Phải đặt cọc tiền để triển khai 3G
Khi đã nhận được giấy phép 3G, các doanh nghiệp di động phải đặt cọc tiền nhằm đảm bảo điều kiện phủ sóng theo quy định.
Ngày 22/5/2008, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "3G và những cơ hội cho Việt Nam", với sự tham gia và thảo luận sôi nổi của lãnh đạo Bộ TT&TT, các mạng di động, các nhà tư vấn, sản xuất thiết bị và khai thác đến từ nước ngoài.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, việc cấp phép 3G có 2 hình thức: thi tuyển và đấu giá. Với hoàn cảnh Việt Nam, các DN hiện nay đều là DNNN nếu Nhà nước tổ chức đấu giá tức là Nhà nước lại lấy tiền của chính mình. Như vậy, sẽ làm tăng chi phí về giấy phép, ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Bộ TT&TT lựa chọn phương thức thi tuyển.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng việc thi tuyển phải đảm bảo công khai, minh bạch. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho rằng, chỉ cấp phép 3G cho những nhà cung cấp có giấy phép 2G. Như vậy, cơ hội chia đều cho các doanh nghiệp và Bộ sẽ không phân biệt CDMA hay GSM.
Trả lời về vấn đề làm sao để tránh việc cấp phép 3G rồi nhưng các mạng di động không triển khai, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói Bộ sẽ có biện pháp giảm bớt tính không xác định của lời hứa bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp đặt cọc một khoản tiền nhằm đảm bảo việc thực hiện lời hứa. Nếu các doanh nghiệp có sai phạm hoặc không làm đúng cam kết khi thi tuyển sẽ bị phạt, trừ vào tiền đặt cọc.
Mạng 3G sẽ thành công trên cơ sở mạng 2G
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, khi một mạng 2G tiến lên 3G thì giá thành đầu tư sẽ tiết kiệm được khoảng 60%. Hơn nữa, khách hàng sử dụng mạng 3G thường là khách hàng đã sử dụng mạng 2G vì đây là những khách hàng giàu có, rất hiếm và hầu như là không có khách hàng nào không qua sử dụng mạng 2G mà chuyển thẳng sử dụng mạng 3G.
Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho rằng, thông thường, các nước cấp phép 3G cho nhà khai thác 2G để từ đó phát triển lên vì trong thời gian đầu dịch vụ 3G rất ít khách hàng. Thị trường 3G sẽ dần thay thế cho 2G, như vậy nhà khai thác phải có thời gian quá độ mà vẫn đạt doanh thu. Theo hướng đi này, mạng 3G sẽ có sơ sở hạ tầng tốt, cơ sở dữ liệu khách hàng mạnh và thị phần lớn. 3G là dịch vụ cao cấp hỗ trợ cho mạng 2G, khi 3G phát triển sẽ có chính sách quay lại hỗ trợ cho khách hàng 2G và các thuê bao di động Việt Nam được hưởng lợi từ giấy phép 3G nhanh nhất. Nếu mạng di động 2G còn ít khách hàng hay chưa triển khai sẽ rất khó có cơ hội để phát triển tốt dịch vụ 3G vì mất rất nhiều thời gian để thu hút khách hàng và không có lợi thế giảm giá nên dễ thất bại. Ông Lê Ngọc Minh còn cho rằng, nếu cấp phép 3G không tốt sẽ gây ra nhiều hậu quả.
Tại buổi tọa đàm, đại diện France Telecom cho rằng, một nhà cung cấp khai thác mạng 2G có nhiều cơ hội thành công khi khai thác 3G bởi họ tiết kiệm được cả vốn đầu tư lẫn nhân lực và sẽ tiết kiệm được tới 30% chi phí. Hơn nữa, việc triển khai 3G không chỉ thành công về mạng vô tuyến mà phải đảm bảo đồng bộ cả về mạng và thiết bị đầu cuối. Còn đại diện Qualcomm cho rằng, hiện trên thế giới Hutchison đã triển khai thành công mạng 3G mà không qua 2G. Qualcomm cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công khi triển khai 3G là phải có thiết bị đầu cuối. Tính đến thời điểm tháng 3/2008, đã có hơn 800 các loại thiết bị đầu cuối của hơn 100 nhà cung cấp cho mạng 3G và phạm vi phục vụ của thiết bị đầu cuối rất phổ cập.
Mạng nhỏ sẽ gắng sức thi tuyển
Trả lời tại buổi tọa đàm về liệu những mạng di động nhỏ có lo ngại khi thi tuyển 3G, ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho rằng, hạ tầng của EVN Telecom không thua kém các mạng lớn ở Việt Nam với 30.000 trạm phát sóng, nhưng các thiết bị đầu cuối lại gặp khó khăn. "EVN Telecom ra đời chậm nhất, được cấp tần số thấp không phải của di động, nên khá thiệt thòi. Việc lựa chọn công nghệ ảnh hưởng nhiều đến thành công của các doanh nghiệp. Nhu cầu băng tần 3G của doanh nghiệp lớn, song tài nguyên tần số chỉ đủ chia cho 4 mạng di động. Vì vậy, cần phải xác định đúng đối tượng được cấp phép để đem lại hiệu quả cao. Hiện EVN Telecom vẫn có nhiều cơ hội để giành được giấy phép, nhưng phải gắng sức rất nhiều", ông Nguyễn Mạnh Bằng nói.
Còn ông Tôn Minh Thông, Phó tổng giám đốc SPT cho rằng, SPT luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia thi tuyển. Doanh nghiệp nào chứng minh được phương án của mình là tốt thì sẽ được cấp phép. "Thực ra, S-Fone đã sử dụng công nghệ CDMA 2000 1X EV-DO tương đương với 3G, triển khai dịch vụ Mobile TV được khách hàng chấp nhận. SPT vẫn tham gia thi tuyển mặc dù gặp khó khăn ở thiết bị đầu cuối… SPT sẽ cố gắng bằng mọi cách giành được giấy phép. Tất nhiên, chúng tôi sẽ có những phương án khả thi chứng minh cho Bộ về khả năng của mình song không thể tiết lộ được" ,ông Tôn Minh Thông nói.
(Theo Thái Khang - ICTNews)