“Lộ hàng” iPhone 4G: Vô tình hay hữu ý?
Chiếc iPhone 4G tại Việt Nam được khẳng định là giống với sản phẩm chính thức của Apple hơn cả.
Cách đây gần một tháng, dân cư mạng ở Mỹ như phát sốt với những hình ảnh được cho là iPhone thế hệ mới (iPhone 4G) do trang tin công nghệ Gizmodo đưa lên. Lạ ở chỗ chiếc iPhone 4G này lại được nhặt tại một quán bar ở California. Đùng một cái, iPhone 4G “bay” về một nước xa xôi như Việt Nam, và thậm chí còn được cho là “xịn” hơn cả phiên bản Gizmodo có được. iPhone 4G ở đâu ra mà lắm vậy? Có phải Apple vô tình đánh mất chiếc điện thoại này, hay chỉ là một chiêu PR “show hàng” để người dùng phải thèm khát?
Bỗng dưng có … iPhone 4G
Khoảng trung tuần tháng 4/2010, cả hai trang tin công nghệ có tiếng ở Mỹ là Gizmodo và Engadget đều cho đăng tải hình ảnh của chiếc iPhone được cho là phiên bản 4G. Để có được những hình ảnh này, cả hai đều có trong tay vật mẫu mua lại của người đàn ông đã nhặt được iPhone 4G tại các quán bar ở Redwood City và San Jose (đều tại California). Gizmodo và Engadget đã phải chi khá đậm, nghe đồn là khoảng 5.000USD để mua lại chiếc iPhone 4G này.
Tại thời điểm đó, đã có những phân tích của dân cư mạng cho rằng mẫu iPhone 4G mà hai trang tin trên có được về cơ bản là giống với khuôn mẫu thiết kế cuối cùng của Apple. Tất nhiên, không ai có thể khẳng định được rằng mẫu iPhone 4G “đánh rơi” này sẽ giống “y xì” với sản phẩm chính thức của Apple sau này. Chiếc iPhone 4G trông khá nam tính, các cạnh vuông vức thay vì được vo tròn như phiên bản iPhone 3GS trước đây.
Chiếc iPhone 4G mà Gizmodo có trong tay bị khóa từ xa bằng dịch vụ MobileMe của Apple. Tuy nhiên, khi kết nối với Facebook thì điện thoại hiển thị số tài khoản có tên là Gray Powell. Mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào nhân vật này. Sau đó, Gray Powell được xác định là một kỹ sư của Apple làm việc tại bộ phận iPhone Baseband Software. Câu chuyện tiếp tục được thêu dệt theo hướng Gray Powell đã uống bia tại một quán bar ở Redwood City và để quên chiếc iPhone 4G. Một người nào đó đã nhặt được chiếc iPhone này và bán cho Gizmodo.
Cũng sau đó ít hôm, có tin đồn cho rằng đích thân Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs, đã điện thoại cho Gizmodo để đòi lại chiếc iPhone 4G. Cùng với đó, cảnh sát điều tra tội phạm máy tính đã thực hiện khám xét nhà riêng của người bán iPhone 4G cho Gizmodo.
Sự việc chưa tạm lắng thì đùng một cái iPhone 4G có mặt tại Việt Nam, khiến cho cộng đồng “fan” Quả táo thế giới ngạc nhiên. Ngạc nhiên là bởi trước hết Việt Nam không phải là thị trường lớn của Apple. Thứ hai là chiếc iPhone cũng mới chỉ được phân phối chính thức tại thị trường này không lâu, và doanh số bán ra được cho là vẫn khá èo uột.
Nhiều nguồn tin nói rằng chiếc iPhone 4G đã được một doanh nhân người Việt mua với giá 4.000USD tại Mỹ. Người này đã mua iPhone 4G cùng với chiếc iPad của Apple từ một nguồn không được công bố. Chiếc iPhone này được các diễn đàn trong nước mổ sẻ và đăng tải lên mạng. Nó được khẳng định là sản phẩm có nguồn gốc từ Apple. Trong khi đó, trang tin Engadget cũng khẳng định chiếc iPhone này trông giống sản phẩm chính thức của Apple hơn cả.
Khác với sản phẩm của Gizmodo, chiếc iPhone 4G tại Việt Nam trông bóng bảy và chau chuốt hơn. Nó được mổ sẻ cả thành phần bên trong làm lộ chip A4 vốn dĩ đang được Apple sử dụng cho iPad, và chắc chắn sẽ trang bị cho chiếc iPhone thế hệ mới. Nhiều nhận định cho rằng, Apple có thể khởi kiện người đã mổ sẻ thiết bị của hãng này, nhất là tiết lộ những bí mật sản phẩm mà hãng này chưa công bố (chip A4 và các thông số phần cứng bên trong).
“Show hàng” để người dùng thèm khát
Tuy là người đi sau trong lĩnh vực ĐTDĐ, nhưng có thể nói ở thời điểm hiện tại đẳng cấp của Apple đã vượt trên cả những tên tuổi lâu năm như Nokia, Samsung, LG… Ở Apple có những điểm khác biệt mà các hãng khác không có. Trước hết là ở thiết kế sản phẩm (tinh xảo, sành điệu, và luôn đón đầu xu hướng mới), rồi kế đến là công nghệ mà Quả táo sử dụng cho sản phẩm của hãng. Những cái tên như iPod, iPhone, iPad, MacBook Pro… luôn được coi là đỉnh cao trong thiết kế sản phẩm kỹ thuật số.
Có một điểm khác biệt là ít người biết đến đó là văn hóa giữ bí mật của Apple. Trong số các “đại gia” công nghệ trên thế giới hiện nay, Apple được liệt vào danh sách các hãng có chính sách an ninh hà khắc nhất. Các mẫu sản phẩm thử nghiệm đều được đặt trong phòng kín, bị khóa chặt vào bàn, và được gia cố bằng nhiều lớp an ninh không khác gì các ngân hàng lớn. Ngoài ra, Apple còn lắp đặt các phương tiện do thám, thậm chí còn tinh vi hơn cả ngành tình báo, chỉ nhằm đảm bảo rằng không một ai biết được những bí mật mà hãng này đang nghiên cứu.
Trong khi đó, bản thân giám đốc phụ trách marketing của Apple thường xuyên có cuộc họp với nhân viên để thông báo những tính năng mới trong các sản phẩm sắp xuất xưởng. Những thông tin này có thể là thật mà cũng có thể là giả. Từ đây, thông tin lại được tung lên các diễn đàn để các “fan” Quả táo tha hồ bình luận và mong ngóng. Giới phân tích cho rằng đây là hành động cố ý tung tin của Apple nhằm kích thích tâm lý tò mò và mong chờ của khách hàng.
Paul Saffo, cựu chuyên gia dự đoán ở Silicon Valley, cho rằng với việc kiểm soát các quy trình sản xuất một cách ngặt nghèo như vậy thì việc một sản phẩm hoàn chỉnh bị lọt ra ngoài từ Apple là điều khó có thể xảy ra. Tim Bajarin, Giám đốc công ty Creative Strategies, người đã theo dõi sự phát triển của Apple suốt ba thập kỷ qua, nhận định rằng nếu những hình ảnh iPhone 4G là thật thì đây sẽ là lần đầu tiên xảy ra một sự cố nghiêm trọng đến vậy. Tuy nhiên, Tim Bajarin lại không cho rằng mọi việc lại đơn giản đến vậy.
Đó cũng là lý do tại sao việc iPhone 4G lộ hàng lại thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận đến thế. Bởi đơn giản nó là đẳng cấp, là đồ công nghệ mà nhiều người thèm muốn sở hữu. Các sản phẩm “đinh” của Nokia, Samsung, LG… tuy có đầy nhưng chúng chưa bao giờ tạo ra những dư luận ầm ĩ như với các sản phẩm của Apple.
Cũng cần chú ý rằng đồ của Apple chưa bao giờ rẻ, bao giờ chúng cũng có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại. Chẳng hạn chiếc iPhone 3GS 32GB bản quốc tế đang được bán tại Việt Nam với giá trên 18 triệu đồng, trong khi chiếc N900 đỉnh cao của Nokia cũng chỉ có giá hơn 10 triệu đồng một chút.
Trong khi các “đại gia” sản xuất ĐTDĐ có thói quen công bố thông tin chi tiết sản phẩm sắp ra mắt thì Apple lại không. Chưa bao giờ hãng này chính thức khẳng định trước các thông số như thế. Chỉ khi sản phẩm có mặt trên thị trường thì mọi việc mới rõ ràng. Ngoài ra, Apple cũng có một cơ chế phản kháng rất quyết liệt đối với những thông tin được cho là “tiết lộ bí mật kinh doanh”, chẳng hạn như việc công bố thông tin về các sản phẩm sắp ra mắt của hãng.
Apple từng nhiều lần bị chỉ trích về văn hóa doanh nghiệp “kỳ quặc” như vậy, nhưng rõ ràng với những thành công mà hãng này đạt được đã chứng tỏ một điều rằng đó là sự táo bạo có tính toán. Rất hiếm khi Apple có chiến lược quảng bá sai lầm, và đó cũng là lý do mà người ta tin rằng iPhone 4G lọt ra ngoài là do cố ý chứ không phải vô tình mất cắp.
Cho tới nay, Apple vẫn chưa có bình luận chính thức nào về những vụ việc gần đây liên quan tới iPhone 4G. Mà nếu có thì nhiều người vẫn tin rằng đó chỉ là màn kịch khéo léo để che đậy bản chất sự việc bên trong. Rõ ràng việc quảng bá cho iPhone 4G đã rất thành công, ít nhất là cho tới thời điểm này khi mọi con mắt đều mong ngóng về sản phẩm chính thức mà Apple sẽ công bố trong mùa hè năm nay.
Theo VnMedia