HotelHoangMinh
New Member
Nội dung số cho di động khó “phát” vì nhà mạng
Nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung số cho di động đang khốn khổ vì tỷ lệ ăn chia với nhà mạng quá thấp. Ảnh minh họa.
Theo nhiều chuyên gia tại hội nghị Viễn thông quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày 19 và 20/5/2010, đây cũng chính là một trong những rào cản khiến cho thị trường nội dung số cho thiết bị di động tại Việt Nam phát triển “èo uột”.
Nhà mạng thâu tóm 80% lợi nhuận
Theo ông Kenny Mathers – Giám đốc Phát triển quan hệ Châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Diễn đàn phát triển Nokia): Đối với một ứng dụng cho ĐTDĐ được bán ra tại thị trường Nhật Bản, trong khi lợi nhuận dành cho nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông chỉ là 8% thì tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này lại chênh lệch quá lớn: “Nhà mạng” được hưởng tới 60 - 80%.
“Thực tế này chắc chắn sẽ tạo môi trường khó khăn cho các nhà phát triển nội dung tại Việt Nam, làm kìm hãm sự phát triển của họ. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có kinh nghiệm gia công phần mềm, game cho nước ngoài. Tôi không nghi ngờ về năng lực của cộng đồng viết phần mềm Việt Nam, nhưng do lợi nhuận thu được từ việc bán ứng dụng còn hạn chế, bản thân doanh nghiệp sẽ không tự tin để phát triển”, ông Kenny Mathers nhận định.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đến từ Nokia, Maxis (Malaysia), GAPIT… cũng chung nhận định: Nếu các doanh nghiệp phát triển nội dung cho ĐTDĐ tại Việt Nam vẫn mãi “cám cảnh” như vậy, thì rõ ràng trong tương lai, công nghiệp nội dung số cho ĐTDĐ của Việt Nam khó có cơ hội phát triển mạnh. Ông Navin Nathan – Giám đốc phát triển Kho ứng dụng của Maxis (Malaysia) khẳng định: “Nhà cung cấp dịch vụ nội dung và nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông tại Việt Nam cần sớm ngồi lại để đưa ra tỷ lệ “ăn chia” hợp lý, để từ cơ sở đó thực sự kích thích phát triển của các đơn vị tham gia vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung di động”.
Việt Nam – thị trường tiềm năng
Dựa trên những nghiên cứu của GAPIT tại Việt Nam, ông John Shirley – Tổng Giám đốc công ty Truyền thông GAPIT cho biết: Hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều nhóm hoặc công ty nhỏ có từ 5 – 7 thành viên đang tham gia vào công việc viết nội dung số, họ hoàn toàn có thể tạo ra 6 – 7 ứng dụng cho ĐTDĐ trong một năm và đem lại doanh thu trung bình từ 200.000 USD. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ trở thành thị trường rất tiềm năng tại Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, đáng lưu ý là nhu cầu tải ứng dụng, game… cho thiết bị di động của người dùng tại Việt Nam hiện nay cũng đang rất lớn. Theo báo cáo điều tra thị trường của Nokia công bố tại hội nghị, liên tục từ tháng 2/2010 cho tới nay, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Indonesia… luôn nằm trong Top 10 quốc gia tải ứng dụng từ Ovi Store của Nokia nhiều nhất, với 35% lượt tải là ứng dụng tiện ích (như dự báo thời tiết, chuyển đổi tỷ giá…), 14% là các ứng dụng giúp kết nối với mạng xã hội như Facebook, Yahoo…, còn lại là ứng dụng giải trí như game, hình nền, nhạc chuông…
Chính vì vậy, nhằm khai thác lợi thế này ngay trên “sân nhà”, các nhà cung cấp nội dung cho thiết bị di động tại Việt Nam cần khai thác và đưa ra dịch vụ độc đáo để hút khách hàng với xu thế hiện nay là ứng dụng mang lại độ tiện dụng cao (như ứng dụng cho phép thiết bị di động kết nối với mạng xã hội Facebook, Yahoo… đang rất “ăn khách”)
Cơ hội mới: kinh doanh “vượt biên”
Theo ông Kenny Mathers, ngay tại Phần Lan - quê hương của hãng điện thoại Nokia nổi danh toàn cầu, dân số cũng chỉ có khoảng 4,8 triệu người. “Nếu chỉ phát triển tại quốc gia này thì cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp nội dung số cho ĐTDĐ rất khó phát triển. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp tại Phần Lan thông qua việc hợp tác với các “kho” nội dung số của các doanh nghiệp nước ngoài đã có thể hiện thực hoá việc kinh doanh “xuyên quốc gia”. “Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cần nghĩ tới vấn đề này”, ông Kenny Mathers nhấn mạnh.
Hiện nay Ovi Store – “kho” nội dung di động của Nokia đã có mặt tại 180 quốc gia trên thế giới, hỗ trợ 31 ngôn ngữ bản địa, đồng thời phân loại ứng dụng phù hợp với từng quốc gia. Hiện Ovi Store cho phép các cá nhân, nhà cung cấp nội dung có thể dễ dàng cùng hợp tác “làm ăn” thông qua việc tự giới thiệu ứng dụng lên Ovi Store để bán ra thị trường toàn cầu. Cụ thể hơn, sau khi các nhà cung cấp dịch vụ nội dung đưa ứng dụng lên Ovi Store (bằng cách tự đăng nhập với tài khoản miễn phí), đội ngũ thẩm định của Ovi Store sẽ tiếp nhận và đưa ra câu trả lời “ứng dụng có được hợp tác hay không” chỉ trong 1 ngày. Và nếu được tiếp hận, sau khi làm các thủ tục liên quan để xác định tỷ lệ “ăn chia”, thủ tục pháp lý.., chậm nhất là sau 8 ngày ứng dụng sẽ có mặt trên “giá” bán hàng (trước đây phải mất tới 30 ngày).
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, có nhiều doanh nghiệp nhỏ đã tham gia cùng với Ovi Store và họ đã có cơ hội phát triển. Như Shazam – một doanh nghiệp phát triển nội dung nhỏ tại Anh, chỉ với ứng dụng “Nhận diện bài hát” đã nhanh chóng có hơn 1 triệu lượt tải với khách hàng tại 200 quốc gia chỉ trong vài tuần đầu tiên ra mắt, mà không phải mất kinh phí thuê hay lập hệ thống kinh doanh, hoặc phải “chật vật” cạnh tranh trong nước.
Theo ICTnews