Viettel "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc đua di động thương hiệu Việt
Toàn cảnh cuộc chơi giữa các thương hiệu di động Việt Nam trong năm 2011 đã khá rõ ràng, sẽ vẫn là một cuộc chiến khốc liệt để tranh giành miếng bánh thị phần nhỏ bé – phân khúc tầm thấp, tương tự như những năm trước đây.
Việt Nam sắp sản xuất được smartphone hệ điều hành Android, đây là một thông tin hoàn toàn chính thức! Lần này, không phải F-Mobile, Q-Mobile xuất chiêu mà chính là một trong ba cây cổ thụ của làng viễn thông di động, ông lớn Viettel. Như vậy, cùng với tuyệt kỹ của Viettel, kể từ nay lại có thêm một đối thủ cạnh tranh khác quyết tâm dấn thân vào thị trường nội địa không mấy rộng rãi, lại sắp có dấu hiệu bão hòa...
Nổi lên cùng lúc với Viettel là hai tên tuổi Bluefone và Hi-mobile. Bluefone xuất thân từ CMC – cũng là một đế chế lớn trong làng công nghệ thông tin Việt Nam. Còn Hi-Mobile là thương hiệu của Tập đoàn CNTT và Viễn thông HiPT. Như vậy, xét đến thời điểm hiện tại, thị trường điện thoại di động “made in Vietnam” đang dần trở lên chật chội với kiềng năm chân: Q-Mobile, F-Mobile, Hi-mobile, Bluefone và Viettel.
Q-Mobile ra mắt vào năm 2008, thưở sơ khai của thị trường. Nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận, hiện nay Q-Mobile chính là thương hiệu di động Việt được ưa chuộng nhất, với hàng chục mẫu máy thuộc 4 nhóm sản phẩm.
Xuất hiện sau Q-Mobile một năm, nhưng F-Mobile đã nhanh chóng trở thành đại kình địch của Q-Mobile. F-Mobile có hướng phát triển tương tự Q-Mobile: sản phẩm giá rẻ, nhiều chức năng và tỷ lệ nội địa… hóa cực thấp. Bằng cách xây dựng chính sách hậu chu đáo, chuyên nghiệp nên cho đến thời điểm này, Q-Mobile và F-Mobile đang là bộ đôi song sát thống trị thị trường trong nước.
Một trong ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam, sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại nổi tiếng, nhưng đến đầu năm 2011, Viettel mới chính thức nhảy vào thị trường với dòng sản phẩm ZIK. Đặc biệt hơn, Viettel chính là nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam cho ra mắt dòng smartphone hệ điều hành Android tiên tiến.
Trái ngược hẳn với các đối thủ, ngay từ khi ra mắt, CMC đã khẳng định Bluefone không đi theo chiến lược giá rẻ, mà sẽ có mức giá "hợp lý". Như vậy, dựa trên chiến lược giá của Bluefone mà nói, thương hiệu này đang tập trung vào nhóm sản phẩm có nhiều tính năng độc đáo, với mức giá mà khách hàng chấp nhận được – như một chú dế có đến 4 SIM vừa gia nhập thị trường.
Tham vọng đứng ở top 3 ngay trong năm 2011, chiến lược kinh doanh của Hi-mobile tập trung vào dòng máy giá thấp, đa chức năng và một số đặc điểm nổi bật như 2 sim 2 sóng, vỏ bằng kim loại, kết nối mạng xã hội... Như vậy, rất có thể Hi-mobile sẽ gia nhập nhóm xu hướng của Q-Mobile và F-Mobile trong hiện tại.
Qua phân tích trên, dễ thấy cả 5 thương hiệu trên đều có ưu điểm riêng, nhưng những ưu điểm này lại không phải nằm khâu quản lý chất lượng hay chiến lược giá cả, mà chính là ở những “ưu điểm” vô danh mà nhà sản xuất không bao giờ đề cập đến: kế hoạch marketing, phân phối, độ trung thành của khách hàng cũ, lợi ích biên sản phẩm…
Tại sao lại đề cập đến những chiến lược kinh doanh mà lại không nói gì đến sản phẩm và vấn đề giá cả? Câu trả lời hết sức đơn giản: phần lớn điện thoại nội địa thật sự chỉ có tên thương hiệu là… hàng Việt, còn tất tần tật đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Tỷ lệ nội địa thật sự trong những chú dế “made in Vietnam” khó lòng đạt đến con số 5-10%!
Trước đây từng có chuyện sản phẩm của Q-Mobile và F-Mobile giống nhau như hoàn toàn về phần cứng, kết cấu máy và khác nhau ở vài chi tiết bên ngoài. Viettel, Bluefone và Hi-mobile, những thương hiệu mới nổi sẽ phải cố gắng rất nhiều để không lặp lại những sai sai lầm "khó đỡ" như các đàn anh. Nếu không, “bản sắc Việt Nam” chắc chỉ tồn tại trong những chiến dịch marketing đắt tiền mà các hãng tô vẽ.
Nhiều khả năng, Q-Mobile tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu nhờ vào lượng khách hàng cũ, trong khi F-Mobile sẽ tiếp tục lớn mạnh nếu duy trì được quy trình hậu mãi tốt. Viettel sẽ tận dụng lợi thế về hệ thống bán lẻ cùng gói cước kèm theo, dự đoán sẽ cùng với F-Mobile, Q-Mobile tạo thành thế chân vạc trên thị trường trong năm 2011.
Dường như, Bluefone và Hi-mobile sẽ có thời gian khó khăn nếu đi theo chiến lược cũ của F-Mobile và Q-Mobile. Dù vậy, năm 2011 chắc chắn còn nhiều bất ngờ lớn xảy ra, khi ấy bộ mặt thị trường sẽ thay đổi hoàn toàn.
Thử xét đến xa hơn là toàn bộ thị trường, thì trong năm 2011, liệu các thương hiệu Việt có tìm được cơ hội của riêng mình? Câu trả lời là có, nhưng đó chỉ là những cơ hội nhỏ gia tăng thị phần. Tuy nhiên, để cạnh tranh thực sự với các "đại gia" nước ngoài, chúng ta còn chưa đủ sức. Xét đến tính chất của sản phẩm, di động thương hiệu Việt Nam thua kém trên mọi phương diện, tất cả các phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp. Sản phẩm Việt có chất lượng không bằng sản phẩm từ nước ngoài, nhưng ngay đến chính sách giá cả - vốn là ưu thế quan trọng, nay cũng đang mất dần tác dụng.
Hiện nay, Nokia, Samsung, LG, Motorola... ngày càng chú trọng đến phân khúc tầm thấp và tầm trung. Các hãng liên tục xuất kho những mẫu dế giá thấp bền bỉ, đầy đủ tính năng cần thiết; hoặc những mẫu tầm trung với nhiều chức năng, giá bán lại rất vừa túi tiền. Mức giá chỉ cần hợp lý, chức năng ổn định là có người mua, không cần phải quá rẻ, thừa thãi tính năng mà lại kém chất lượng.
Nokia C3 - Cơn sốt hàng hiệu giá rẻ trong năm 2010.
Toàn cảnh về cuộc chơi giữa các thương hiệu điện thoại Việt Nam trong năm 2011 đã khá rõ ràng, sẽ vẫn là một cuộc chiến khốc liệt để tranh giành miếng bánh thị phần nhỏ bé – phân khúc tầm thấp, tương tự như những năm trước đây. Còn khi nào cuộc hưởng ứng “Người Việt dùng hàng Việt” mới thực sự thành công? Hãy đặt tầm mục tiêu xa một chút, ít nhất là 5-10 năm nữa.
Theo PLTP