Chiến lược “một mình một kiểu” của Nokia
Quyết định lớn đầu tiên của Stephen Elop kể từ khi ngồi lên chiếc ghế CEO của Nokia là: tiếp tục chiến lược “một mình một hệ điều hành”, chứ quyết không dùng Android của Google.
Khi Nokia quảng bá cho hệ điều hành mới MeeGo của hãng với các nhà phát triển ứng dụng tại một hội nghị ở châu Âu, công ty đã nhấn mạnh MeeGo sẽ cho phép hãng đảo ngược tình thế thị phần suy giảm tại một số thị trường lớn nhất, trong đó có thị trường Mỹ, nơi iPhone và Google đang “phất”, còn Nokia lại đang bị đẩy lùi ra khỏi mảng kinh doanh điện thoại thông minh.
Sự thành công nhanh chóng của Google với nền tảng Android đã trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ 2 thế giới trong chỉ 2 năm. Điều đó nhanh chóng khiến các nhà đầu tư và giới chức trong ngành đặt câu hỏi: liệu Nokia có nên từ bỏ các nền tảng độc lập của hãng và tham gia vào “băng đảng” của Android?
Song ông Elop quyết định sẽ “chung thủy” với MeeGo và Symbian – phần mềm sử dụng trong các dòng smartphone tầm trung của hãng. Chiến lược “một mình một hệ điều hành” sẽ đặt Nokia vào cuộc cạnh tranh với “thế lực” đang ngày càng hùng mạnh của Google. Sự gia tăng của các mẫu smartphone buộc các nhà sản xuất ĐTDĐ phải tạo khác biệt cho sản phẩm và gia tăng lợi nhuận từ phần mềm họ đưa ra.
Nokia đã phải “chi nặng tay” để theo kịp iPhone và Android bằng nền tảng riêng của hãng và các dịch vụ phần mềm, dưới nhãn hiệu Ovi. Năm 2007, hãng đã phải đầu tư 8,1 tỷ USD sáp nhập với nhà sản xuất bản đồ số Navteq nhằm cạnh tranh trực tiếp với Google Maps.
Quyết định tiếp tục phát triển MeeGo của Nokia một phần cũng do MeeGo không chỉ có khả năng hỗ trợ smartphone, mà còn có thể hỗ trợ một loạt sản phẩm tiêu dùng khác như máy tính bảng, TV, và thậm chí xe hơi.
Jonathan Banner, một nhà phát triển phần mềm ở Luân Đôn, cho biết anh đã thử với MeeGo và nói MeeGo “vẫn trong giai đoạn đầu tiên”, song anh cũng nói thêm rằng anh tin tưởng Nokia có thể tạo ra những sản phẩm tốt với MeeGo. “Tôi nghĩ họ có cơ hội lớn. Nếu họ quyết tâm, cuộc chơi sẽ bắt đầu”.
Tuy vậy, vấn đề lớn của Nokia hiện nay là Symbian – hệ điều hành này đang ngập trong các lời phàn nàn của người tiêu dùng và các nhà phát triển – vì nó quá nặng nề và khó sử dụng so với Android.
Theo hãng nghiên cứu Gartner, thị phần smartphone chạy Symbian chỉ còn 37% trong quý III, giảm so với mức 45% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các nhà sản xuất như Motorola và HTC lại bán ra 20,5 triệu điện thoại chạy Android, chiếm 25% thị phần smartphone toàn cầu, tăng từ chỉ 3,5% vào năm ngoái.
Để xử lý tình hình, ông Elop đang nỗ lực nghiên cứu sao cho dễ dàng phát triển ứng dụng cho Symbian hơn. 5 tuần sau khi nhậm chức CEO của Nokia hồi tháng Chín, ông Elop nói Nokia sẽ tiếp tục sử dụng phần mềm Qt để tạo ra các ứng dụng cho điện thoại của hãng. Qt là công nghệ mà Nokia mua lại hồi năm 2008, nó sẽ cho phép các nhà phát triển phần mềm dễ dàng và nhanh chóng viết ứng dụng hơn, sau đó chúng sẽ chạy trên đa hệ điều hành bao gồm Symbian và MeeGo.
Jack Gold, chủ tịch hãng phân tích J. Gold Associates (Mỹ), cho rằng quyết định của Nokia với Qt là “thông minh” bởi Symbian đang là một hệ điều hành già cỗi. “Symbian sẽ không đủ sức cạnh tranh nổi với ‘ngôi sao đang lên’ Android”, ông nói. “Nhưng tôi vẫn chưa tin rằng Nokia đã nỗ lực đủ mọi cách cần thiết. Apple đã có hệ sinh thái rộng lớn, Android cũng sẽ phát triển thêm, trong khi hiện nay Nokia lại đang co lại”.
Theo ICTNews