PhuongNguyen
Well-Known Member
'Chiến binh' Sony Ericsson T700
Sony Ericsson T700 thừa hưởng nhiều ưu điểm của chiếc T650 như vỏ kim loại, giao diện sử dụng rõ ràng, thân máy mỏng. Bộ nhớ tuy khiêm tốn nhưng được khắc phục bằng thẻ nhớ.
Sony Ericsson T700 nhỏ nhắn. Ảnh: Letsgodigital.
T700 trông giống điện thoại nghe nhạc W890. Thiết kế nhỏ nhắn làm cho bàn phím trông hơi nhỏ, tuy nhiên, tính tiện dụng không hề bị ảnh hưởng. Máy có màn hìn QVGA 2 inch TFT 256K màu với độ tương phản tốt, góc nhìn rộng, hiển thị rõ ngay cả dưới ánh sáng mặt trời.
Bên dưới màn hình là phím điều hướng với D-pad ở giữa, bên cạnh là Call và End có thiết kế vuông và hơi lồi lên, tránh được việc ấn sai. D-pad tuy nhỏ nhưng sử dụng cũng khá thoải mái. 12 phím bấm cũng nhỏ gọn như ở W890 song bấm nhẹ và dễ hơn.
Bên trái thân máy là khe cắm sạc, tai nghe và cáp dữ liệu. Bên phải máy là phím camera và phím chỉnh volume. Nắp sau làm bằng nhôm sơn đen, cạnh ống kính camera 3,2 Megapixel là loa và đèn LED.
Thân máy mảnh dẻ. Ảnh: Gigglehd.
T700 lấy nền tảng từ W890 nên giao diện không ấn tượng và nổi bật. Menu có thể trình bày dưới dạng biểu tượng 3 x 4 truyền thống, ngoài ra còn dưới dạng luân phiên. Chế độ luân phiên hiển thị 3 biểu tượng một với trung tâm là ứng dụng đang chọn. Tuy nhiên, chỉ có dạng truyền thống thì người dùng mới có thể sử dụng bàn phím số để tuy cập nhanh.
Quản lý tin nhắn là một chức năng nổi bật của chiếc máy này. Message được lưu ở bộ nhớ trong của máy hoặc thẻ nhớ ngoài với thứ tự theo ngày, kích cỡ file và số điện thoại. Mặc dù các soạn tin SMS và MMS khác nhau, nhưng khi soạn SMS bạn có thể dễ dàng chuyển sang MMS thông qua các tùy chọn. E-mail client trên chiếc điện thoại này cũng hỗ trợ nhiều tùy chọn cài đặt và các loại mã như một thiết bị nhắn tin chuyên dụng. Khi dùng, bạn có thể sắp xếp thư theo ngày, giờ - thật tiếc là máy không thể xử lý tập tin đính kèm, do thiếu chức năng đọc tài liệu.
Quản lý tin nhắn là chức năng nổi bật của máy. Ảnh: Handcellphone.
Quản lý ảnh thông minh. Ảnh: Techchee.
Camera 3,2 Megapixel với đèn flash LED cho chất lượng hình ảnh đẹp đến ngạc nhiên. Ngoài những chế độ chụp hình thông thường, điện thoại còn có geo-tagging gắn tọa độ lên hình.
Các tính năng nổi trội nhất trong giao diện chụp hình hầu như đều mang phong cách của dòng Cyber-shot. Việc hiển thị thanh công cụ cài đặt giúp kiểm soát chế độ chụp, cảnh, kích thước ảnh, flash… Một số điểm hạn chế của camera và sự thiếu sót tính năng autofocus có thể sẽ khiến bạn đưa ra một kết luận vội vàng về chất lượng ảnh chụp của T700, nhưng thực ra chiếc máy này cho chất lượng hình trên mức trung bình so với các model chụp ảnh 3 Megapixel hiện nay. Ngoài ra, máy còn có khả năng quay video ở tốc độ 15 khung hình/ giây với định dạng Mp4 độ phân giải QVGA.
Thư viện ảnh lưu giữ những bức hình chụp từ máy, hỗ trợ upload và đánh dấu file. Mục Lastest Photo giúp xem nhanh những bức ảnh mới nhất. Camera Album chia thành 12 mục tương ứng với 12 tháng, rất tiện cho việc truy xuất. Ngoài ra, máy còn có Photo Tag - hiển thị những bức ảnh ưa thích đã được đánh dấu trước đó.
Sony Ericsson T700 hỗ trợ trình duyệt Access NetFront v3.4 với nhiều cài đặt cấu hình. Ngoài ra cũng có chế độ toàn màn hình và một số chế độ xem khác như: toàn cảnh, chỉ có văn bản, Pan và Zoom, phóng to trang. Nếu không thích NetFront, bạn có thể sử dụng trình duyệt lý tưởng OperaMini.
Các lựa chọn kết nối của T700 tương đối đầy đủ với 4 băng tần GSM/GPRS/EDGE và 3G hỗ trợ HSDPA, do đó hầu như bạn có thể kết nối ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, T700 còn tích hợp Bluetooth 2.0 và kết nối USB. Bluetooth có hỗ trợ A2DP cho phép nghe nhạc với tai nghe stereo không dây. Kết nối USB có 4 chế độ: trao đổi dữ liệu, sử dụng điện thoại như một modem, đồng bộ hóa với Window Media Player và máy in.
Chiếc điện thoại này đang được bán với giá 3,5 triệu đồng.
Theo Sohoa