"Gieo quẻ" cho chiến lược Microsoft Live Search thời hậu Micro-hoo
Sau khi thương vụ thâu tóm Yahoo đổ vỡ, giờ đây Microsoft lại phải đối mặt với bài toán muôn thuở: làm thế nào để biến MSN và nhóm dịch vụ Live thành ra "sát thủ Google".
Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft và Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo. Nguồn:
AP
Trước ngày 1/2/2008, Microsoft chắc mẩm rằng việc mua lại Yahoo sẽ giúp lượng truy cập vào các trang web và dịch vụ trực tuyến của hãng gia tăng đột biến, chóng vánh.
Kế hoạch C - có hay không?
Thế nhưng sự cứng đầu của Yahoo đã khiến Giám đốc điều hành Steve Ballmer bực tức và mất hết kiên nhẫn.
Ballmer đã quyết định xoay lưng đi thẳng và dồn sức cho một những sự lựa chọn khác khả thi hơn, hợp lý hơn.
Vấn đề là suốt từ hôm Chủ nhật (ngày mà Ballmer chính thức rút lại lời đề nghị mua lại Yahoo) tới giờ, Microsoft hầu như rất kín tiếng về cái gọi là "Kế hoạch C" của hãng.
Trong tình thế đó, giới phân tích buộc phải dựa vào những manh mối nhỏ nhặt, vụn vặt trong tay để đoán già đoán non xem cái đầu "ít tóc" của Ballmer đang ấp ủ ý định gì.
Nhiều người không ngần ngại nói thẳng: Họ không nghĩ Microsoft còn có sự lựa chọn nào khác. Một số khác thận trọng hơn khi hoài nghi việc Microsoft có thể "tự mình tiến lên phía trước, đơn thương và độc mã".
Ngay cả mục tiêu của "Kế hoạch C" cũng không rõ ràng. Người thì cho rằng Microsoft buộc phải tăng lưu lượng tìm kiếm để thu hút dòng tiền quảng cáo.
Người lại tin Microsoft sẽ nhường thị trường lại cho Google để dồn sức tìm kiếm "hạnh phúc nơi khác", chẳng hạn như quảng cáo di động và quảng cáo ảnh động.
Điều duy nhất rõ ràng là Microsoft phải nhanh chóng đưa ra được kế hoạch C, sau khi thừa nhận công khai rằng Kế hoạch A (về việc tự mình làm lấy) đã thất bại, buộc hãng phải chuyển sang kế hoạch B là mua lại Yahoo (cũng thất bại nốt).
Còn gì để theo đuổi?
Thật khó cho giới phân tích khi phải dự đoán nước cờ tiếp theo của Microsoft sẽ là gì, bởi dường như những sách lược dễ thấy, hiển nhiên đều đã được áp dụng.
Đầu tiên là việc xây dựng nền tảng quảng cáo tìm kiếm riêng từ con số 0, và sau đó là chi tới 6 tỷ USD để thâu tóm hãng quảng cáo trực tuyến aQuantive.
Microsoft đã tích cực cải tổ, tân trang công nghệ tìm kiếm của mình, và hầu hết giới chuyên gia đều nhất trí rằng: ít nhất thì kết quả tìm kiếm cũng tốt ngang ngửa Google.
Gã khổng lồ phần mềm thậm chí đã chỉnh sửa thiết kế của dịch vụ Live Search, làm cho nó hao hao giống với giao diện đối thủ. Các tính năng cải tiến được liên tục quảng bá, chào hàng trên những tờ tạp chí hào nhoáng, danh tiếng.
Microsoft cũng tự tin không kém về việc thuyết phục hàng trăm triệu người dùng Hotmail, Xbox Live và Windows Live Messenger hiện tại chuyển sang sử dụng công cụ tìm kiếm Live Search của hãng - thay cho Google hay Yahoo Search.
"Chúng tôi đã rất nỗ lực để xây dựng nên một chiến lược rõ ràng và tập trung", ông Kevin Johnson, Giám đốc bộ phận dịch vụ trực tuyến của Microsoft tuyên bố.
Tháng 11 năm ngoái, chính ông này đã đề ra mục tiêu tham vọng của Microsoft là thâu tóm 30% thị phần tìm kiếm tại Mỹ.
Thông tin trái ngược
Nhưng có vẻ như Johnson đã lạc quan hơi sớm. Các nỗ lực của gã khổng lồ phần mềm dường như chưa mang lại nhiều hiệu quả, bằng cớ là thị phần của Microsoft vẫn kẹt dưới ngưỡng 10%, thua xa Yahoo (22%) và nhất là Google (58%).
Vì thế, Microsoft buộc phải phản ứng bằng cách ra giá mua lại Yahoo vào ngày 1/2/2008.
Thế nhưng dự định thâu tóm Yahoo đã không diễn ra êm xuôi, ngọt ngào như mong đợi của Steve Ballmer và các cộng sự.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sau Yahoo, có thể Microsoft sẽ theo đuổi các mục tiêu khác, chẳng hạn như AOL, Salesforce.com, MySpace hoặc Facebook.
Nếu không, gã khổng lồ phần mềm sẽ phải chờ thêm vài tháng, khi kết quả kinh doanh của Yahoo không có bất cứ dấu hiệu khả quan và hồi phục nào, để ngỏ lời mua lại Yahoo lần nữa.
Bản thân các luồng thông tin cũng khá nhiễu loạn. Phát biểu tại Tokyo, Chủ tịch Bill Gates tuyên bố "Đã đến lúc Microsoft tập trung cho chiến lược độc lập của mình", và rằng hãng "sẽ không thâu tóm hay liên minh với bất cứ đối tác nào nữa".
Thế nhưng cũng trong ngày hôm ấy, tờ Wall Street Journal lại trích dẫn một nguồn tin mật cho hay Microsoft đang bí mật tán tỉnh Facebook, mạng xã hội ảo lớn thứ 2 thế giới hiện nay.
Hấp dẫn - nhưng chẳng ai biết!
Về phần mình, chỉ 2 ngày trước khi rút lại lời đề nghị mua Yahoo, Steve Ballmer đã vạch ra một kế hoạch 4 chương của Microsoft, nhằm "xây dựng một vị thế mới trên địa hạt tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội ảo và truyền thông
Internet".
Muốn vậy, trước hết Microsoft phải xuất phát từ nền móng cơ bản nhất: một cơ sở dữ liệu tìm kiếm khổng lồ, thân thiện với người dùng.
"Phải sáng tạo với tốc độ thần tốc để buộc Google phải chơi trò đuổi bắt. Phải thay đổi trải nghiệm nơi người dùng khi tìm kiếm và giao tiếp.
Cuối cùng, Microsoft bắt buộc phải mở rộng quy mô hơn nữa", Ballmer khẳng định với toàn thể nhân viên Microsoft.
Ông Danny Sullivan, Tổng biên tập website SearchEngineLand.com bình luận rằng dịch vụ Microsoft Live Search có khá nhiều tính năng mới mẻ, sáng tạo mà người dùng sẽ thấy thích thú.
Lấy thí dụ, các kết quả tìm kiếm hình ảnh sẽ lần lượt "mọc ra" trên màn hình khi người dùng cuộn (scroll) chuột, mà không cần phải click vào trang kết quả tiếp theo.
Ngay khi người dùng di chuột qua, các thumbnail (hình ảnh thu nhỏ) của kết quả tìm kiếm video sẽ tự động chạy mà không cần bất cứ thao tác nào khác.
Chưa hết, Microsoft cũng đã khai trương tính năng tìm kiếm chuyên ngành dành riêng cho thông tin y tế - sức khoẻ và những câu chuyện vui nhộn, "buôn dưa lê" về giới sao.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Microsoft chính là định kiến. Suy cho cùng, đã có ai sử dụng Microsoft như một động từ chỉ việc tìm kiếm giống như Google hay chưa?
Vượt ra ngoài tìm kiếm
"Không một ai biết về những tính năng thú vị của Live Search cả. Nó là cái gì thế? Nhiều người thậm chí còn không biết đấy là sản phẩm của Microsoft", ông Sullivan cho biết.
Chính vì thế, lời khuyên mà Sullivan đưa ra cho Microsoft chính là hãy gỡ bỏ cái thương hiệu Live kia đi, và đổi lại thành Microsoft Search.
Không phải là Steve Ballmer không biết đến vấn đề này. Không ít lần, ông đã thừa nhận Microsoft cần mạnh tay đầu tư hơn cho việc tiếp thị thương hiệu.
"Phải làm sao để người dùng thay đổi thói quen tìm kiếm của họ, bởi vì Google vẫn đang làm rất tốt công việc của mình", Sullivan nhận định.
Thế mạnh của Microsoft trong lĩnh vực quảng cáo hình ảnh, những nỗ lực của hãng trên lĩnh vực tìm kiếm di động, công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói Tellme mới được thâu tóm và nền tảng khách hàng trung thành của Xbox 360 có thể giúp Microsoft cải thiện đáng kể công việc kinh doanh trực tuyến của hãng.
"Không chỉ là tìm kiếm, Microsoft cần phải thay đổi cả cuộc chơi quảng cáo", chuyên gia Sarah Friar của Goldman Sachs bình luận.
Chuyên gia Charlene Li của Forrester Research cũng tin rằng Microsoft nên nhìn xa hơn lĩnh vực tìm kiếm.
"Họ có thể tập trung cho chiến lược điện toán đám mây của mình, hoặc thuyết phục giới quảng cáo sử dụng nền tảng Microsoft khi quảng cáo di động và hình ảnh".
(Theo Vietnamnet/AP, Reuters)