Những điều cần biết về điện thoại Intel
Intel muốn đoạt ngôi từ ARM, điều này có ý nghĩa gì với thế hệ điện thoại kế tiếp?
Kiến trúc chip x86 của Intel sẽ sớm xuất hiện trong smartphone, hoặc ít nhất đây là điều Intel mong muốn. x86 xuất hiện vào những năm 1970 và nhanh chóng thống trị máy tính để bàn và laptop. Ngay cả Apple cũng nhận ra chống lại x86 là vô ích và nhanh chóng chuyển Mac, MacBook từ cấu trúc PowerPC của IBM sang x86 năm 2006.
Tuy nhiên, chip x86 xuất hiện trong điện thoại có mang lại điều gì khác biệt so với bộ vi xử lí mới nhất từ ARM? Liệu điện thoại x86 có nhanh hơn, pin dài hơn? Hay smartphone là thị trường quá lớn để Intel công phá?
x86 trong điện thoại dường như có mọi lợi thế về điện toán máy tính, tuy nhiên, chỉ là đối thủ nhỏ bé so với ARM. Cấu trúc CPU của ARM được tối ưu hóa cho điện năng thấp, giới hạn hoàn hảo trong smartphone và tablet. Ngược lại, sức mạnh của x86 đồng nghĩa với ngốn điện năng hơn. Tới thời điểm này, Intel chưa có gì đáp ứng được yêu cầu điện năng nhỏ bé của smartphone.
Bước đầu của Intel
Năm 2008, Intel ra mắt chip Atom đầu tiên – một loại x86 được thiết kế để tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn bất kì chip x86 nào trước đó. Trận chiến giành uy quyền tối cao trong smartphone bắt đầu từ đây.
Tới năm 2012, Intel cuối cùng cũng vén bức màn về chiếc smartphone x86 đầu tiên, sử dụng phiên bản Medfield đã cải biên của Atom. Tại Anh, mẫu điện thoại x86 đầu tiên dường như sẽ là Orange Santa Clara. Lenovo (với Lenovo K800) và Motorola cũng chuẩn bị giới thiệu các mẫu máy dùng x86.
Điểm bất lợi đầu tiên của Intel là hãng mất thêm vài năm so với dự tính để đưa chip Atom vào smartphone. Dù trong các thử nghiệm đánh giá tính năng giữa các nền tảng di động, Medfield luôn nhanh hơn iPhone 4S và Samsung Galaxy S2, vấn đề của Intel lại là các mẫu điện thoại này đều dùng CPU ARM hai nhân đời cũ. Tới thời điểm smartphone x86 thực sự cập bến, nhiều chip ARM mạnh mẽ hơn như Qualcomm Snapdragon S4 Krait đã xuất hiện và không nghi ngờ gì, cũng sẽ lấn lướt Atom. Krait không chỉ nhanh ở định dạng lõi kép, mà trong vài tác vụ còn có thể chuyển sang định dạng lõi tứ.
Trong khi đó, vài chip ARM lõi tứ đã ra mắt, như Nvidia Tegra 3 trong HTC One X. Intel hứa hẹn chip lõi kép tiếp theo Medfield, nhưng xét tới sự chậm chạp trong phiên bản lõi đơn, người ta không thể không lo lắng cho Intel.
Vấn đề hệ điều hành và đồ họa
Tin tốt là hệ điều hành Android sẽ được hỗ trợ chip x86, nhưng tin buồn hơn là các ứng dụng Android sẵn có có thể không tương thích với điện thoại Intel.
Intel cho biết khoảng 75% ứng dụng Android hiện tại sẽ hoạt động tốt. Vấn đề nằm ở 25% còn lại. Bất cứ ứng dụng nào đòi hỏi đồ họa chuyên sâu như game đều khó hoạt động.
Điểm tiếp theo là hiệu suất đồ họa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân khúc siêu di động. Khi Apple nâng cấp iPad thế hệ 3, hãng vẫn giữ nguyên CPU nhưng tăng gấp đôi hiệu suất đồ họa bằng 2 nhân GPU.
Xu hướng tương tự cũng sẽ áp dụng cho smartphone, hiệu suất đồ họa sẽ gần như quan trọng giống độ phân giải màn hình. Độ họa càng phức tạp, game càng tinh vi. Tuy nhiên, Intel không xuất sắc về đồ họa. Thực tế, Intel phải mua thiết kế đồ họa cho Medfield Atom.
Nếu Intel không mang tới bất cứ thứ gì đặc biệt, hãng không thể cung cấp hiệu suất đồ họa tốt hơn các bộ vi xử lí smartphone khác.
Quy trình sản xuất tiên tiến
Vẫn còn lí do để nghĩ Intel có khả năng “làm nên chuyện”. Intel làm tốt hơn tất cả các đối thủ khác ở khâu sản xuất chip máy tính. Hãng có quy trình sản xuất tiên tiến nhất và tạo ra các bóng bán dẫn nhỏ nhất.
Hiện tại, dù chưa sản xuất Atom trên quy trình 22nm, Intel cho biết khi quy trình 14nm chính thức đi vào hoạt động năm 2014, Atom sẽ hưởng lợi đầu tiên. Nếu điều đó xảy ra, Intel có khả năng nén thêm nhiều CPU và lõi đồ họa, tăng tốc xung nhịp, kéo dài dung lượng pin vượt xa các đối thủ hoặc cho phép sản xuất smartphone mỏng chưa từng có.
Rất có thể, trong vài năm tới, mẫu smartphone pin dài hơi với cấu tạo mỏng manh bạn cầm trên tay sẽ sử dụng chip Intel bên trong.
Theo ICTnews