Điểm lại lịch sử GamePhone
Sự xuất hiện của Sony Ericsson Xperia Play đã làm sống dậy kỉ nguyên điện thoại chơi game, hay còn còn đơn giản là GamePhone, vốn đã im tiếng bấy lâu nay.
Khởi nguồn: Nokia N-Gage
Vào khoảng cuối năm 2003, khi mà cụm từ “điện thoại thông minh” (smartphone) còn là khái niệm mơ hồ và chưa thực sự phổ biến – phần nhiều do giá thành – thì Nokia đã tạo ra một định nghĩa hoàn toàn mới: GamePhone. Một bước tiến có tính cách mạng, khi lần đầu tiên Nokia giới thiệu ra công chúng mẫu điện thoại có khả năng chơi game vượt trội: Nokia N-Gage.
N-Gage và N-Gage QD - 2 mẫu điện thoại chơi game danh tiếng của Nokia
Nokia N-Gage sử dụng hệ điều hành Symbian thời bấy giờ là Symbian OS v6.1, đi kèm cấu hình “tạm chất nhận được” 32-bit ARM 920T tốc độ xử lý 104 MHz. Bên cạnh đó, việc đặt màn hình vào chính giữa, phím định vị và bàn phím đẩy sang 2 bên rất thuận lợi cho việc chơi game.
Dựa trên nền tảng của một chiếc điện thoại thông minh, cộng với thiết kế đặc biệt, người sử dụng có thể thoải mái cài đặt cho N-Gage phần mềm, tiện ích và đặc biệt là game dưới dạng ứng dụng. Các tựa game đi kèm nổi tiếng thời bấy giờ gồm có Crash Nitro Kart, FIFA 2005, The SIM… đã thu hút sự say mê của hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới.
Chơi game trên N-Gage phụ thuộc nhiều vào thẻ nhớ
Tuy vậy sức nóng của N-Gage không được lâu, dù ngay cả khi Nokia tung ra phiên bản mới có tên N-Gage QD vào giữa 2004 với nhiều cải tiến. Điều này có thể lý giải do người tiêu dùng sớm nhận ra sự bất tiện của thiết kế trong sử dụng hàng ngày và phần nhiều là ở chất lượng, đồ họa Game trên điện thoại thua xa những Sony PSP, Nintendo DS… thời bấy giờ.
Hiện tại: iPhone
Sau thành công về mặt hình ảnh của Nokia N-Gage, đã có rất nhiều sản phẩm chạy theo xu hướng chuyên về game (T-mobile Sidekick series, Ocosmos OCS-1 và 1 vài mẫu của Nhật/ Hàn Quốc khác) nhưng tất cả mới chỉ có ảnh hưởng trong từng khu vực, từng thị trường riêng biệt chứ không có sự phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Phải đến cuối năm 2007, khi Apple cho ra mắt chiếc điện thoại iPhone hội tụ tất cả những-gì-cần-phải-có của một thiết bị giải trí cầm tay, thì khái niệm “GamePhone” mới thực sự rõ ràng.
Apple iPhone - Điện thoại chơi game "đỉnh" nhất hiện nay
Không chỉ là chiếc điện thoại đơn thuần, Apple iPhone với công nghệ màn hình cảm ứng ưu việt kết hợp cùng nền tảng phần cứng chất lượng, đồ họa tốt, đã nhanh chóng trở thành một chiếc điện thoại có khả năng chơi game tuyệt đỉnh hiện nay.
Lợi thế hỗ trợ nhiều kết nối không dây, một kho ứng dụng trực tuyến với hàng nghìn tựa game, Apple iPhone là phương tiện chơi game đơn giản nhất và phổ biến nhất mà bạn có thể sở hữu dù ở bất kì quốc gia nào. Một số game tiêu biểu của iPhone có thể kể đến như Angry Birds, Castle Smasher, Need for Speed hay Fruit Ninja…
Game trên iPhone chỉ mới dừng lại ở khía cạnh: chơi nhằm giết thời gian
Ở thời điểm hiện tại, có thể thể chơi game trên iPhone không “đã” bằng Sony PSSP hay Microsoft Xbox 360 nhưng về mặt số lượng game lẫn hiệu năng sử dụng, không một thiết bị cầm tay nào có thể qua mặt được cỗ máy all-in-one này.
Tiếc rằng, Apple iPhone chưa làm những người mê game thực thụ cảm thấy thực sự thỏa mãn. Tất cả chỉ mới dừng lại ở khía cạnh chơi nhằm giết thời gian và những thiết bị chơi game chuyên dụng vẫn còn đất "dụng võ".
Tương lai: Sony Ericsson Xperia Play
Mẫu điện thoại có tên dài dòng, Sony Ericsson Xperia Play, vừa mới chính thức xuất hiện tại sự kiện MWC 2011, hứa hẹn sẽ là dấu hiệu khởi đầu cho kỉ nguyên GamePhone hoàn toàn mới.
Thực chất Sony Ericsson Xperia Play không phải là model đầu tiên hướng tới chơi game của Sony. 2 năm trước hãng đã từng nhen nhóm ý tưởng này với sản phẩm Aino, nhưng do hạn chế về phần cứng cũng như thiếu tính quy mô trong định hướng sản phẩm đã khiến Aino nhanh chóng thất bại.
Sony Ericsson Xperia Play
Sony Ericsson liệu có thành công một lần nữa?
Rút kinh nghiệm trong quá khứ, Sony Ericsson đã chuẩn bị rất kĩ càng cho lần ra mắt này. Xperia Play có kiểu dáng trượt với các nút bấm chơi game phía dưới – Thiết kế khá giống với chiếc Sony PSP Go “cùng nhà”. Máy sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon 1GHz, hỗ trợ đồ họa Adreno 205 GPU mới nhất, cho phép chơi game 3D 60 khung hình/giây và màn hình rộng 4 inch, độ phân giải FWVGA 480 x 854 pixel để game thủ thoải mái tận hưởng.
Tương tự như các model GamePhone khác, Sony Ericsson Xperia Play còn là một smartphone đích thực, sử dụng hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread (đã có sẵn hơn 200 nghìn ứng dụng), giao diện tùy biến dành cho người dùng chơi game.
Ngay sau khi Sony Ericsson Xperia Play được bày bán rộng rãi thì sẽ có khoảng 50 tự game từ 20 hãng sản xuất game khác nhau làm riêng cho sản phẩm này, cũng như cho các thế hệ Xperia Play tiếp theo.
[video=youtube;JQqyUlQRB5g]http://www.youtube.com/watch?v=JQqyUlQRB5g&feature=player_embedded[/video]
Video clip giới thiệu Sony Ericsson Xperia Play
Trên thị trường cũng đã có không ít sản phẩm tiêu biểu hứa hẹn khả năng chơi game tốt như Samsung Galaxy S II, LG Optimus 2X, HTC HD7… nhưng chưa một sản phẩm nào có định hướng rõ ràng, tập trung vào tính năng này.
Sony Ericsson đã từng làm rất tốt khi định vị tốt các khái niệm Walkman Phone, Cybershot Phone… Bởi vậy, việc PlayStation Xperia Play thành công sẽ chỉ còn phụ thuộc vào thời gian.
Theo ĐTTD