Điện thoại di động có thể tăng giá
Doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại di động như ngồi trên đống lửa khi Bộ Công Thương ra quy định các sản phẩm này chỉ được phép về thị trường qua 3 cảng biển, kể từ 1/6.
Giám đốc một hãng phân phối điện thoại di động lớn ở Việt Nam nhận xét: Quy định này sẽ là đòn giáng cực mạnh vào các doanh nghiệp lâu nay vẫn lựa chọn đường hàng không làm cảng nhập khẩu chính.
IPhone 4 về thị trường sẽ ngày một khó khăn. Ảnh: Sohoa.
Theo quy định của Bộ Công Thương từ 1/6, 3 mặt hàng gồm điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu ngoại chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng. Việc làm này được Bộ Công Thương giải thích là nhằm hạn chế hàng lậu, kém chất lượng, gian lận thương mại... để bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp, quy định mới này sẽ khiến họ khó khăn hơn khi làm thủ tục nhập khẩu. Không chỉ giới hạn về cửa nhập khẩu, Bộ Công Thương còn yêu cầu dfoanh nghiệp khi làm thủ tục phải xuất trình thêm giấy chỉ định, ủy quyền của nhà phân phối. Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi nhận được văn bản từ phía Bộ Công Thương, hai hãng viễn thông VinaPhone và Viettel đã liên hệ với đối tác sản xuất Apple để bàn lại kế hoạch đưa iPhone về thị trường. Hai hãng này đang phân phối các sản phẩm iPhone 3GS và 4 chủ yếu qua đường hàng không.
Nguồn tin từ Viettel cho biết hàng vận chuyển qua đường biển không tốn kém về mặt tiền bạc so với bằng đường hàng không. Tuy nhiên, thủ tục kéo dài và thời gian vận chuyển về Việt Nam cũng lâu hơn. "Chưa kể, khi nhập khẩu phải có giấy xác nhận của đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài như vậy, chắc chắn chi phí sẽ đội lên", nguồn tin này nói.
Giám đốc một hãng phân phối điện thoại có tiếng ở Hà Nội cũng cho rằng quy định của Bộ Công Thương rất khó có thể hạn chế việc nhập lậu và gian lận thương mại vì việc giới hạn cảng nhập khẩu chỉ "nắm được người có tóc chứ không nắm được kẻ trọc đầu".
Ông này cho rằng dù nhập khẩu về đường nào thì hàng lậu vẫn có, kể cả qua cảng biển chứ không chỉ qua đường hàng không hay đường bộ. "Giới buôn lậu bằng cách này hay cách khác họ vẫn lách được. Vấn đề là việc giới hạn cảng, các đơn vị nhập khẩu chính hãng sẽ gặp khó về thủ tục. Hàng về ít, giá cả sẽ tăng, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt", ông nói.
Vị giám đốc này phân tích điện thoại di động là mặt hàng cần có sự bảo quản đặc biệt. Do vậy, nếu nhập qua đường biển, rủi ro cao như gặp bão biển, nhiễm mặn... rất khó đảm bảo về chất lượng so với việc qua đường bộ hoặc đường không. "Tôi cho rằng các quy định này cần được cân nhắc thêm", ông này cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, quy định của Bộ Công Thương là một đòn nặng đối với hầu hết các nhà nhập khẩu các sản phẩm đầu cuối như Apple, HTC hay Nokia. Trong khi đó, một số thương hiệu như Samsung, LG có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam nên ít bị ảnh hưởng hơn.
Ông Trương Hồng Hoàng - Giám đốc Phát triển kinh doanh của Thegioididong cho hay các sản phẩm của công ty bán ra hiện nay có tới trên 70% là hàng nội địa. Khoảng hơn 25% là hàng nhập khẩu được đưa về thị trường thông qua đường hàng không. Như vậy, khi quy định của Bộ Công Thương áp dụng, Thegioididong cũng sẽ phải thay đổi cách thức nhập khẩu. Sự ảnh hưởng tới công ty dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2-3 tháng, sau đó sẽ trở lại bình thường.
"Dù nhập khẩu bằng đường bộ, đường bay hay đường biển thì chi phí và thủ tục cũng tương đương nhau. Có điều nhập bằng đường biển thời gian về thị trường sẽ lâu nhưng hàng về đường bay cũng phải lưu lại kho bãi khoảng 15 ngày", ông Hoàng nhận xét. Theo ông, với quy định này, các doanh nghiệp sẽ biết lựa chọn thị trường nhập khẩu phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của mình.
Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phát nhận xét với những doanh nghiệp đang phân phối các sản phẩm Nokia, khó khăn khi quy định này áp dụng có thể nhìn thấy trước mắt. Các sản phẩm của Nokia đang được gom ở rất nhiều thị trường và không thực sự thuận lợi khi vận chuyển bằng đường biển.
Trước đây, Thuận Phát là một trong những đơn vị phân phối Nokia khá lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự giảm sút của thị trường, điện thoại ngày một xuống giá, công ty đã lựa chọn một số thương hiệu khác để giảm chi phí. "Mỗi tháng, chúng tôi nhập khẩu khoảng vài chục nghìn sản phẩm. Các mặt hàng này chủ yếu về thị trường bằng đường biển để tiết giảm chi phí", bà nói.
Bà Phương cho biết sở dĩ bà lựa chọn phương thức nhập khẩu này vì, hàng do Thuận Phát phân phối được "gom" chủ yếu từ Trung Quốc thông qua cảng biển Hong Kong và Thâm Quyến. Nhập khẩu từ thị trường này thông qua đường biển sẽ thuận tiện và tiết giảm chi phí hơn.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Thành Biên lý giải việc quy định về việc nhập khẩu qua cảng biển đối với điện thoại, mỹ phẩm và rượu ngoại nói chung không nhằm mục đích hạn chế nhập siêu mà là để hạn chế gian lận thương mại...
Ông cho biết thời gian qua, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và các yêu cầu về kỹ thuật tại một số nơi chưa hiệu quả, nhất là tại các cửa khẩu biên giới. Tại các điểm này việc kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như rượu ngoại, mỹ phẩm và điện thoại chưa mang lại kết quả như mong đợi. Do vậy, Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ban hành quy định các mặt hàng này chỉ được nhập về Việt Nam thông qua 3 cảng biển lớn gồm Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng.
"Trong bối cảnh nhập siêu cao như hiện nay, gian lận thương mại còn nhiều, tôi mong các đơn vị ủng hộ để triển khai và kiểm soát có hiệu quả", ông Biên nhấn mạnh.
Theo VnExpress