Top giao diện di động đẹp mắt
Màn hình cảm ứng của iPhone, Omnia hay HTC Touch đều trở nên long lanh, tiện dụng thông qua các giao diện được nhà sản xuất thửa riêng.
Cùng với hệ điều hành, giao diện của điện thoại cảm ứng là một trong những trang bị rất được chú ý. Apple và HTC là hai tên tuổi có những bước đi đầu tiên mang lại diện mạo mới cho điện thoại màn hình cảm ứng, trong đó, iPhone đặt nền móng bởi giao diện hết sức đơn giản nhưng đẹp mắt. Sự thành công của model này đã lôi kéo được Samsung, LG...
Dưới đây là những giao diện đẹp nhất.
iPhone
iPhone cho phép đi vào các ứng dụng đơn giản. Ảnh: Apple.
Thành công ban đầu của iPhone không phải là kho ứng dụng với vô vàn phần mềm, mà là giao diện.
Cách bố trí các icon của máy rất đơn giản, bên dưới là 4 biểu tượng chính, các ứng dụng được sắp xếp theo hình ô vuông, 16 chương trình một trang, trải dài từ trái sang phải. Người dùng dễ dàng đưa ngón tay, đi vào các chương trình, tiện tích bên trong thông qua màn hình chạm 3,5 inch, cảm ứng đa điểm.
HTC TouchFLO
TouchFLO với một dãy các icon bên dưới. Ảnh: HTC.
HTC đã kịp tung Touch đời đầu trước khi iPhone ra mắt, model với thiết kế nhỏ gọn, đặc biệt bộ mặt của Windows Mobile đã được làm lại bằng TouchFLO. Năm ngoái, thế hệ giao diện thứ hai TouchFLO 3D cũng được hãng giới thiệu trên Touch Diamond, Pro, ứng dụng này tiếp tục xuất hiện trên các model đời 2009 như Diamond 2, Pro 2.
TouchFLO được xem là một ứng dụng, cho phép lựa chọn đi vào các chương trình thay vì màn hình Home của Windows Mobile nhàm chán. Một dãy các biểu tượng được bố trí bên dưới, có thể lấy ngón tay, trượt qua và chọn chương trình đi vào rất đơn giản.
Cùng với TouchFLO, HTC cũng trình làng giao diện Sense thông qua Hero, chiếc di động chạy hệ điều hành Android, cách đi vào các ứng dụng trên Sense khá giống với các model dòng Touch, tuy nhiên, khả năng tùy chọn, chọn lựa tốt hơn.
Samsung TouchWiz
TouchWiz trên Samsung Omnia II. Ảnh: Samsung.
So với các phần mềm giao diện khác, TouchWiz của Samsung được xem là giao diện đa năng nhất, có thể cài lên từ các model không hệ điều hành (Jet, F480), smartphone chạy Symbian (Omnia HD) hay Windows Mobile (Omnia, Omnia II).
So với phiên bản đời đầu xuất hiện năm ngoái, TouchWiz 2.0 được Samsung trình làng năm nay còn lanh lanh hơn và nhiều widget hơn. TouchWiz với một thành bar nằm bên trái màn hình, cho phép ẩn hiện, người dùng dễ dàng gắp, kéo thả các chương trình thả ra màn hình chỉnh để sử dụng.
LG S-Class
S-Class trên điện thoại LG với các icon bố trí giống iPhone. Ảnh: LG.
S-Class được giới thiệu lần đầu tiên trên LG Arena, công bố đầu năm nay. Cách bố trí các icon trên Menu của phần mềm này khá giống với iPhone, nhưng người dùng có nhiều lựa chọn đi vào ứng dụng hơn.
Ngoài ra, một hình cầu 3D xoay tròn cho phép chọn lựa các menu giải trí, quản lý khác nhau. S-Class cũng khá đa năng khi xuất hiện trên nhiều điện thoại LG từ PDA phone đến di động không hệ điều hành, thiên về giải trí.
Nokia S60 phiên bản 5
N97 cho phép đưa các widget ra ngoài. Ảnh: Nokia.
Nokia không phải là tên tuổi mới trên thị trường smartphone, tuy nhiên là hãng tham gia khá muộn vào việc giới thiệu điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Symbian S60 cảm ứng.
Giao diện S60 phiên bản 5 được giới thiệu lần đầu tiên trên 5800 XpressMusic và sau đó là N97, 5530 XpressMusic hay 5230. Đặc biệt, N97 cho phép đưa các widget ra màn hình, một loạt shortcut như Ovi, danh bạ cũng tùy chọn xuất hiện. Tuy nhiên, màn hình của S60 cảm ứng chưa nhất quán và chuyên nghiệp.
Sony Ericsson X-Panel
X-Panel lần đầu tiên xuất hiện trên Xperia X1. Ảnh: Sony Ericsson.
X-Panel đẹp, long lanh, tuy nhiên, chương trình này mới chỉ xuất hiện trên một model duy nhất là Sony Ericsson Xperia X1. Ứng dụng chạy trên hệ điều hành Windows Mobile với các tấm màn hình nhỏ, người dùng có thể chạm tay, đi vào ứng dụng nhanh chóng.
Ngoài ra, từ hệ điều hành Windows Mobile, Sony Ericsson cũng làm mới bằng các icon nhỏ, chi tiết nhưng đẹp, các ứng dụng long lanh. Tất cả hội tụ trong một chiếc PDA phone với thiết kế gọn gàng, thời trang.
Theo Sohoa