Smartphone: thông minh hơn, tương tác hơn (Phần I)
Điện toán nhận biết ngữ cảnh đã tạo ra những khối lượng dữ liệu khổng lồ giúp người tiêu dùng mua hàng từ những nhà cung cấp biết rõ hơn về họ.
Ellen Tanowitz đã khám phá ra điều bí mật có thể khiến cho những bà mẹ đang nuôi con nhỏ khác phải ghen tị. Chị đã tìm ra một cách đơn giản để tiết kiệm thời gian và tiền bạc – trong khi luôn phải bận rộn để mắt tới lũ trẻ - khi chị đi mua trái cây ở cửa hàng Stop & Shop gần nhà.
Bí mật đó là gì? Tanowitz, luật sư ở Newton, Mass. (Mỹ), sử dụng thiết bị cầm tay giúp chị có thể tính tiền các hàng hóa đã mua ngay khi chị lấy chúng ra khỏi kệ; điều đó có nghĩa là chị không phải chờ đợi thêm trong hàng dài ở quầy thu ngân nữa. Chiếc máy quét cũng biết được những hàng hóa chị đã từng mua và vị trí của chúng ở đâu trong cửa hàng, và nó cũng sử dụng các thông tin đó để tính các khoản chiết khấu cho những mặt hàng mà chị mua nhiều nhất. (Chẳng hạn, nhà chị thích kem pho mát). Điều ấn tượng nhất cho người mẹ có 3 con nhỏ này là thiết bị khá dễ sử dụng và vui nhộn khi cầm tới mức làm cho bọn trẻ lúc nào cũng bận rộn cho tới khi việc mua hàng đã hoàn thành. “Bọn trẻ nhà tôi thậm chí còn đánh nhau để giành lấy chiếc máy. Chúng phải đợi tới lượt mình vì tất cả bọn trẻ đều thích sử dụng nó”, chị nói.
Tanowitz có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc theo cách mới này nhờ vào một phần mềm thu thập một lượng lớn thông tin – không chỉ là thông tin về một người ở đâu làm gì, mà còn các dữ liệu khác như là sở thích, thói quen mua sắm, thậm chí là tầng lớp xã hội. Được biết đến như là một loại phần mềm nhận biết ngữ cảnh, công nghệ này khai thác các thông tin đó để cung cấp những công cụ hữu ích cho người sử dụng smartphone. Tại Stop&Shop, nó phục vụ cho mục đích tính toán các khoản chiết khấu giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm tiền. Ở những khía cạnh khác, công nghệ nhận biết ngữ cảnh có thể ngay lập tức cung cấp các thông tin cơ bản quan trọng về một hiệp hội kinh doanh hoặc một khách hàng tiềm năng. Hoặc đơn giản hơn, nó có thể trợ giúp những người thích đi du lịch trong việc tìm kiếm nơi ăn uống hoặc vị trí đỗ xe thích hợp.
Nhiều năm qua, công nghệ đã có khả năng định vị xem một người đang đứng ở đâu thông qua các vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) bằng cách gửi các dữ liệu bản đồ và giao thông từng phút. Nhưng chỉ gần đây thì ngành điện tử mới có thể đưa vị trí của mỗi người vào trong một ngữ cảnh rộng hơn. Theo công ty nghiên cứu Gartner, thì tới năm 2012, chỉ riêng thị trường thông tin ngữ cảnh này có thể đạt mức doanh thu 12 tỷ USD.
Máy quét tương tác và các: "Địa điểm được yêu thích"
Google (GOOG) hiện đang là công ty đi đầu trong việc hưởng lợi từ làn sóng nhu cầu đang lên này. Công ty này đã có sẵn những truy cập tới những kho dữ liệu về người sử dụng và những thói quen tìm kiếm trên Web của họ. “Google biết rõ về mọi người hơn hẳn bất kỳ một công ty nào,” là lời phát biểu của Anne Lapkin, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Gartner. “Vì vậy họ sẽ có một vị trí khá đặt biệt để tận dụng những lợi thế về mặt thông tin ngữ cảnh mà họ đang sở hữu”. Vào tháng Mười, Google đã ra mắt Google Maps Navigation, là ứng dụng cung cấp các dịch vụ mapping tuần tự cho những người sử dụng smarphone chạy trên hệ điều hành Android.
Ngày 7/12, Google tiến thêm một bước nữa trong việc tích hợp thế giới trực tuyến với ngữ cảnh offline, khi hãng này thêm khoảng 100 ngàn doanh nghiệp địa phương vào chức năng “Favorite Places” (địa điểm được yêu thích) của nó, để quảng bá những địa điểm phổ biến nhất thường được tìm kiếm bởi người sử dụng. Các doanh nghiệp được thêm vào danh sách sẽ được hiển thị trên các trang kết quả tìm kiếm của Google Map; người sử dụng với một chiếc điện thoại có gắn camera có thể đến cửa hàng và hướng ống kính máy quay vào đề-can Favorite Places trên cửa sổ. Thao tác đó sẽ mở ra một trình duyệt Web và cho phép họ đọc những bài đánh giá do người dùng tạo ra trong kính ngắm của thiết bị. “Điều chúng tôi cố gắng thực hiện là để kết nối thế giới thực với những kho thông tin khổng lồ về những địa điểm trên thế giới đang hiện hữu trên Internet”, John Hanke, phó chủ tịch quản lý sản phẩm tại Google cho biết. “Chúng tôi muốn giúp người dùng dễ dàng hơn khi họ ra ngoài để tương tác với thế giới".
Một số công ty khác cũng được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng cao đối với công nghệ nhận biết ngữ cảnh, trong đó có các nhà sản xuất thiết bị cầm tay như là Nokia. Hai năm trước, công ty Phần Lan đã giới thiệu Ovi, một gói các dịch vụ Internet cho phép người dùng lưu giữ nhật ký làm việc, các file truy cập, nhạc được tải xuống, và các backup sổ địa chỉ, cũng như các hoạt động khác. Cũng theo nghiên cứu của Gartner, những công ty khác có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế này còn bao gồm những nhà cung cấp giải pháp truyền thông như là Cisco Systems (CSCO) và Avaya, các tập đoàn viễn thông như China Telecom hoặc thậm chí là cả những mạng xã hội như là Facebook.
Còn nữa
Theo ICTNews