Kinh nghiệm săn lùng điện thoại cũ
Một số kinh nghiệm sau đây sẽ giúp người tiêu dùng phần nào thỏa mãn nhu cầu mua dế cũ với giá rẻ và chất lượng…
Rẻ là tiêu chí hàng đầu để người tiêu dùng tìm đến những dòng điện thoại cũ. Nhìn chung, giá của một chiếc điện thoại cũ không cố định, phụ thuộc nhiều vào khả năng “làm giá” của người bán và sự am hiểu của người mua. Khi mua điện thoại cũ, người tiêu dùng nên tiến hành một số bước kiểm tra các bộ phận, so sánh các tem trên phiếu bảo hành và máy, so số Imei, tem dán còn nguyên hay không… để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng bị “luộc”.
Kiểm tra màn hình, camera: Để màn hình hơi nghiêng và lấy tay ấn nhẹ, nhận biết các điểm màu có bị vỡ không. Đối với một số máy điện thoại có chức năng camera, người tiêu dùng có thể bật chế độ camera và bịt tay vào ống kính để kiểm tra màn hình và camera có bị rạn, xước... Lưu ý, độ sáng của màn hình nếu ở chế độ bình thường mà sáng quá hay tối quá đều không tốt.
Kiểm tra phím bấm: Thử tất các các phím xem có bị kẹt hay liệt phím nào không.
So sánh Imei trong máy (bằng lệnh *#06#) và Imei được in trên vỏ máy bằng cách mở nắp sau, tháo pin ra xem những số đó có trùng không.
Mỗi thương hiệu di động thường có một số mã số bí mật nhất định, giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin máy. Khi mua máy cũ, khách hàng có thể xem qua chức năng này.
Kiểm tra độ sắc nét của ốc vít: Mở vỏ mặt trước của máy ra để kiểm tra các ốc vít trên board cả bàn phím. Nếu máy còn “zin”, cạnh trong của các con ốc đều rất sắc nét và không có vết xước.
Kiểm tra pin: Khách hàng nên tháo pin ra, đặt trên mặt bàn phẳng xem pin có bị cong hay lồi không. Cả hai trường hợp trên đều chứng tỏ pin sắp hỏng. Đồng thời, có thể sạc pin trong khoảng 10-15 phút để kiểm tra tốc độ sạc và nhiệt độ. Pin nóng nhanh hay sạc mà không thấy lên đều là hiện tượng xấu, có thể yêu cầu thay pin khác.
Theo tư vấn của những người có kinh nghiệm về điện thoại, mặt sau pin có dòng chữ “Made in China” có chất lượng tốt hơn. Các loại pin khác như “Made in Japan” phần lớn là hàng có nguồn gốc không rõ ràng và chất lượng cũng chỉ bình thường.
Kiểm tra nguồn, sóng và loa của máy: Bạn kiểm tra bằng cách gọi điện trong khoảng hơn một phút để nghe, nói có rõ, có bị rè hay không. Bạn làm như vậy cũng là để kiểm tra xem máy có bị sụt nguồn đột ngột hay mất sóng giữa chừng không.
Kiểm tra chế độ rung của điện thoại khi nhận tin nhắn và nhận cuộc gọi. Một số máy có chuông nhưng không rung, không gửi được tin nhắn hoặc khi rung bị tắt nguồn…
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, người mua nên đến chỗ quen biết hoặc những cửa hàng uy tín, xuất hiện thời gian dài trên thị trường. Đồng thời, khách hàng cần đòi hỏi thời gian bảo hành cho điện thoại từ một tháng trở lên để xác định tương đối về chất lượng sản phẩm.
Mã số của một vài loại điện thoại
Máy Nokia:
* Mã xem phiên bản phần mềm: *#0000#.
* Mã để kiểm tra thông tin máy (bao gồm số Imei, ngày sản xuất điện thoại, ngày sửa chữa cuối cùng): *#92702689#.
* Mã khôi phục lại cài đặt mặc định của nhà sản xuất: *#7780#. Một số máy Nokia cho phép lưu trữ các thông tin cá nhân một cách bí mật (wallet) được bảo vệ bằng mật khẩu (wallet code). Nếu quên wallet code, bạn vẫn có thể xóa toàn bộ dữ liệu lưu trữ thông qua phím: *#7370925538#.
Máy Samsung:
* Mã kiểm tra Imei: *#06#
* Mã kiểm tra phiên bản phần mềm: *#9999#.
* Mã thử chế độ rung: *#9998*842#.
* Mã kiểm tra thông số hoạt động của pin: *#9998 *228#.
* Mã chuyển menu về tiếng Anh: *#0001# và bấm SEND.
Máy Sony Ericsson:
* Mã kiểm tra Imei: *#06#
* Để kiểm tra phiên bản phần mềm, bỏ simcard rồi bấm: *#7353273#.
Máy Motorola:
* Mã kiểm tra Imei: *#06#
Máy Ericsson:
* Mã kiểm tra Imei: *#06#
Mã bảo vệ mặc định của các loại máy:
Khi máy bị khóa và yêu cầu nhập mã bảo vệ, nếu không thay đổi user codem, bạn hãy thử nhập các số user code mặc định, gồm: Nokia: 12345; Motorola: 1234; Samsung: 0000; Ericsson: 0000; Siemens: 0000.
Theo Thanhnien