'Việt Nam chưa nên xây ngay một lúc 4 lò điện hạt nhân'
Mô hình phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. "Xây một lúc 4 lò phản ứng 4000 MW là quá sức và không khả thi. Thậm chí không khéo sẽ tác hại đến toàn bộ quá trình đưa điện hạt nhân vào VN", giáo sư
Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nguyên tử quốc gia, băn khoăn về dự án điện hạt nhân đầu tiên của VN trên tạp chí
Tia Sáng.
VnEpresss trích đăng bài viết này của Giáo sư Phạm Duy Hiển:
Trả lời báo chí do cúp điện thường xuyên gần đây, ông Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết sau năm 2020 điện hạt nhân sẽ chiếm 20% tổng sản lượng điện và VN sẽ bắt đầu bằng 2 nhà máy với 4 lò phản ứng, công suất mỗi lò 1.000 MW. "Xây được một lò, hà cớ gì không xây bốn lò luôn thể", một số người hăng hái giải thích thế. Song, là một người từng lăn lộn trong nhiều năm xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tôi nghe qua thấy "choáng".
Trong lịch sử phát triển điện hạt nhân trên thế giới, chưa có nước nào vào cuộc một lúc với 4.000 MW và 20% tổng sản lượng điện như kịch bản của ta.
Hùng hậu, lại rất khát điện như Trung Quốc cũng không dám. Trung Quốc bắt đầu có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên năm 1991 tại vùng đông bắc với công suất khiêm tốn 300 MW. Sau 3 năm nhà máy này mới đi vào vận hành thương mại và 1 năm sau mới được cấp chứng chỉ. Sau 17 năm, tại cụm điện hạt nhân này chỉ có thêm 2.800 MW.
Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng cụm điện hạt nhân thứ hai tại vùng đông nam, cách Hong Kong và Thẩm Quyến chưa đầy 50 dặm. Tại đây, nhà máy đầu tiên với công suất 950 MW vận hành năm 1993. Ngay năm đầu tiên đã xảy ra 13 lần dừng lò ngoài kế hoạch. Năm 1994, tập đoàn điện hạt nhân Quảng Đông mới khởi động lò thứ hai, và 8 năm sau mới khởi động lò thứ ba. Sau 17 năm, hiện điện hạt nhân cũng chỉ chiếm khoảng 2% và dự kiến năm 2020 cũng chỉ tăng lên 5% tổng sản lượng điện toàn Trung Quốc.
Ấn Độ có điện hạt nhân còn sớm hơn, từ đầu thập kỷ 70. Sang thập kỷ 80 họ đã nội địa hóa thành công lò nước nặng PHWR 220 MW, từ đó đặt ra một chương trình hoành tráng ấn định mục tiêu tròn 10.000 MW trước năm 2000. Nhưng đến mốc đó, họ mới chỉ đi được chưa đầy 15% đoạn đường. Chậm tiến độ và vượt dự toán xảy ra thường xuyên trên mọi công trình. Mắc mớ lớn nhất vẫn là các khâu xét duyệt, đảm bảo an toàn và năng lực công nghiệp nội địa không đáp ứng được yêu cầu chế tạo thiết bị.
Sau nhiều trở ngại cả về công nghệ lẫn thủ tục từ trong và ngoài nước, lò phản ứng đầu tiên với công nghệ VVER 1.000 MW của Nga dự kiến sẽ được ấn nút trong năm nay. Sau hơn 30 năm phát triển, điện hạt nhân chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng sản lượng điện toàn Ấn Độ.
Điều đáng nói Trung Quốc và Ấn Độ đều có lực lượng hạt nhân rất hùng hậu, họ nắm được bí quyết nguyên tử rất sớm, từ thập kỷ 1960, 1970... Cả hai đều có đầy đủ các cơ sở sản xuất nguyên, nhiên vật liệu hạt nhân, tự chế tạo được lò phản ứng công suất lớn, máy gia tốc và nhiều thiết bị hạt nhân khác. Đặc biệt cả hai đều có lực lượng chuyên gia cao cấp rất đông đảo, có bề dày nghiên cứu công nghệ hạt nhân ngang ngửa với các cường quốc khác.
So với họ, tiềm lực hạt nhân của Việt Nam hiện chỉ loanh quanh ở con số 0. Số người am hiểu lĩnh vực này đếm trên đầu ngón tay, năng lực nghiên cứu chuyên ngành về điện hạt nhân chưa hề có. Giới chuyên môn trong và ngoài nước đều biết rõ về việc này. Muốn phát điện năm 2020 phải động thổ công trình không chậm hơn năm 2015, nghĩa là ngay từ bây giờ dàn chuyên gia cao cấp của ta phải bắt tay vào cuộc. Nhìn quanh quất không thấy mấy ai.
"Phát triển điện hạt nhân mà không tính đến thách thức này nghĩa là phó thác cho người nước ngoài tính đến mọi chuyện", một chuyên gia hạt nhân nước ngoài tầm cỡ hàng đầu thế giới, đang sống và làm việc tại Hà Nội, chua chát nhận xét như vậy. Đương nhiên, chúng ta cần nhập công nghệ điện hạt nhân từ bên ngoài, thậm chí theo công thức chìa khóa trao tay, nhưng không người Việt nào muốn trao lại chiếc chìa khóa đó cho người đã rèn ra nó.
Kịch bản khởi động điện hạt nhân ở hai cường quốc châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và ở hầu hết các nước trên thế giới chứng tỏ rằng
du nhập điện hạt nhân, dù chỉ với mục tiêu đơn thuần là vận hành nhà máy, không dễ dàng đến mức có thể bỏ qua giai đoạn thử nghiệm, học hỏi, xây dựng đội ngũ và cơ sở hạ tầng, để từng bước tiến lên vận hành nhà máy ổn định và an toàn. Bởi không giống nhiều công nghệ khác, điện hạt nhân vẫn chưa an toàn, và đây là chuyện đau đầu của khoa học hiện đại, vấn đề lại hết sức nhạy cảm với công luận. Công tác giám định, kiểm tra và xét duyệt an toàn hạt nhân trong mọi khâu tiền dự án, xây lắp và vận hành luôn phát sinh những mắc mớ, đòi hỏi phải có đủ tri thức để ra quyết định...
Mới bước ra khỏi nền sản xuất tiểu nông, người Việt chúng ta chưa quen với kiểu quản lý nghiêm túc của nền sản xuất đại công nghiệp, và đặc biệt là công nghiệp hạt nhân. Thảm họa sập cầu Cần Thơ còn đó. Cần phải có ít nhiều thời gian để học được cách tổ chức quản lý, cách thực thi luật pháp thích ứng với một nền công nghệ có nhiều tiềm năng mất an toàn.
Cho nên theo tôi trước tiên chỉ nên khởi động 1 lò, và tận dụng trường học thực tiễn này để xây dựng đội ngũ chuyên gia, xây dựng cơ sở hạ tầng, học cách thực thi pháp luật hạt nhân, rồi trong quá trình đó tính tiếp. Thành công của dự án không chỉ là đưa một lò vào phản ứng, mà chính là có được nền tảng bước đầu đủ sức nhân lên cho các bước tiếp theo.
5 năm sau khởi động lò thứ hai chưa muộn.
Vả lại, toàn bộ nội lực của nền công nghiệp chúng ta chỉ có hạn. Chính vì chậm tiến độ và trục trặc kỹ thuật ở nhiều nhà máy nhiệt điện và thủy điện mà EVN không cấp đủ điện, khiến người dân phải chịu cảnh cúp điện thường xuyên. Mà đây chỉ là những công nghệ cổ điển, đã có hàng trăm năm nay, yêu cần an toàn không gắt gao như điện hạt nhân. Cho nên, xây một lúc 4 lò phản ứng, công suất tổng 4.000 MW là quá sức và không khả thi.
(Theo Tia Sáng)