Hàng khủng Olympus SP-565UZ
SP-565UZ là mẫu máy ảnh siêu zoom đời mới nhất của Olympus, gây ấn tượng với vẻ bề ngoài nhỏ gọn, dù được trang bị ống kính có zoom quang học lên tới 20x. Tuy nhiên, chất lượng ảnh và tốc độ hoạt động của chiếc máy này chưa đáp ứng được sự kỳ vọng.
Olympus SP-565UZ có thân hình vuông vắn, nhỏ gọn, được thiết kế theo phong cách cổ điển. Ảnh:
Olympus.
So với các thế hệ máy ảnh siêu zoom ra đời trước, SP-565UZ được Olympus thiết kế theo phong cách của
SP-560UZ, tức là sở hữu thân hình vuông vắn, cổ điển chứ không phá cách như
SP-570UZ. Vỏ máy được làm từ nhựa cứng màu đen tuyền, vừa mang đến dáng vẻ "pro", vừa làm cho các phím bấm màu bạc trở nên nổi bật, dễ sử dụng hơn. Hầu hết các phím bấm đều được đắp nổi và phản ứng khá nhạy trước các thao tác của người dùng.
Như đã nói ở trên, ngoại hình nhỏ gọn là một trong những điểm đáng ngợi khen nhất ở mẫu máy này, tuy nhiên, nắp đậy ống kính được thiết kế rời, chỉ có thể tháo ra lắp vào theo kiểu cơ học lại là một bất tiện lớn. Mặc dù biết rằng chi tiết này mang đến cho người dùng cảm giác như đang sử dụng một mẫu máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng nếu được thiết kế theo kiểu pop-up, tức là tự động bật ra nếu chẳng may quên chưa mở ống kính trước khi bật máy, thì sẽ thuận tiện hơn.
Ống kính của máy có góc chụp rộng 26mm và zoom quang học 20x, có khả năng chụp rộng, chụp xa đều tốt. Ảnh:
Olympus.
Mặc dù sở hữu thân hình gọn gàng hơn nhưng SP-565UZ vẫn được Olympus trang bị đầy đủ các tính năng cao cấp như SP-570UZ, chỉ khác là màn hình LCD có kích thước đường chéo nhỏ hơn (2,5" so với 2,7").
Ống kính của SP-565UZ có dải tiêu cự 26-520 mm, tương đương với mức zoom quang 20x, khẩu độ f2,8-4,5. Về lý thuyết, ống kính của chiếc máy này chụp rộng và chụp xa đều tốt, nhưng ảnh thu được trên thực tế lại không được như mong đợi.
Olympus SP-565UZ hỗ trợ cả định dạng ảnh RAW, bên cạnh định dạng JPEG tiêu chuẩn. Máy sử dụng bốn cục pin AA giống như hầu hết những model siêu zoom khác. Công nghệ nhận diện khuôn mặt tích hợp trong chiếc máy này có thể phát hiện cùng lúc tới 16 khuôn mặt có trong khung hình.
Những tay máy nghiệp dư có thể tha hồ lựa chọn chế độ chụp phù hợp trong tổng cộng 30 chế độ mặc định được cài sẵn trong máy. Bên cạnh đó, Olympus cũng trang bị cho SP-565UZ chế độ chụp thủ công để đáp ứng nhu cầu của những tay máy kinh nghiệm. Giải pháp lưu trữ mà chiếc máy này sử dụng vẫn là thẻ nhớ xD-Picture quen thuộc với thương hiệu máy ảnh Olympus, nhưng không được phổ biến bằng định dạng microSD.
Màn hình của máy rộng 2,5 inch. Ảnh:
Olympus.
Trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ thấy rất ấn tượng với cơ cấu trượt ra nhẹ nhàng, êm ru của ống kính.
Tuy nhiên, khi chụp thử một vài bức ảnh rồi xem lại trên máy tính, không ít người sẽ cảm thấy thất vọng về chất lượng ảnh mà chiếc ống kính này mang lại. Ngay cả khi chưa sử dụng zoom, mới chỉ chụp ở góc rộng nhất của ống kính, ảnh đã xuất hiện các méo dạng hình răng cưa ở mép. Mặc dù đây là một điểm yếu cố hữu của những dòng máy siêu zoom, nhưng vấn đề mà chiếc máy ảnh Olympus này gặp phải khá trầm trọng.
Ngoài vấn đề về các chi tiết bị méo trong ảnh, SP-565UZ còn mắc phải nhược điểm ở khả năng phơi sáng trong chế độ chụp tự động. Giống như
Canon PowerShot SX10 IS, những bức ảnh chụp trong chế độ tự động ở chiếc máy này thường phơi sáng không chuẩn. Bù lại, khả năng kiểm soát nhiễu của SP-565UZ lại khá tốt, ảnh chỉ bị hỏng khi chụp ở mức ISO trên 1.600. Bên cạnh đó, màu sắc cũng được xử lý khá đẹp, dẫu vẫn xuất hiện các tua diềm giống như trong những bức ảnh chụp bằng SP-570UZ.
Tóm lại, Olympus SP-565UZ là một mẫu máy ảnh siêu zoom hấp dẫn về ngoại hình và tính năng, nhưng chưa được xuất sắc lắm ở khả năng hoạt động và chất lượng ảnh. Nếu khắc phục được lỗi ở ống kính gây ra các méo dạng răng cưa trong ảnh, chắc chắn đây sẽ là một sự lựa chọn khó bỏ qua trong phân khúc máy ảnh siêu zoom 20x.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, Olympus SP-565UZ chưa có hàng chính hãng. Hàng xách tay đang được bán với giá từ 400 đến 450 USD.
Ưu điểm:
- Nhỏ, nhẹ hơn so với các máy ảnh siêu zoom khác
- Được trang bị nhiều chế độ chụp mặc định
Nhược điểm:
- Ảnh chụp được có nhiều chi tiết bị méo và có tua diềm bao quanh
(theo SoHoa)