10 điểm nhấn của làng di động 2011
Năm qua, làng di động thế giới chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của Apple nhưng bên cạnh đó là sự thái trào của các thương hiệu Nokia, RIM.
Ngoài ra không kể đến sự hợp tác mang tính bước ngoặt của Nokia và Microsoft cùng sự ra đời của những nền tảng mới. Dưới đây là 10 điểm nhấn tiêu biểu của làng điện thoại năm 2011 theo đánh giá của Cnet.
Liên kết Nokia - Microsoft
Liên kết là một nỗ lực tự cứu lấy mình của "cựu vương" Nokia. Ảnh: Tipb.
Từ đầu năm 2011, hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã tuyên bố sẽ hợp tác với tham vọng sẽ trở thành một thế lực thực sự để cạnh tranh với Apple và Google. Thậm chí vào cuối tháng 6, Nokia còn quyết định sẽ "toàn tâm toàn ý" phát triển điện thoại Windows Phone, từ bỏ "đứa con" Meego thân yêu sau nhiều năm phát triển.
N9 là smartphone Meego cuối cùng, trong khi bản sao về phần cứng Lumia 800 chạy hệ điều hành Windows Phone 7.
Bản nâng cấp 7.1 của Windows Phone
Mango mang "đa nhiệm" đến với Windows Phone. Ảnh: Chiphazard.
Hệ điều hành chủ lực của Microsoft trên nền tảng di động được chính thức "lên đời" 7.1 với tên mã Mango vào cuối tháng 5 với 500 cải tiến đáng chú ý. Trong số đó, cần kể đến khả năng đa nhiệm, tích hợp mạng xã hội, sử dụng nhiều hòm thư và cả Internet Explorer 9.
Tới đây, hãng công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục "trình làng" phiên bản tiếp theo mang tên Tango đầy hứa hẹn.
Thương vụ Google - Motorola
Google tránh được nhiều vụ kiện bản quyền nhờ Motorola. Ảnh: Zatnofunny.
Quyết định mua lại mảng di động của Motorola chính thức được "gã khổng lồ" tiết lộ vào giữa tháng 8 và gây chấn động cả thị trường tài chính lần công nghệ.
Đây được xem là một nước cờ khôn ngoan của tân giám đốc điều hành Larry Page khi tránh được hàng loạt các vụ kiện tụng từ những đối thủ cạnh tranh nhờ danh sách bằng sáng chế rất ấn tượng của Motorola, hơn nữa "gã khổng lồ tìm kiếm" vẫn tận dụng được một bộ phận chế tạo thiết bị di động cho những kế hoạch sắp tới.
HTC "thao túng" Beats Electronics
Sensation XE là thành quả nổi bật của liên kết HTC-Beats. Ảnh: Tuaw.
Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, HTC đã tuyên bố bỏ ra 500 triệu USD để mua lại 51% cổ phần của công ty chuyên về âm thanh di động này. Theo một điều khoản trong hợp đồng, Beats sẽ không được hợp tác với bất cứ nhà sản xuất smartphone nào khác ngoại trừ công ty Đài Loan.
Thực tế, sự hợp tác này đã đem lại thành quả cụ thể khi hai mẫu điện thoại HTC Sensation XL và Sensation XE tích hợp âm thanh Beats đã được đánh giá cao cả trên các phương tiện truyền thông và doanh số.
Sự "bành trướng" của triều đại "dual core"
Evo 3D là đại diện tiêu biểu của cả công nghệ hai nhân và 3D. Ảnh: HTC.
Chỉ mới cuối năm 2010, bộ xử lý 1GHz dường như là một quy chuẩn chung đối với các dòng điện thoại hi-end. Tuy vậy, trong năm 2011, sau "phát súng" mở đầu của Optimus 2X là sự "trỗi dậy" mạnh mẽ của các sản phẩm 2 nhân tốc độ 1,2GHz. Hai nhân thực sự là một tiêu chuẩn mới cho các smartphone hàng đầu.
Công nghệ 3D phổ biến hơn
Khi 3D đã phát triển mạnh mẽ ở các màn hình TV lớn, sẽ chỉ là vấn đề thời gian để công nghệ tiềm năng này chiếm vị trí không thể thiếu trên các smartphone đầu bảng.
Thực tế năm nay đã xuất hiện nhiều mẫu điện thoại 3D nổi bật, cóthể kể đến LG Optimus 3D, HTC Evo 3D, hay smartphone nội địa Nhật Bản Lynx 3D SH-03C.
RIM điêu đứng ngay tại đất Mỹ, chuyển hướng sang châu Á
RIM gặp sóng gió trong năm 2011. Ảnh: Netpeace.
Giá một cổ phiếu RIM đầu tháng 6 đóng cửa ở mức 41,35 USD, thấp nhất kể từ 2006. Ngay tại thị trường lớn nhất của mình, hãng điện thoại Mỹ chỉ còn 23% người dùng trung thành với Blackberry. Đây là kết quả một quá trình suy giảm liên tục mà nguyên nhân hàng đầu được cho là không tận dụng được thời cơ Nokia mất thị phần khi chuyển sang Windows Phone 7, thêm nữa là sự mất định hướng trên các sản phẩm mới.
Tuy nhiên, động thái chuyển hướng thị trường sang châu Á của Research In Motion đã phát huy được hiệu quả. Theo đó, RIM đang dành sự ưu ái cho người dùng khu vực này, đơn cử là việc sẽ đưa mẫu smartphone mới nhất trong dòng Bold danh tiếng 9790 đến đảo quốc Indonesia đầu tiên kết hợp khuyến mại giảm giá và tạo được cơn sốt ở thị trường này.
Điện thoại dành riêng cho Facebook
HTC ChaCha có phím riêng cho Facebook. Ảnh: Tuấn Anh.
Sự ra đời của các điện thoại này đánh dấu những bước "lấn sân" của mạng xã hội lớn nhất thế giới vào thị trường di động. Điển hình có hai chiếc smartphone HTC Salsa và ChaCha, Samsung Corby II hay Motorola Motokey Social.
Bên cạnh đó, gần đây còn xuất hiện thông tin Facebook đang hợp tác sản xuất smartphone cùng HTC, tương tự như bản hợp đồng dòng Nexus của Google với Samsung.
iOS phiên bản thứ 5
iOS 5 tối ưu hóa công nghệ điện toán đám mây. Ảnh: Apple.
Apple tiếp tục đưa ra những sự cải tiến đáng giá trên hệ điều hành mới nhất của mình, nổi bật là hỗ trợ điện toán đám mây hoàn chỉnh, hệ thống thông báo Notification Center, dịch vụ iMessage và iMessage tích hợp.
"Người trợ lý" Siri cũng là một điểm nhấn của iOS 5, nhưng chỉ xuất hiện trên iPhone 4S, chiếc smartphone không được thiết kế lại hoàn toàn như kì vọng của người hâm mộ, nhưng ít nhất cũng có thêm camera 8 "chấm" và một bộ xử lý hai nhân.
Android 4.0 Ice Cream Sandwich
Chiếc Galaxy Nexus lần đầu chính thức cho người dùng trải nghiệm Android 4.0. Ảnh: Tuấn Anh.
Xuất hiện chính thức trên chiếc điện thoại Google, Galaxy Nexus là một bản mẫu cho người dùng tận mắt thấy được rõ nét nhiều tính năng nổi bật của hệ điều hành mới từ "gã khổng lồ". Trong đó có ứng dụng mở khóa bằng hình ảnh, hoặc "People app" tối ưu hóa danh bạ, tin nhắn, mail cũng như các mạng xã hội.
Các hãng điện thoại Android lớn đều đã có lộ trình nâng cấp lên phiên bản 4.0 cho các smartphone hàng đầu của mình, muộn nhất là vào giữa năm sau.
Theo Sohoa