Ảnh đời thường biết nói
Một bức ảnh đời thường có giá trị phải kể tới lượng thông tin và tính nghệ thuật của nó.
Ảnh đời thường - đường phố, nếu chỉ đơn thuần mang tính tư liệu, thì nó chỉ có vậy và không có gì hơn. Nghĩa là loại ảnh mà người ta xem xong thì quên ngay, hoặc tệ hơn, chỉ xem lướt qua hay thậm chí chẳng buồn xem nữa... Vậy, giá trị của những bức ảnh đời thường ở đâu?
Quầy hoa bên Nhật nhiều khi cũng rất giống Việt Nam. Ảnh: Xomnhiepanh.com.
Với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng giá trị đặc trưng nhất của một bức ảnh nói chung là giá trị khoảnh khắc. Khoảnh khắc là điểm khác biệt lớn nhất giữa nhiếp ảnh và hội họa. Nó không những quan trọng trong các thể loại ảnh khác nhau, như chân dung, phong cảnh mà có vai trò cốt yếu trong cả ảnh đời thường.
Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Đứng từ góc độ của người xem, ấn tượng đầu tiên khi ngắm bức ảnh, theo tôi, là một giá trị đáng kể. Ngoài ra, một bức ảnh đời thường có giá trị phải kể thêm tới lượng thông tin và tính nghệ thuật của nó. Góc máy và các yếu tố sáng tạo cũng có thể là những giá trị gia tăng cho ảnh... Về giá trị của khoảnh khắc thì quá hiển nhiên rồi. Giá trị nghệ thuật hơi khó bàn. Ở đây, tôi chỉ xem xét hai yếu tố là lượng thông tin và ấn tượng ban đầu của một tấm hình đời thường - đường phố.
Cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Xomnhiepanh.com.
Ảnh mang lại ấn tượng mạnh cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên có thể được coi là thành công ở một mức độ nhất định, nhưng sẽ không ổn lắm nếu bạn cố gắng tìm cách gây ấn tượng một cách dễ dãi. Ví dụ, việc tập trung khai thác các chủ đề về sự nghèo hèn trong xã hội hay những sự kiện đau đớn tang thương của con người. Một người ăn mày ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, một đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc, bẩn thỉu, rách rưới, thò lò mũi xanh, dĩ nhiên là đáng thương. Tôi không phản đối việc tái hiện những góc cạnh khác nhau của xã hội bao gồm cả khía cạnh đói nghèo, đau khổ, nhưng lạm dụng những đề tài này để tạo ấn tượng cho người xem thì hoàn toàn không ổn chút nào. Tôi cho rằng, ấn tượng ban đầu của ảnh hoàn toàn có thể được tạo nên bởi một góc máy độc đáo, một cách nhìn sáng tạo, hoặc một kiểu bố cục lạ mắt, mà không nhất thiết phải là ăn mày đường phố hay những cụ già cô đơn nhăn nheo bạc tóc... Dĩ nhiên, có nhiều khoảnh khắc tự nó đã mang lại một ấn tượng mạnh. "Chộp" được những khoảnh khắc này thì quá tuyệt vời rồi.
Tắm giông. Ảnh: Xomnhiepanh.com.
Sau cái ấn tượng đầu tiên, phải xét tới lượng thông tin mang lại trong bức ảnh đó. Ảnh sẽ thú vị hơn nhiều nếu nó mang đầy ắp thông tin cho người xem. Ở nước ngoài, người ta có thành ngữ "một bức ảnh bằng cả ngàn lời nói". Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có nhiều bức mang lại ấn tượng ban đầu khá tốt bằng bố cục hay góc chiếu sáng và ánh sáng..., nhưng ngoài ra, chúng ta không nhận được thông tin gì nhiều hơn những ấn tượng ban đầu đó. Ảnh như vậy, theo tôi, mang nặng chất thơ, chất lãng mạn, hơn là một bức ảnh đời thường thực sự. Qua những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của Việt Nam lâu nay, tôi nghe nhiều người bình luận rằng, nhiếp ảnh trong nước nhiều chất thơ mà thiếu đi phần hiện thực xã hội. Ảnh đời thường tôi quan sát lâu nay cũng vậy. Phân loại ra, có thể xếp chúng vào mấy dạng: ảnh chụp nhanh (snapshot) - chỉ mang chút giá trị tư liệu mà phần lớn cũng không đáng kể; ảnh thơ (romantic streetlife photography) - những bức ảnh đời thường đẹp về bố cục, ánh sáng, mà thiếu hụt phần nội dung, thông tin, không mang tính phản ánh hiện thực xã hội; ảnh tư liệu xã hội (social documentary) - ảnh phản ánh cuộc sống muôn màu, ghi lại những nhịp sống hàng ngày, mang lại nhiều thông tin về các khía cạnh khác nhau. Những bức ảnh xuất sắc trong thể loại tư liệu xã hội xét theo một khía cạnh nào đó, có thể được gọi là những tấm ảnh "biết nói". Tôi cũng là người thích thơ, nên tôi cũng thích các thể loại ảnh thơ. Nhưng sẽ là tuyệt vời nhất nếu bạn có thể đưa hai tính chất này vào trong cùng một bức hình. Nghĩa là hình vừa mang một lượng thông tin lớn, lại vừa nhiều chất thơ...
Nhưng dẫu cho bức ảnh có hơn ngàn lời nói, đa phần chúng chỉ lưu giữ lại một khoảnh khắc của cả câu chuyện hay một tiến trình. Nên để bức ảnh đời thường mang đầy đủ thông tin, tiêu đề (title) và chú giải (caption).
Còn một bộ ảnh, một câu chuyện ảnh thì sao? Mảng này có lẽ nhiếp ảnh Việt Nam còn khá yếu. Thường một phóng sự ảnh phải có chủ đề xuyên suốt, hoặc phải kể lại một câu chuyện cụ thể nào đó. Tuy nhiên, có rất nhiều bộ ảnh tôi được thấy thực chất chỉ là một chuỗi (series) các bức ảnh lặp lại một thông tin. Sự khác nhau giữa chúng nhiều khi chỉ là các góc máy... Thể loại ảnh thơ cũng thấy xuất hiện rất nhiều ở các bộ ảnh đời thường mà tôi từng được chiêm ngưỡng.
Dùi mài kinh sử. Ảnh: Xomnhiepanh.com.
Suy cho cùng, ảnh cũng là một trong các phương tiện để thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người chụp. Sẽ có những nhiếp ảnh gia yêu thơ, có người thích trường phái hiện thực hay vài tay máy chỉ đơn thuần thích chụp ảnh! Sản phẩm của họ đa phần sẽ là những hình chụp nhanh (snapshot). May mắn thì có những bức ảnh "xuất thần" trong hàng ngàn bức chụp vội. Nhưng tôi nói chung không thích xem những hình chụp vội mà tôi thích ảnh đời thường biết nói, và cả ảnh thơ.
Theo Sohoa