Giá ĐTDĐ lên xuống theo 'vàng, đô'
Giá vàng và USD tạo sóng dữ dội trong những tuần qua khiến thị trường ĐTDĐ Việt Nam lần thứ 2 trong năm 2009 gặp cơn nguy biến, nhiều DN lao đao...
Các đơn vị bán lẻ vẫn cố gắng giảm giá một số model để kích cầu
Giữa năm 2008, khi giá USD tăng đã kéo theo giá bán của một số mặt hàng kỹ thuật số cá nhân tăng đáng kể, trong đó có điện thoại di động (ĐTDĐ). Điều này đã tạo nên một cơn khủng hoảng trong ngành kinh doanh này. Nhờ nhiều biện pháp, thị trường đã bắt đầu bình ổn trở lại, mặc dù vẫn còn trầm lắng. Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, một lần nữa thị trường ĐTDĐ lại gặp cơn nguy biến khi giá USD đột ngột tăng cao.
Chịu lỗ để giữ khách
Là mặt hàng 100% nhập khẩu, giá bán của ĐTDĐ và các linh phụ kiện ĐTDĐ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tỉ giá USD giao dịch. Với việc giá USD đang không ngừng lên xuống đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường di động. Hiện nay, giá USD tại thị trường tự do có nơi lên đến 19.000 - 19.200đ/USD - mức cao nhất trong năm nay đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh ĐTDĐ choáng váng.
Một đại diện của FPT - nhà phân phối ĐTDĐ lớn nhất hiện nay cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị trường có vẻ bình ổn. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần khi giá USD đột nhiên tăng mạnh đã khiến công ty lao đao và có nguy cơ lỗ vốn do giá nhập tăng cao”.
Một nhà bán lẻ ĐTDĐ cho biết, giá USD hiện nay đang ở mức trên 19.000đ/USD, tăng 5% so với tuần trước đó, và tăng nhiều hơn so với các tháng qua. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường đang có chiều hướng giảm nên các nhà phân phối và bán lẻ không dám tăng giá bán. Thậm chí, vẫn phải giảm giá một số model để kích cầu. "Chúng tôi chấp nhận chịu lỗ một thời gian để giữ khách hàng”, đại diện của chuỗi cửa hàng Thế giới di động nói.
Trước tình hình trên, hầu hết các đơn vị phân phối và bán lẻ đều đang rất hạn chế việc nhập số lượng lớn trong thời gian này. Để hạn chế việc tồn hàng, lỗ vốn nếu giá USD đột ngột giảm nên các cửa hàng xách tay cũng rất hạn chế nhập hàng. Có nhiều mẫu có giá cao, khách hàng đặt hàng, các cửa hàng mới nhập. Một số cửa hàng không nhập thêm các mẫu mới giá cao, mà vẫn tiếp tục bán những mẫu cũ, đã được khách hàng biết đến và có doanh số bán ổn định.
Việc hàng xách tay lên xuống theo giá USD trong vòng một tuần, một ngày, thậm chí một tiếng đồng hồ là bình thường. Bởi lẽ những mặt hàng này không được trợ giá từ các hãng sản xuất, các nhà phân phối như hàng chính hãng. Ngoài ra, số lượng nhập mỗi lần của hàng xách tay ít, do đó, khó có lượng hàng tồn kho để có thể giảm giá. Đây là nguyên nhân khiến giá bán của hàng xách tay luôn trong tình trạng phập phồng theo giá USD.
Giá bán nhiều model đang “hot” như iPhone, HTC Hero, HTC Snap, Sony Ericsson Satio,… đều có khuynh hướng tăng 5 - 20%. Không chỉ các đơn vị phân phối, kinh doanh ĐTDĐ gặp khó khăn khi giá USD tăng mà ngay cả các ngành dịch vụ kèm theo cũng chịu chung số phận.
Có thể nói, giá USD tăng đang là nỗi lo lắng của tất cả các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị số nói chung và ĐTDĐ nói riêng.
Linh phụ kiện cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi giá USD
Ngồi chờ... tỷ giá giảm
Tình hình diễn biến của giá vàng và USD hiện nay diễn ra khá phức tạp và khó dự đoán. Theo một số chuyên viên trong lĩnh vực tài chính thì giá USD sẽ khó có khả năng khôi phục lại như mức ban đầu dù nhà nước đã có nhiều biện pháp điều chỉnh. Mặc dù giá USD niêm yết tại các ngân hàng chỉ khoảng 17,8 - 17,9 ngàn đồng/USD nhưng hầu như không đủ lượng USD cung cấp cho thị trường. Trong khi cuối năm, nhu cầu nhập hàng của các đơn vị khá lớn. Chính vì vậy, khả năng tỉ giá USD giảm không nhiều.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan trước tình hình hiện nay. Anh Triều Mai Nguyên (chủ hệ thống Mai Nguyên Luxury, TP.HCM) cho biết: “Tình hình giá USD tăng ảnh hưởng khá lớn đến giá bán của các dòng điện thoại cao cấp bởi giá nhập của các sản phẩm này khá cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình hình này sẽ nhanh chóng qua đi bởi giá USD dường như có chiều hướng giảm xuống”.
Theo thống kê, hiện nay, thị trường ĐTDĐ đang có chiều hướng giảm từ 20% - 30% và chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo dự đoán, mùa mua sắm năm nay sẽ đến trễ, khoảng tháng 1 dương lịch. Từ đây cho đến lúc đó là thời điểm các đơn vị nhập và trữ hàng nhưng có lẽ trong tình hình này số lượng hàng nhập sẽ bị hạn chế đáng kể.
Có thể thấy, tình hình hiện nay khá giống với tình cảnh lúc diễn ra khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã đẩy nhiều đơn vị trong ngành kinh doanh thiết bị số đến bờ vực phá sản. Đồng thời, khiến thị trường giảm sút đáng kể. Nếu nhà nước và các đơn vị không có sự điều chỉnh nào có lẽ thị trường ĐTDĐ vốn đã ảm đạm sẽ càng ảm đạm thêm.
Theo eCHIP M