NgocVNPT
New Member
“Chợ trời” Lý Nam Đế
Chỉ gói gọn trong không gian 2 quán cà phê nhỏ ở chung cư Lý Thường Kiệt (P.6, Q.11, Tp.HCM), “chợ trời” ĐTDĐ Lý Nam Đế có gần 100 “gian hàng” với người mua kẻ bán hết sức tấp nập.
Hình thành sau hai khu “chợ” điện thoại nổi tiếng là Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) và Hùng Vương (Q.5), quy mô lại nhỏ hơn rất nhiều nhưng “chợ trời” Lý Nam Đế (nằm trên đường Lý Nam Đế, P.6, Q.11) tập trung rất đông người giao dịch.
Chợ Lý Nam Đế lúc nào cũng tấp lập người buôn bán
Chưa đủ chỗ, người bán còn trải bạt ra phần vỉa hè xung quanh 2 quán và đổ hàng ra bán. “Chợ” bắt đầu từ khoảng 10 giờ sáng và kết thúc lúc gần 2 giờ chiều, có khi trễ hơn nhưng rất ít người bán. Tại đây, người bán cứ tùy ý chọn chỗ ngồi, gọi một ly nước và vô tư bày hàng ra bán, không phải đóng thêm một khoản phí nào khác, xe cộ đã có nhân viên giữ xe phía ngoài.
Còn người mua, họ có thể tùy tiện ra vào, săm soi mọi “quầy hàng” cho đến khi chọn được món hàng ưng ý. Từ đầu tới cuối “chợ” chỉ mất vài bước chân như thế nhưng ở đây đông đúc hơn bất kì “chợ trời” nào khác, và sự phức tạp của nó cũng khiến nhiều người non tay phải rùng mình!
Ra “chợ” phải mặc “áo giáp”
Có 3 nguyên tắc khi đi “chợ” mà người đàn ông thân hình hộ pháp vui vẻ, giữ xe cho quán G.P, hào sảng nói với tôi: ra “chợ” phải mặc “áo giáp”, đứng lên phải xem chỗ ngồi, và để mắt khi trộn vào đám đông. Nguyên tắc thứ nhất, phải trang bị cho mình một “bộ giáp” cứng cáp, để tránh bị “đâm”, nghĩa là phải trang bị rất tốt về kinh nghiệm, về tuổi nghề, về mọi thứ nói chung để không bị lừa, bị mua phải hàng dởm, hàng dạt của những tay gian thương.
Thứ hai, một khi bạn đã rời khỏi chỗ ngồi trong quán, thì xem như bạn mất chỗ, ngay lập tức sẽ có người chờ sẵn để ngồi vào, lập ra một “gian hàng” mới. Cuối cùng, khi nhập vào một đám đông để xem máy, bạn cần cẩn thận đề phòng những kẻ chuyên hành nghề “hai ngón”, nghề của những tay đạo tặc thượng thừa. Như vậy, “chợ trời” Lý Nam Đế không phải là nơi để những tay mơ buôn bán.
Ngày đầu ra “chợ”, tôi sà vào một quầy hàng nhỏ phía đối diện với quán G.P. Chủ hàng là một người đàn ông người Hoa trung niên, luôn cởi trần với một hình xăm nơi cánh tay trái. Hàng được phân thành 2 loại, những chiếc điện thoại còn hoạt động được để trên một vali gỗ mở sẵn, còn nhưng chiếc kia không còn hoạt động (gọi là “xác”) được đặt lung tung trong một… cái rổ để dưới đất.
Quán cafe là nơi mọi để mọi
người giao dịch
Chỉ khi tôi ngồi vào và săm soi chiếc O2 X1 thì nhiều người khác mới ùa đến. Một cậu đánh giày người Campuchia dẫn theo 1 đám nhóc ăn xin cũng đến, chỉ vào chiếc Motorola V3i ngỏ ý muốn mua. Người đàn ông phải chỉ dẫn tận tình các thao tác như dạy trẻ mẫu giáo học chữ, cuối cùng cậu nhỏ lắc đầu với cái giá 1,3 triệu VND rồi bỏ đi. Ông chủ nổi cáu: “Mẹ nó, tụi Miên này, mất mấy ngàn tiền gọi qua gọi lại”.người giao dịch
Khi tôi vừa để chiếc O2 X1 xuống thì lập tức có người cầm lên xem. Ông chủ xởi lởi cầm chiếc thẻ bảo hành của… Nokia 1200 lên và bảo: “Đó, máy mới tinh, còn thẻ bảo hành đến năm 2009 nè!”. Người thanh niên dáng vẻ quê mùa, hết nhìn thẻ bảo hành đến nhìn chiếc O2 X1 vẻ ngạc nhiên, lúc đó ông chủ mới cười lớn: “Lộn, cái thẻ bảo hành là của cái này”, rồi ông đưa chiếc Nokia 1200 ra với vẻ hối lỗi (!?).
“Ngọa hổ tàng long”
Phải gọi đúng “chợ” Lý Nam Đế là “nghĩa địa”, bởi hầu hết máy ở đây đều là “xác”, những máy còn “sống” thì chỉ có thợ mới dám mua, người non kinh nghiệm khó tránh khỏi bị “đâm”. Người đồng hành với tôi, người đã có thâm niên khá “dày” khi bôn ba ở đây nói rằng, chợ này là chốn “ngọa hổ tàng long”. Chỉ có những tay cự phách mới trụ được nơi này.
Mấy ngày đến đây, tôi đều gặp một người trên 30 tuổi, đầu hói, đeo một sợi dây chuyền vàng to và nặng trước ngực, dáng vẻ sang trọng luôn ngồi ở quán 0... Người này tên A., trước đây từng bám trụ “chợ” này, nay đã khấm khá và mở được một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5).
A. thường đến đây tìm nguồn hàng để đem về bán ở cửa hàng mình. Một người khác là Ngh., trạc 50 tuổi, ăn mặc lịch sự và có dáng vẻ nghệ sĩ, là người chơi điện thoại Motorola cổ có tiếng ở đây. Ông luôn có nguồn hàng và linh kiện loại này rất dồi dào. Và ít ai biết rằng, đằng sau chiếc sơ mi trắng của ông là một hình xăm chiếm gần hết lồng ngực! Anh bạn cùng đi còn kể ra hàng loạt nhưng tên khác như M. nhỏ, M. lớn, Đ,…là những người có thâm niên ở “chợ” này.
Tôi tận mắt chứng kiến một “cao thủ” ra tay làm mới một chiếc điện thoại ngay tại quán G.P. Đó là một chiếc Nokia nắp gập không lên màn hình, được mua với giá rẻ mạt của ông chủ hàng người Hoa bên kia đường. Sau nửa tiếng hì hục với bộ đồ nghề, người thanh niên đã cho ra một chiếc Nokia mới toanh còn nguyên miếng nilon bảo vệ màn hình chưa gỡ ra! “Sản phẩm” ngay lập tức được để lên bàn để tìm chủ mới!
Trong nhiều đống máy “sống” - “chết” như thế, và phải đối diện với những người bán lõi đời, chỉ những người mua sành sỏi và biết nghề mới dám phiêu lưu. Trên tay đa số người mua ở đây đều có dụng cụ sẵn sàng để mở máy ngay khi có thể. Họ còn trang bị thêm một “cục kẹp”, là một thiết bị cấp nguồn tự chế để mua những máy không có pin.
Những người này sẵn sàng mua những chiếc máy đã hư hỏng rất nặng như bể màn hình, nắp gập bị gãy làm đôi, hay cả những bo mạch của những chiếc Nokia 3310 đời cũ. Có khoảng 80% người đến chợ này là “lái” (người mua về bán lại), và nguồn hàng họ mua được ở đây luôn ở mức giá rẻ mạt, có những món không thể tìm ở bất kì đâu ngoài các “chợ trời”.
Ngoài việc ám chỉ những “cao thủ” trong nghề thường tụ họp tại đây, anh bạn cùng đi còn ngụ ý khi nói “ngọa hổ tàng long” rằng: còn có những người muốn rũ bụi giang hồ, về đây với chút vốn liếng tu chí làm ăn.
“Chợ chạy”!
Với một địa điểm nhỏ như thế này người bán có thể bày bán những sản phẩm "rác"
Như anh bạn tôi vừa lựa được một lô 3 chiếc sạc cốc cho dòng máy cũ 88xx của Nokia với giá 30 ngàn thì ngay lập tức có người trả giá 20 ngàn VND/chiếc.
Khoảng hơn 11 giờ trưa, một cụ già tầm 60 tuổi chạy xe đạp đến, tay mang một bịch nilon chứa đầy xác điện thoại. Đám đông lại ùa đến, kẻ lựa người mua nhộn nhịp. Khi có người trả giá thấp, cụ già ngay lập tức giật lại máy mà không nói một lời.
Trong đám đông, một người đàn ông to tiếng: “Lần trước ông bán cho tui “con” Siemens M75 là mô hình, chỉ xài được có cái bàn phím”, nói rồi người này móc từ giỏ ra một bộ phím điện thoại: “90 ngàn bỏ ra để mua cái này đây hả!?”.
Người đàn ông lại to tiếng và bắt người bán phải bán rẻ cho mình một món khác để bù vào chiếc kia, cụ già sau vài giây lưỡng lự đành chấp nhận phương án đó. Có rất nhiều người buôn bán theo kiểu cụ già này, không đi xe đạp thì đi bộ. Hễ thấy bất kì ai cầm điện thoại trong tay là sẽ có người hỏi, thậm chí chiếc đồng hồ đang đeo cũng có người ngoắc lại hỏi giá.
Với sự đông đúc và tập trung nhiều thành phần xã hội như thế, chuyện mất cắp hay gây sự là khó có thể tránh. Người viết cũng chứng kiến cảnh một người đàn ông dáng kham khổ, xách theo chiếc cặp da rách bươm nghẹn giọng phân bua với mọi người khi chiếc xe đạp vừa để đó đã mất.
Lúc này, người giữ xe vạm vỡ, vui vẻ lúc nãy mới hắng giọng: “Có đúng là để xe đó không vậy? Nhớ cho kĩ à”. Tuy nhiên, dù thế nào, người ta cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì cả trăm chiếc xe đậu phía ngoài quán không chiếc nào có thẻ giữ xe!
Có thể nói, “chợ” Lý Nam Đế là một trong những “bãi rác” điện thoại rất lớn và người ta có thể tìm thấy hầu như bất kì thứ “rác” gì ở đây. Và chuyện tự phát những khu chợ như vậy cũng không phải khó giải thích, bởi có cầu tất có cung. Tuy nhiên, khi tham gia vào những nơi “lành ít dữ nhiều” như vậy, người ta không thể dám chắc rằng, một lúc nào đó mình có thể bị đâm, dù nghĩa bóng hay nghĩa đen, hay không.
(Theo Mobilenet)