Cạnh tranh smartphone "nóng" cả toà án
Không chỉ "nóng" trên thị trường, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh còn lan vào cả trong phòng xử án. Số vụ kiện tụng liên quan đến smartphone nhằm bảo vệ sản phẩm và 'dìm hàng' đối thủ ngày càng gia tăng.
Trong một thị trường cạnh tranh như smartphone, kiện tụng là “điều khó tránh khỏi”.
Một loạt các vụ kiện tụng bản quyền liên quan đến mọi vấn đề của chiếc smartphone, từ cách người dùng lướt màn hình cảm ứng như thế nào, đến phương pháp kéo dài tuổi thọ pin của một chiếc điện thoại ra sao, đã được các nhà sản xuất vin vào để kéo nhau ra toà. Nokia đang kiện Apple, Apple đang kiện HTC, Microsoft đang kiện Motorola...
“Trong ngành hàng điện tử tiêu dùng, để thu lãi, các công ty phải rất sáng tạo”, Bruce Sunstein, một luật sư bảo vệ bản quyền tại hãng Sunstein Kann Murphy & Timbers ở Boston (Mỹ), nói. Các nhà sản xuất không chỉ đưa ra những tính năng sáng tạo, mà còn phải chịu trách nhiệm về công nghệ đằng sau các tính năng này.
Tuy vậy, người tiêu dùng không cần phải lo lắng về việc mua hay sử dụng bất cứ tính năng nào của điện thoại. Họ chỉ việc mua về và sử dụng. Các vụ kiện bản quyền kéo dài hàng tháng, hoặc hàng năm trời – có khi còn kéo dài lâu hơn cả tuổi đời của những mẫu điện thoại này. Và các vụ kiện tụng thường được giải quyết bằng các thương vụ mua bán giấy phép.
Và cuối cùng là, chẳng có công ty nào thắng cả. Thay vào đó, kết quả chỉ quyết định lợi nhuận thu về của các nhà sản xuất là bao nhiêu.
Smartphone đã mang về cho các hãng sản xuất bộn tiền. Hãng nghiên cứu IDC dự đoán doanh số smartphone toàn cầu năm 2010 là 270 triệu chiếc, tăng 55% so với năm ngoái.
Một “lợi ích” của các vụ kiện bản quyền là có thể khiến đối thủ sao nhãng hoạt động marketing hoặc khiến sản phẩm trở nên kém hấp dẫn hơn khi gia nhập thị trường.
Sau đây là những vụ kiện tụng đình đám giữa các 'đại gia' smartphone:
- Mới nhất là vụ ngày 17/12, Nokia đệ đơn kiện Apple ở Anh, Đức và Hà Lan. Thực ra, vụ kiện này tiếp theo các vụ kiện trong năm 2009 của Nokia chống lại Apple tại Mỹ, và sau đó cuối năm 2009, Apple lại đâm đơn kiện Nokia. Vấn đề mà hai bên kiện nhau là về công nghệ màn hình cảm ứng và gian hàng ứng dụng cài sẵn trong máy để tải các chương trình cập nhật.
- Vào tháng 10, Microsoft kiện Motorola về những mẫu điện thoại của Motorola chạy phần mềm Android. Microsoft cho rằng sản phẩm của Motorola đã sử dụng công nghệ của Microsoft trong việc đồng bộ hoá email, lịch và danh bạ, cùng những cái khác. Motorola “trả đũa” bằng một vụ kiện Microsoft vào tháng 11, với những tuyên bố liên quan đến máy tính và phần mềm máy chủ, và hệ thống video game Xbox.
- Apple và hãng HTC cũng đang kiện lẫn nhau. Apple nói hãng sở hữu bản quyền cách màn hình cảm ứng nhận biết được hơn 1 ngón tay của người dùng, cho phép người dùng phóng to hay thu nhỏ hình ảnh, nội dung bằng cách miết ngón tay ra hoặc vào trên màn hình. Còn HTC lại nói Apple vi phạm công nghệ bản quyền giúp kéo dài tuổi thọ pin.
Các nhà phân tích cho rằng trong một thị trường cạnh tranh như smartphone, kiện tụng, dàn xếp tranh chấp là “điều khó tránh khỏi”. Điều đó không ngăn cản các công ty đầu tư thời gian, tiền bạc và các sản phẩm mới, và những hoạt động moi móc để kiện tụng lẫn nhau. Và trong khi các luật sư xử lý vụ kiện, các công ty phần mềm và smartphone tiếp tục xây dựng những sản phẩm mới, bổ sung các tính năng mới và cập nhật phần mềm mới, mang lại cho người tieu dùng nhiều lựa chọn hơn.
Theo Phapluat