay, với doanh thu 260 triệu USD.
G’Five International, thành lập vào năm 2003 với tư cách là một nhà sản xuất khuôn cho linh kiện hàng điện tử, đã bắt đầu sản xuất điện thoại di động giá rẻ vào năm 2007, chủ yếu cho các thị trường mới nổi. Công ty đặt tại Hồng Kông này đang đều đặn giao hàng mỗi tháng 1,5 chiếc điện thoại từ các nhà máy tại Trung Quốc cho khách hàng ở các nước Ấn Độ, Ai Cập, và một số nước đang phát triển khác.
Mặc dù những mẫu điện thoại rẻ nhất của G’Five chỉ có giá 30-40 USD, công ty này đang có thể hoạch tiến vào các thị trường phát triển bằng những sản phẩm cao cấp hơn, bao gồm cả điện thoại chạy hệ điều hành mã nguồn mở Android của Google. Giám đốc điều hành của G’Five là Winston Zhang cho biết, danh mục mẫu điện thoại của công ty đã đạt con số 300 và có thể sớm đạt mức 500 mẫu.
Tuy vậy, những chuyên gia lâu năm về lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc có lý do để tỏ ra thận trọng. Cách đây 1 thập kỷ, các công ty như TCL, Ningbo Bird, và nhiều nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc khác có vẻ như sắp sửa thế chân các thương hiệu nước ngoài lớn ở vị trí thống lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, sau đó, Nokia và Samsung đã nhanh chóng phục hồi, tấn công ào ạt vào thị trường Trung Quốc bằng những chiếc điện thoại nhiều tính năng cả ở thị trường cấp cao và cấp thấp.
“Nhưng lần này thì khác. Chúng tôi giờ đã thực sự là một công ty toàn cầu”, ông Vittorio Di Mauro, Phó chủ tịch của TCL, tuyên bố. Khi TCL bắt đầu phát triển mạnh trong lĩnh vực điện thoại di động vào đầu những năm 2000, hầu hết doanh số của hãng tập trung tại Trung Quốc. Hiện nay, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 7% doanh thu của công ty. Cổ phiếu của TCL niêm yết tại Hồng Kông đã tăng giá gấp hơn 4 lần trong năm nay, doanh thu của công ty cũng có khả năng tăng gấp đôi trong năm 2010 này.
Một thay đổi lớn khác cần nhắc tới là, giờ đã dễ dàng hơn rất nhiều nếu các công ty muốn nhảy vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Cách đây 1 thập kỷ, các hãng điện thoại phải phát triển phần lớn các linh kiện dùng cho sản phẩm của họ. Ngày nay, các nhà cung cấp như hãng chip MediaTek của Đài Loan đem đến những hệ thống nền tảng cho điện thoại là con chip duy nhất, đơn giản hóa rất nhiều việc thiết kế và sản xuất “dế”.
Thêm vào đó, phần mềm cũng không còn là rào cản để bước chân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động nữa. Thay vì phát triển phần mềm phức tạp riêng, các công ty Trung Quốc có thể dùng phần mềm mã nguồn mở Android của Google. “Đối với ngành sản xuất điện thoại Trung Quốc, Android đã giúp đưa họ lên một nấc thang mới trong cuộc chơi”, ông Di Mauro nhận xét.
Theo Vietnam Net