Microsoft kiện Google cạnh tranh không công bằng
Tập đoàn sản xuất phần mềm máy tính khổng lồ Microsoft Corp. của Mỹ ngày 31/3 đã đệ đơn kiện nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Google Inc. lên cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC), với cáo buộc Google cạnh tranh không công bằng trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng Internet.
Đây là vụ kiện chống độc quyền đầu tiên mà Microsoft là nguyên đơn. Trong các vụ tranh chấp pháp lý khác trước đó, Microsoft chủ yếu là bị đơn.
Trong đơn kiện gửi Cơ quan chống độc quyền châu Âu, Micrsoft cho rằng Google đã cạnh tranh không lành mạnh khi dùng vị thế thống lĩnh trong thị trường tìm kiếm để hạn chế sự phát triển của dịch vụ Microsoft.
Theo Microsoft, hiện nay công cụ tìm kiếm Bing của hãng và các sản phẩm điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Windows Phone không thể tiếp cận thông tin trên các trang web của Google như YouTube, hoặc chỉ cho ra các kết quả tìm kiếm hạn chế.
Ngoài ra, Microsoft còn cáo buộc Google không cho phép tiếp cận các nội dung thuộc sở hữu của các nhà xuất bản sách và hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu quảng cáo của chính khách hàng quảng cáo.
Trong hợp đồng với các đại lý và khách hàng quảng cáo, Google có điều khoản nghiêm cấm sử dụng phần mềm của một công ty thứ ba để so sánh hay chuyển dữ liệu sang một hệ thống quảng cáo khác.
Vụ tranh chấp pháp lý này diễn ra sau khi Google có ý định thâu tóm hãng phần mềm về thông tin hàng không ITA Software. Hệ thống tìm kiếm Bing của Microsoft cũng sử dụng cơ sở dữ liệu của ITA Sortware, do đó Microsoft quan ngại Google sẽ nắm thế độc quyền khi Google thâu tóm ITA Sortware.
Ông Brad Smith, luật sư của Microsoft, nhấn mạnh: "Đơn thưa kiện của chúng tôi tập trung vào mô hình của mà Google đã thực hiện để che giấu sự thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng châu Âu."
Ông Smith cho hay để tìm cách kiểm soát thị trường tìm kiếm trực tuyến, Google đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn trang Bing của Microsoft sắp đặt nội dung trên YouTube mà Google sở hữu; ngăn chặn điện thoại thông minh của Microsoft truy cập YouTube; khống chế việc truy cập vào các bản sao trực tuyến của sách thuộc diện không có bản quyền; hạn chế khả năng của các doanh nghiệp để đòi lại "thông tin riêng của họ" được tạo ra thông qua các chiến dịch quảng cáo của Google để sử dụng ở nơi khác.
Ông Smith nói thêm: "Google đã sử dụng chiến thuật để ngăn không cho các đối thủ tiếp cận những nội dung và dữ liệu cần thiết để cung cấp cho người dùng và hấp dẫn các nhà quảng cáo."
Google hiện chiếm 95% thị trường tìm kiếm trực tuyến tại châu Âu và ngăn cản không cho bất kỳ một đối thủ nào khác tham gia vào thị trường này. Không những thế, từ khi Youtube về tay Google năm 2006, công ty này đã hạn chế khả năng truy cập vào các video Youtube của những công cụ tìm kiếm khác.
Ngoài ra, Google cũng ngăn không cho các thiết bị chạy Windows Phone 7 truy cập tự do vào những nội dung trên Youtube, trong khi iPhone và Android không gặp tình trạng này.
Bên cạnh đó, Google cũng bị cho là đã khóa đường truy cập đến những nội dung thuộc sở hữu của các nhà xuất bản, ngăn chặn nhà quảng cáo tiếp cận dữ liệu của chính họ, và không cho các trang web ở châu Âu mở chức năng tìm kiếm từ các công cụ khác ngoài Google./.
Theo Vietnam+