Windows Phone 7 'rớt' giá mạnh ở VN
Sau chưa đến một năm có mặt trên thị trường, những chiếc Windows Phone 7 đã mất nửa giá, kể cả hàng xách tay lẫn chính hãng.
Optimus 7 mất nửa giá trên cả thị trường xách tay lẫn chính hãng. Ảnh: Quốc Huy.
Cuối tháng 10 năm ngoái, chiếc Windows Phone 7 đầu tiên là HTC Trophy có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua đường xách tay, máy có giá gần 15 triệu đồng. Tiếp đó, Mozart, HD7 và các thiết bị từ Samsung, LG như Omnia 7, Optimus 7 cũng lần lượt có mặt, mức giá nằm trong từ trên 13 đến 15 triệu đồng.
So với Android hay các nền tảng khác, Windows Phone không được các nhà sản xuất ưu tiên, chỉ có HTC HD7 và LG Optimus 7 là được bán trên các cửa hàng chính hãng, còn lại đều thông qua nhóm xách tay.
Hiện mẫu Windows Phone 7 có giá cao nhất là HTC HD7, máy chính hãng gần 11 triệu, trong khi hàng xách tay chỉ còn 7,7 triệu đồng, giảm nửa giá so với mức 15 triệu khi thiết bị đầu tiên về Việt Nam cuối năm ngoái. Trong khi đó, các thiết bị còn lại đã lui về ngưỡng dưới 7 triệu đồng, Trophy còn 6,2 triệu, Mozart là 6,7 triệu, mẫu Windows Phone của Samsung chỉ còn 6,2 triệu. Đặc biệt, LG đã giảm mạnh chiếc Optimus 7 trên nhóm chính hãng còn 6,5 triệu, đuổi kịp giá bán hàng xách tay.
Ra mắt tháng 10 năm ngoái, smartphone chạy Windows Phone 7 được Microsoft quy định phần cứng khá chặt chẽ, vi xử lý 1GHz, camera trên 5 Megapixel và mạnh mẽ các tính năng giải trí. Ở mức hiện nay, dòng smartphone này là những thiết bị 1GHz có giá thấp nhất.
Sự yếu kém về ứng dụng làm Windows Phone không có khách hàng. Ảnh: Quốc Huy.
"Thiếu hụt về ứng dụng tại thời điểm ra mắt và việc hỗ trợ cho người dùng Việt không tốt làm cho Windows Phone 7 không được lòng người dùng trong nước", Anh Hải Phong, lập trình viên một công ty phần mềm cho di động tại Phú Nhuận, TP HCM nhận xét.
Theo anh Phong, lúc có mặt ở Việt Nam, Trophy hay HD7 chỉ có vài nghìn phần mềm, nhưng phần lớn là trả tiền, mà Microsoft lại không hỗ trợ người dùng Việt mua. Bên cạnh đó, "sự trống trải khi cầm một chiếc Windows Phone 7 như không gõ được tiếng Việt, các tùy chỉnh hạn chế" đã làm cho hệ điều hành này nhanh chóng mất khách.
Nhiều năm dùng Windows Mobile trước khi chuyển sang Android, sự có mặt của Windows Phone 7 được Ngọc Long (quận 1, TP HCM) chờ đợi. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, nền tảng mới của Microsoft quá đóng làm cho anh Long nhanh chóng thất vọng, "không có lý do gì để bỏ một chiếc Android quá mở, dễ tùy chỉnh, ứng dụng nhiều sang mua một chiếc Windows Phone 7 gọi là smartphone là không hơn điện thoại cơ bản là bao", anh nói.
Sau nửa năm xuất hiện, Windows Phone đã bắt đầu được giới kỹ thuật mở khóa, nhiều phần mềm tiếng Việt bên ngoài có thể cài vào. Tuy nhiên, HD7, Trophy, Omnia 7 dù có cấu hình tốt, vẫn chưa nhận sự quan tâm của người mua smartphone.
Những lý do trên làm cho máy nhanh chóng mất giá và chỉ một một nửa so với thời điểm xuất hiện tại Việt Nam. Một chủ bán di động trên đường Trần Quang Khải cho biết, so với Android, Symbian..., Windows Phone 7 mất giá nhanh nhất, nhiều cửa hàng phải hạ nhanh đẩy đi và không nhập về thiết bị mới.
Microsoft vừa tung ra bản cập nhật mang tên Mango, phiên bản mới được kỳ vọng sẽ có những thay đổi lớn hơn. Theo anh Phong, nếu Microsoft mở cửa kho ứng dụng và nền tảng của mình, linh hoạt hơn trong thanh toán, mua ứng dụng, cài phần mềm, đặc biệt hỗ trợ ngôn ngữ, bàn phím tiếng Việt, nền tảng này có thể có chỗ đứng trông cộng đồng smartphone Việt Nam. "Sự tham gia của Nokia cuối năm nay có thể khiến Windows Phone sẽ tạo sự chú ý hơn", anh Phong nhận định.
Theo Sohoa