Dế yêu: Kẻ làm thay đổi lối sống của nhân loại
Dế mà chẳng phải là dế. Đó là một sản phẩm của công nghệ cao, tích hợp nhiều chức năng, gắn bó bạn với gia đình, bạn bè, xã hội và thế giới.
Dế làm thay đổi cuộc sống của mỗi người. Với nó, chúng ta làm việc, giao lưu, giải trí. Thiếu nó, nhiều người cảm thấy mình hụt hẫng, mất tự tin, dường như mình trở nên cô đơn, bị tách rời khỏi thế giới này.
Giả sử như ở nước ta 30 năm về trước, có ai kể lại đang đi đường ở Hà Nội, bỗng nghe được lời người thân ở đâu đó tận Cà Mau báo một tin gì đó, thì chắc mọi người bĩu môi, bảo bịa hoặc sẽ nghĩ giữa hai người có “thần giao cách cảm”. Bởi xưa nay, theo truyền thuyết chỉ Đức Phật Thích Ca có “thiên lý nhĩ” (tai ngàn dặm) mới có cái khả năng thần kỳ ấy. Nay, cậu học sinh lớp một không những chẳng lạ mà còn có thể làm việc này một cách thành thạo. Cái “thiên lý nhĩ’ ấy là chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ), còn gọi là điện thoại cầm tay, là mô-bai, và các cô cậu học sinh gọi một cách thân thương là … Dế.
Dế - một chiếc máy “n trong 1” ứng dụng
Dế là một sản phảm tuyệt vời của công nghệ cao. Nhỏ bé thế thôi, nhưng Dế chứa trong mình không biết bao nhiêu trí tuệ của nhân loại. Dế đồng thời là chiếc điện thoại (tất nhiên rồi) vừa là chiếc máy ảnh, máy quay phim, máy thu thanh, máy phát sóng, máy ghi âm, máy nhắn tin, máy tính, máy thanh toán và chuyển tiền tự động (một chức năng mới đang được giới thiệu trên truyền hình), máy chơi game, máy xem phim, máy nghe nhạc, máy dẫn đường, chiếc ví điện tử quản lý việc chi tiêu, cô thư ký ghi công việc hàng ngày và nhắc nhở sếp khi sắp đến thời gian cần làm một việc gì đó… và trong tương lai chẳng hiểu còn là cái máy gì nữa. Thôi thì cứ gọi đơn giản, nó là cái máy “n trong 1”, nhưng mấy ai đã biết hết và “bóc lột” đến tận cùng các chức năng của vật bất ly thân này.
Chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên ra đời vào năm 1973 và người sáng chế ra nó là Martin Cooper, lúc đó đang là Tổng giám đốc Hệ thống viễn thông của Motorola. Vào những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, Motorola và Bell Labs (của AT&T) là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong việc nghiên cứu chế tạo điện thoại di động cầm tay, mà lúc đầu chỉ với mục đích trang bị cho cảnh sát (có người lại bảo do sự đặt hàng của bọn buôn lậu ma túy quốc tế). Trước khi về đầu quân cho Motorola thì Martin Cooper làm việc cho một công ty viễn thông nhỏ và trước đó nữa ông đã có 4 năm phục vụ trong binh chủng hải quân Mỹ.
Năm 1954, khi được Motorola tuyển dụng, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu các sản phẩm di động.
Motorola Dyna-tac - chú dế đầu tiên trên thế giới
Con “Dế tổ” này quả là một chú “khủng long” thứ thiệt với kích thước to như cục gạch, nặng tới gần 1 kg. Ngày 3/4/1973, đứng trên một con phố ở New Yor, Martin Cooper đã thực hiện một cuộc gọi thử bằng đứa con đầu lòng của mình cho Joel Engel – giám đốc của Bell Labs – đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Motorola: “Joel à, tôi đang gọi cho anh từ chiếc điện thoại di động cầm tay đấy”. Theo lời Martin kể thì ở đầu dây kia Joel đã tức tối nghiến răng kèn kẹt.
Martin Cooper và chiếc điện thoại di động Motorola Dyna-Tac
Còn Martin Cooper bây giờ đã 80 tuổi. Ông đang là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ArrayComn – một công ty chuyên phát triển phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ di động.
Từ ngày ấy, các nhà điện tử họ lao vào một cuộc cách mạng sôi động của ngành viễn thông để ngày nay đã biến chiếc ĐTDĐ thành “bạn” của trên 3,8 tỷ người trên toàn thế giới.
Dế là một trong những “thiết bị sinh hoạt” phức tạp nhất mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Nếu tò mò “mổ phanh” Dế ra, bạn sẽ thấy những bộ phậm sau đây: một bảng mạch phức tạp là bộ não của Dế, một ăng-ten, một màn hình tinh thể lỏng, một bàn phím, một micrôphôn, một cục pin. Bảng mạch gồm hệ thống các con chip nhỏ li ti, hoạt động trên những nguyên lý hết sức phức tạp của kỹ thuật số và điện tử học. Tất cả những linh kiện kỳ diệu trên, nếu 30 năm trước phải chiếm cả một tầng của một tòa nhà lớn thì nay nằm gọn trong lòng bàn tay bạn.
Các G là sao?
Thêm một chức năng là phải bổ sung biết bao nhiêu lý thuyết, biết bao nhiêu linh kiện nhỏ xíu. Và đó là công việc thường xuyên của các nhà nghiên cứu để con Dế của bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Chính điều đó làm nên các thế hệ ĐTDĐ khác nhau, thế hệ sau hơn hẳn thế hệ trước mà người ta thường gọi là các “G” (Generation – thế hệ) nói lên mức “hiện đại” của Dế.
0G là thế hệ sơ khai của Dế. ĐTDĐ được cải tiến, dùng tín hiệu sóng analog, ra đời những năm 1980, gọi là Dế
1G. Đầu những năm 1990, Dế
2G xuất hiện dùng tín hiệu kỹ thuật số, có ưu điểm hơn 1G ở chỗ tăng hiệu quả kết nối các thiết bị, truyền nhiều cuộc gọi trên cùng một giải băng tần và thực hiện được các dịch vụ số liệu, khởi đầu là tin nhắn SMS, mức độ bảo mật khá cao. Ngày nay công nghệ này vẫn được sử dụng với 80% ĐTDĐ trên thế giới.
Giữa 2G và 3G có bước đệm 2,5G, thực chất là 2G có trang bị hệ thống chuyển mạch gói, bên cạnh hệ thống chuyển mạch kênh truyền thống, chuẩn bị tiến lên 3G.
3G được coi là công nghệ đương đại, với các dịch vụ đã nói trên và tăng tiến cực nhanh. Trong số gần 4 tỉ người dùng ĐTDĐ, hiện đã có 700 triệu người chuyển sang sử dụng 3D, nhưng trong thời gian chuyển sang 3G (và 3,5G), các nhà nghiên cứu đã hé lộ ĐTDĐ tương lai là 4G.
4G được định nghĩa là “thiết bị đa phương tiện di động” (mobile multimedia), sẽ nổi lên trong khoảng những năm từ 2010 đến 2015. Người ta chưa hình dung ra nó sẽ được cung cấp những dịch vụ gì, nhưng chắc chắn đó sẽ là 1 PC thu nhỏ tối đa, cộng thêm nhiều tiện ích khác để thực hiện nhiều sự thay đổi trong cuộc sống của con người.
“Tội” của dế
Chẳng nhẽ con Dế yêu toàn thiện toàn mỹ? Không đâu. Nó cũng khối tính xấu. Trước hết, đang làm một việc gì đó, léo nhéo có người gọi, đành rút Dế ra nghe. Nếu việc cần phải tập trung mà mất tập trung, có thể xảy ra tai nạn.
Theo thống kê ở Mỹ, mỗi ngày có 800.000 người nghe Dế và 1/5 số này nhắn tin khi đang lái xe. Một mối nguy hiểm tiềm năng! Chính vì thế 25% số tai nạn ô tô tại xứ này do mải mê với Dế mà xảy ra, và số tử vong năm 2008 vì nguyên nhân này tại riêng nước Mỹ đã lên đến 6.000 người/năm, trong khi cả năm 2002 chỉ là 2.000 người, cộng với 330.000 người bị chấn thương. Nếu kể toàn thế giới thì còn gấp nhiều lần. Tội của dế to vậy đấy.
LG Crystal - chú dế có bàn phím cảm ứng trong suốt
Giới trẻ sử dụng Dế ngày càng nhiều. 2/3 trẻ em ở Mỹ có Dế trong túi. Ở Nhật, 80% học sinh cấp 3 và sinh viên dùng ĐTDĐ, Anh và các nước Bắc Âu còn cao hơn. Việc nhắn tin cho nhau, “buôn dưa lê” với nhau, một thế hệ tuổi teen được gọi là “thế hệ ngón tay cái” xuất hiện kèm theo những đặc điểm của họ.
Họ cho rằng “Ngón tay cái chỉ đứng sau bộ não”. Mỗi ngày có 1 tỷ tin nhắn gửi qua ĐTDĐ thì 42% là email của giới trẻ. Vì dùng thường xuyên, ngón tay cái phát triển cơ bắp hơn, khéo léo hơn, chiếm các chức năng của ngón trỏ nên nhiều cô cậu ngón cái bị đau buốt mà các bác sĩ gọi là bệnh TMI (text message injury – bị thương do nháy máy).
Bên cạnh đó, nhiều teenager bị bệnh “nghiện ĐTDĐ”, một thứ bệnh làm “con nghiện” trở thành người mất hồn, vô cảm, ngai giao tiếp khi không có Dế bên cạnh.
Một vấn đề tranh cãi chưa ngã ngũ là tác động của ĐTDĐ đến sức khỏe. “Phe” kết án cố chứng minh Dế gây mất ngủ, đau đầu, loãng xương, giảm trí nhớ, thậm chí ung thư não do phát ra những sóng điện từ liên tục, nhất là đối với những người để Dế ở đầu giường khi ngủ (các cô các cậu đang yêu luôn bắt Dế thường trực để canh gác hộ mình kiểm soát người người yêu).
Các nhà khoa học đã kiểm tra điện thoại của hơn 200 bác sĩ và nhân viên trong một bệnh viện và nhận thấy, lượng vi khuẩn trên đó không nhỏ, hầu hết là loại đặc biệt nguy hiểm. Khoảng 1/5 vi khuẩn trú ngụ trên điện thoại của các bác sĩ có khả năng miễn dịch với kháng sinh thông thường. Thêm một “tội” nữa của Dế là phương tiện lan truyền các bệnh nhiễm trùng từ những bàn tay không sạch sẽ!
Theo Đẹp