HuynhThanh
New Member
Tiến hóa di động: Câu chuyện hình dạng và kích thước
Bao nhiêu năm qua, thị trường điện thoại toàn cầu đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hình thành nhiều xu hướng phát triển với từng đối tượng nổi bật, định hình phong cách thiết kế và cảm hứng công nghệ.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường điện thoại di động toàn cầu đã chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ, hình thành nhiều xu hướng phát triển với từng đối tượng nổi bật, định hình phong cách thiết kế và cảm hứng công nghệ. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thiết kế “lạc loài” đều chẳng mấy thành công, và tên tuổi lớn đột phá như iPhone là rất hy hữu.
1. Điện thoại gập vỏ sò
Từng được coi là biểu tượng thời trang sành điệu vào những năm đầu thế kỷ 21, nhưng đến nay, điện thoại gập vỏ sò ít còn được ưa chuộng và mất hẳn chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Kiểu dáng dày cộp thấy rõ và giới hạn kích thước màn hình khiến cho em nó dần tuyệt chủng. Từ tầng lớp “cao niên” đời đầu như kiểu Ericsson T10s, Sony Ericsson P990 cho đến lớp trẻ Sony Ericsson W350 đều bị quay lưng nhanh chóng.
Hiện tượng Motorola RAZR là một điểm sáng hiếm hoi, chú dế mỏng như dao cạo với tính năng cơ bản từng bán rất chạy và nổi bật nhất trong khoảng năm 2005. Thật không may cho người hâm mộ thiết bị vỏ sò và càng không may cho Motorola, ông lớn viễn thông nước Mỹ xuống dốc không phanh và làng di động chẳng còn xuất hiện thêm được phiên bản ra hồn nào khác.
2. Điện thoại nắp trượt
Cố gắng giải quyết nhược điểm của dòng điện thoại gập vỏ sò, những chú dế nắp trượt phát triển màn hình lớn hơn và bàn phím cứng tiện dụng. Tiếc rằng, chiều dày thân máy chưa thể mỏng hóa hết cỡ khiến cho số phận chàng ta cũng thật hẩm hiu. Khởi đầu rất chậm, dần dần phổ biến trong khoảng 2003 – 2004, trở nên nóng bỏng vào những năm 2007 – 2009 và chiếm đến 1/3 thị trường toàn cầu. Sau đấy, mô hình này giữ đà suy giảm đều đặn hàng năm đáng buồn tẻ.
Những tên tuổi lớn trong quá khứ như gia đình Nokia N-series hay Sony Ericsson XPERIA X1 từng ra sức cổ vũ phân khúc nắp trượt đạt đến đỉnh cao, thì nay, chẳng còn mấy “bom tấn” được giới thiệu. Tình cảnh chợ chiều khiến cho người dùng yêu thích thời trang không khỏi e ngại, nhất là đối tượng nữ giới.
Xu hướng những năm tiếp theo là bố trí bàn phím thực QWERTY, tham gia trào lưu mạng xã hội và tập trung đầu tư công nghệ e-mail sẽ giúp cho điện thoại nắp trượt tìm lại mình, ít nhất là vào thời điểm hàng loạt siêu phẩm nhăm nhe ra mắt cuối năm này.
3. Điện thoại thanh
Hình thức cổ nhất và phổ biến nhất từ xưa đến nay, điện thoại thanh hết sức quen thuộc với người dùng không chỉ bởi kiểu dáng chắc chắn mà còn phong phú hình thức, thương hiệu và phân khúc sản phẩm. Đều đặn giữ vững thành tích bán hàng nhưng gần đây, các mô hình cổ điển không còn được ưa chuộng và cơn sốt màn hình cảm ứng cũng gây ảnh hưởng lớn đến phương pháp thiết kế dế cưng.
Thành công rực rỡ với dòng máy E-series, giờ đây Nokia lại phải tìm kiếm thêm đối trọng cân bằng, khi mà yếu tố mẫu mã cơ bản bị đánh bật bởi xu hướng ít nút bấm hơn và màn hình rộng rãi hơn.
4. Màn hình cảm ứng
Bức tranh di động toàn cầu đang được tô điểm rực rỡ bằng những chú dế cảm ứng thời thượng. Tuổi đời còn trẻ và cũng chỉ "hot" vài năm gần đây, vẻ đẹp màn hình cảm ứng luôn làm lóa mắt người tiêu dùng. Đồng thời, công nghệ tiên tiến và đa dạng tính năng cho phép phân khúc này có thể phát huy tối đa sức mạnh giải trí đa phương tiện.
Nổi lên khoảng 2004 nhưng chẳng có dấu ấn nào đáng kể, đại diện tiêu biểu như siêu điện thoại Sony Erisson dòng P hay Motorola A1000 nhanh chóng chìm vào quên lãng. Sau đấy, thị trường thiết bị đầu cuối vẫn loay hoay tìm kiếm phong cách hợp mốt và chỉ đến cột mốc đáng nhớ 2007, khi Apple lên sóng cục cưng iPhone đầu tiên, làng dế cảm ứng thực sự chuyển mình và làm mưa làm gió như giờ í!
Vẫn đang dẫn đầu thị trường điện thoại nói chung, Nokia lại đang phải vật lộn để bắt kịp các chuẩn màn hình cảm ứng mới. Ngoài ra, phân khúc bình dân trở thành miếng mồi béo bở cho các nhà sản xuất khai thác, khởi sắc nhất hiện là LG Cookie và Samsung Corby.
5. Trọng lượng
Chắc hẳn teen mình sẽ rất bất ngờ, bởi lẽ trọng lượng trung bình của một chiếc di động gần như không thay đổi suốt 10 năm qua. Mobile thiết lập cao cấp vào thời điểm 5 năm trước thường lớn gấp đôi sản phẩm tương tự bây giờ, nhưng đấy không phải điều nhà sản xuất mong muốn. Những chú dế càng ngày càng hiện đại, đồng thời cũng nhỏ và mỏng hơn nữa.
Bên cạnh mấy “cục gạch” to vật, rất nhiều mô hình mini từng được người dùng mến mộ và nổi tiếng trong thời gian dài, đơn cử như Siemens SL55, Ericsson T66, Panasonic GD55, Panasonic G50… Hãy nhìn vào bao nhiêu tấm gương dế “hot” ngày nay, thật khó để hy vọng một cuộc cách mạng trọng lượng diễn ra trong tương lai gần.
6. Chiều dày
Tại một trường hợp khác, biểu đồ chiều dày khác hoàn toàn với trọng lượng, cho thấy xu hướng “mỏng hóa” rõ ràng nhất. Phiên bản Motorola RAZR là mô hình đầu tiên hưởng ứng trào lưu này. Cho đến những năm gần đây, xu hướng “ăn kiêng” ngày càng rầm rồ và được tất cả các nhà sản xuất hưởng ứng nhiệt liệt. Ngon lành nhất phải kể đến chuẩn mực dưới 10 mm mà hàng khủng iPhone 4 và Samsung Glaxy S đang chiếm giữ.
7. Kích thước màn hình, camera
Nhờ kỹ thuật hiện đại, màn hình mobile trên đà cơi nới rộng rãi và tăng chất lượng độ phân giải. Smartphone đang phổ biến kích thước 3.5 inch và một vài tên tuổi mạnh dạn giới thiệu model rộng đến 5 inch. Nhưng có lẽ, nhiều kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong tương lai không xa, bởi lẽ thiết bị lớn hỗ trợ lướt net thật tuyệt vời.
Chào đời năm 2002, Nokia 7650 chứng minh một chiếc điện thoại cũng có thể chụp hình chẳng kém ai. Một năm sau đó, hơn nửa số di động ra lò được trang bị camera và đến giờ thì gần như tuyệt đối. Tâm điểm ống kính góc rộng đang thúc đẩy tính năng ảnh ọt mở rộng, hô biến dế cưng thành một thiết bị hội tụ xuất sắc.
Theo PLXH