Những câu chuyện "hậu" iPhone 4 chính hãng
Giá iPhone 4 của Vinaphone và Viettel được đánh giá là rẻ và hợp lý, nhưng cũng chính vì thế, gần đây xuất hiện những thông tin về việc người dùng "đầu cơ" iPhone 4 của nhà mạng và bán lại với giá cao hơn từ 1 - 2 triệu đồng.
"Gian thương" mua bán iPhone 4 chính hãng
Theo một lời rao bán trên trang rao365, iPhone 4 Viettel phiên bản quốc tế được bán với giá 14.8 triệu, bản 32GB giá 18 triệu - cao hơn giá của nhà mạng từ 1 - 2 triệu đồng. Người bán còn kèm theo khuyến mãi "giao hàng tận nơi trong nội thành".
Gian thương rao bán iphone 4 chính hãng với giá cao
Chủ đề rao bán dạng này cũng xuất hiện trên các trang muare và raovat với giá bán tương tự. iPhone 4 của Vinaphone chịu chung số phận "được" rao bán với mức giá cao hơn hẳn.
Rất nhiều người dùng đã bất bình với sự việc này và gọi những người rao bán phía trên là "gian thương".
Cộng đồng công nghệ cũng bàn cách hạn chế các gian thương buôn hàng chính hãng như: Nhà mạng nên yêu cầu khách hàng mở hộp và kích hoạt máy ngay sau khi mua để tính thời gian bảo hành, nhà mạng nên nhập thêm số lượng máy cho đến khi thị trường bão hòa thì điều chỉnh lại... có người lại cho rằng tốt nhất nên "nhịn" mua iPhone 4 trong thời điểm "giông bão" như thế này.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng đây là vấn đề thường xuyên gặp phải tại bất cứ quốc gia nào, ngay cả ở Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore cũng không ngăn chặn được. Có người còn trích dẫn cả tin Trung Quốc yêu cầu khách hàng bóc sealed máy ngay sau khi mua, đi kèm với chế độ 1 người mua 1 máy để đảm bảo tránh tình trạng đầu cơ.
iPhone 4 xách tay tăng/giảm giá bất thường
Thị trường iPhone 4 xách tay sau cơn chấn động giá iPhone 4 chính hãng, giá bắt đầu lên xuống theo đồ thị hình Sin: lúc tăng, lúc giảm không ổn định.
Shop Râu Vàng quyết định treo biển "Gọi chúng tôi" thay vì để giá iPhone 4
Chỉ 1 đến 2 ngày sau khi nhà mạng cung cấp iPhone 4, giá máy hàng xách tay đã giảm mạnh từ 1 - 2 triệu/thiết bị. Một tuần sau, giá tiếp tục giảm thêm 500 nghìn/chiếc. Dù iPhone 4 khan hàng nhưng giá vẫn liên tục giảm để chạy đua với nhà mạng.
Tuy nhiên, thông tin iPhone 4 chính hãng phân phối nhỏ giọt cùng với sự khan hiếm nguồn cung khiến thị trường "táo" sốt trở lại. Shop Râu Vàng đã điều chỉnh giá bán iphone 4 tăng 700 nghìn/thiết bị so với giá tuần vừa qua, sau đó tiếp tục điều chỉnh tiếp một đợt giá nữa và cuối cùng quyết định treo biển "Liên hệ với chúng tôi". Một số cửa hàng bán iPhone 4 cũng cho biết "
giá iPhone 4 hiện tại tăng giảm còn khủng khiếp hơn giá vàng".
Hiện iPhone 4 phiên bản 16GB tại cửa hàng này có giá 16 triệu đồng, phiên bản 32GB màu đen giá 18 triệu đồng. Đầu tuần trước giá sản phẩm này lần lượt có giá là 15.3 triệu đồng và 17.3 triệu đồng. Cách đây vài ngày, giá iPhone 4 16GB là 15.9 triệu đồng và loại 32GB là 17.9 triệu đồng. Mức này cao hơn giá bán của nhà mạng gần 2 triệu đồng.
Giá iPhone 4 không ổn định kéo theo sự lúng túng của người mua khi lựa chọn giữa 3GS và iPhone 4.
Mua chung để có giá rẻ cũng bị nghi ngờ
Để cạnh tranh với Vinaphone và Viettel, một số hình thức hạ giá thành iphone 4 mới ra đời. Một trong số đó là hình thức "mua chung" - lấy số lượng để bù lãi.
Mua chung sẽ rẻ được 22% giá máy?
Phương thức mua hàng được thực hiện như sau: Vào đúng giờ, đúng thời điểm, iPhone 4 sẽ được bán với giá 13 triệu cho phiên bản 16GB, Bạn phải đặt mua chung 1 lô hàng tối thiểu là 5 đến 10 chiếc. Khách hàng thanh toán qua mạng như thẻ tín dụng VISA, MASTERCARD hay các thẻ ATM có đăng ký Internet Banking của VietcomBank, VietInBank, Đông Á,VIB và HDBank.
Tuy nhiên, điều kiện bảo hành của ngươi rao lại là 6 tháng cho sản phẩm chính hãng, ngoài ra, địa chỉ liên hệ một kiểu nhưng nơi giao hàng lại một kiểu, một số cho rằng "có cửa hàng thì sao phải giao dịch bằng thẻ?",... Người dùng cảm thấy "nghi ngờ" về sự đảm bảo của giao dịch dạng này.
Để chắc ăn, những người "khát" iPhone 4 đã lập ra topic kêu gọi những người có cùng nhu cầu tập trung và đến tận nơi bán hàng, thay vì dùng thẻ. Cộng đồng mạng rất cảnh giác với các hành vi lừa đảo vì "địa chỉ và số điện thoại cũng có thể giả mạo được".
iPhone 4 - Một người mua, hai người hưởng
Cuối cùng, rất nhiều người đã tìm thấy nhu cầu chính đáng của mình với iPhone 4 của nhà mạng cùng các gói cước trả sau. Do đó họ cùng nhau kết hợp để "một người mua, 2 người hưởng".
Phương thức mua iPhone 4 "hai bên cùng có lợi" này dựa trên nhu cầu của những người muốn mua máy chính hãng nhưng không thích ràng buộc điều kiện, và những người muốn sở hữu gói các gói cước trả sau đi kèm với máy, nhưng lại không đủ điều kiện tài chính để mua iPhone.
Cách thức kết hợp khá đơn giản. Thông thường, người nào muốn sở hữu các gói trả sau sẽ dùng Chứng minh thư của mình để đăng ký mua máy và số thuê bao, đồng thời trả số tiền đặt cọc cước hàng tháng. Người muốn lấy máy chỉ việc trả đủ số tiền mua máy và cầm máy về.
Theo nhiều người tính toán, sử dụng gói cước iPhone của các nhà mạng rất có lợi, nhất là với những người thường xuyên phải dùng 3G.
Trên đây chỉ là 4 trong vô vàn những câu chuyện đằng sau sự việc bán iPhone 4 chính hãng gây nên những đề tài tranh cãi gần đây. Ngoài ra, những thông tin như Vinaphone điều chỉnh giá iPhone 4 không cam kết cũng nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng công nghệ, câu hỏi "bao giờ iPhone 4 mới ổn định" vẫn còn là một ẩn số chưa lời đáp về mặt thời gian.
Theo ĐTTD