Google 12 tuổi – nhìn lại một chặng đường thành công
Hôm thứ 2 vừa qua, Google đã ăn mừng sinh nhật lần thứ 12 của mình với logo hình chiếc bánh với một ngọn nến trên trang chủ của mình. Đây là một bức tranh được vẽ nên bởi họa sĩ nổi tiếng người Mỹ – Wayne Thiebaud. Sinh năm 1920, vị họa sĩ lão làng này nay đã 90 tuổi, nổi tiếng với những bức vẽ bánh kẹo, kem và cả đồ chơi nữa.
Thật ra câu chuyện sinh nhật của Google lại khá phức tạp. Ngày 27/09 chẳng phải là ngày trang web Google.com ra đời (tên miền đăng ký ngày 15/09/1997), cũng chẳng phải ngày hãng Google thành lập (04/09/1998), có thể nó có một ý nghĩa nào đấy, và thậm chí trong lịch sử Google từng kỉ niệm ngày này vào 07/09 tới 2 lần. Dù là ngày nào đi nữa, tới đầu tuần này thì Google cũng đã trải qua “12 mùa lá rụng”, trở thành công cụ tìm kiếm không thể thiếu của hàng tỉ người và giúp đưa cả thế giới tiến vào kỉ nguyên world wide web. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những năm phát triển đã qua của thương hiệu khổng lồ nhất trên thế giới mạng xem sao.
2002: “Bé” Google tròn 4 tuổi
Google nay đã 12, nhưng hình ảnh sinh nhật trên trang chủ thì chỉ xuất hiện kể từ khi tên tuổi này bước qua tuổi thứ 4. Logo của hãng đã được “biến tấu” với chữ “L” thành số 4, cùng một bữa tiệc nhỏ cho người dùng với chiếc bánh kem trắng và 4 ngọn nến. Google News cũng được khai trương trong tháng 09/2002, và đây cũng là thời điểm lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc cấm truy cập tới trang tìm kiếm này. Google đã “lẻn cửa sau” và giải pháp là người dân Trung Quốc được “chuyển giao” sang trang Google Đài Loan.
2003: Chúc mừng sinh nhật lần thứ 5
Google ăn mừng sinh nhật 5 tuổi của mình vào ngày 07/09/2003, với chiếc bánh có 5 ngọn nến và chữ “g” được biến thành số 5, kèm theo một chiếc nón nhỏ trên chữ “o” bên cạnh. Năm đó, Google mua lại Pyra Pabs, công ty đứng sau trang Blogger, cùng việc đưa vào hoạt động dịch vụ quảng cáo AdSense lừng lẫy. Kể từ đây, tên tuổi Google ngày càng vang xa, nhưng cùng kèm theo nhiều sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Microsoft hay Amazon.
2004: Sinh nhật lần thứ 6
Năm 2004 Google tổ chức “ăn kiêng”, không làm sinh nhật với bánh kem nữa mà thay vào đó là bóng bay trên chữ “o” và một số 6 bên cạnh. Một tháng trước sinh nhật này cũng là thời điểm Google phát hành cổ phiếu ra thị trường tự do lần đầu tiên. Hãng công bố đã bán được tổng cộng 19,605,052 cổ phiếu loại A với giá trị khởi điểm là 85 USD mỗi cổ phiếu. Tại thời điểm hiện tại, giá mỗi cổ phiếu là hơn 534 USD.
2005: Sinh nhật lần thứ 7
Có lẽ tiếc vì năm trước đó chẳng có bánh trái gì, sinh nhật lần thứ 7 của Google được tổ chức rất “hào phóng” với tận 7 miếng bánh kem, cùng số 7 trên chữ L. Năm 2005 này cũng là một năm đáng nhớ với hãng, qua rất nhiều sự kiện và dịch vụ ra mắt, bao gồm Google Maps, GOogle Earth, Google Schoolar, iGoogle, Google Talk và Google Reader. Google cũng đau đầu với tính năng Google Book Search của mình, khi một hội gồm 8000 nhà văn phản đối việc hãng này dự định số hóa và lập chỉ mục cho toàn bộ thư viện của các trường đại học Havard, Stanford, Michigan và Ofxord.
2006: Sinh nhật lần thứ 8
Đây là sinh nhật với bánh bông lan, và lại là một số 8 trên chữ “g”. Năm 2006 cũng là năm với nhiều dịch vụ mới ra mắt, bao gồm Google Talk, Google Calendar, Google Checkout và Google Picasa. 1 tháng sau sinh nhật, Google thực hiện bước 2 đi táo bạo: mua lại trang web video nổi tiếng Youtube, cùng lúc đưa vào dịch vụ ứng dụng văn phòng trực tuyến Google Docs.
2007: Sinh nhật lần thứ 9
Google ăn mừng sinh nhật lần này với kiểu trang trí logo phong cách Mexico – hình ảnh piñata (một vật trang trí trong buổi tiệc sinh nhật của trẻ nhỏ Mexico) trên chữ “g” và cũng là hình ảnh của số 9. Năm này cũng là năm Google mua lại công ty công nghệ quản lý và dịch vụ quảng cáo DoubleClick – một phi vụ đình đám thời bấy giờ với tổng thiệt hại là 3.1 tỉ USD (gần gấp đôi Youtube với chỉ 1.76 tỉ USD và gấp 3 giá trị thực của DoubeClick năm 2005), sau khi tranh giành kịch liệt với kình địch Microsoft.
2008: Sinh nhật lần thứ 10
Kỉ niệm một “thập kỉ” đầy thành công, Google thêm vào một dấu châm than bên cạnh các hình thức trang trí truyền thống trên logo của mình. Điều đáng nhớ nhất với “cậu bé” Google trong năm đó là việc ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android do chính Google phát triển: T-Mobile G1. Mới đây, CEO Eric Schmidt của hãng cho biết, có tới 200,000 lượt kích hoạt Android mỗi ngày – một sự phát triển vũ bão theo đúng kiểu Google, chỉ mới sau 2 năm Android ra mắt. Cùng năm này Google cũng ra mắt phiên bản chính thức đầu tiên của Chrome, trình duyệt hiện đang có những bước tiến vững chắc trước các đối thủ sừng sỏ khác, chứng tỏ vị thế “ông trùm Internet” của Google.
2009: Sinh nhật lần thứ 11
Có vẻ sau 11 năm phát triển, Google tự nhận thấy mình trở nên “chín chắn” hơn và không còn thích ăn sinh nhật với bánh trái hoa quả nữa, chỉ đơn giản là 2 số 1 đứng kế nhau ở vị trí chữ “L” mà thôi. Năm 2009 cũng là năm Google công bố phát triển hệ điều hành Chrome OS của mình. Một sự cố không nhỏ khác trong năm này là vào hồi tháng 5, khi hàng triệu người trên thế giới (14% số người dùng Google) không thể truy cập vào trang web tìm kiếm của hãng. Đây cũng là sự cố tồi tệ nhất của Google kể từ khi thành lập đến nay.
2010: Sinh nhật lần thứ 12
Với sinh nhật năm nay, người khổng lồ tìm kiếm đang tìm cách đặt chân vào phòng khách nhà bạn với Google TV. Một sự kiện “tai tiếng” kèm “nổi tiếng” cũng xảy ra hồi tháng 5, khi trò chơi Pac-Man được hãng đưa lên trang chủ đã “đốt” hết hàng triệu giờ làm việc của nhiều nhân viên văn phòng trên thế giới. Tuy nhiên, hãng không lấy gì làm phiền mà còn tỏ ra rất cao hứng, lập hẳn một trang riêng để “tưởng niệm” mãi mãi trò chơi này tại địa chỉ google.com/pacman. Vừa qua, hệ điều hành Android của hãng cũng bước đầu đặt chân lên mảnh đất tablet màu mỡ với sự ra mắt của Samsung Galaxy Tab.
12 năm đã qua là 12 năm đầy thú vị và thành công của Google, và ai mà biết được năm tới trong “túi hồ lô” của gã khổng lồ này sẽ có những gì? Liệu Google sẽ thực sự trở thành “quỷ dữ” và xa rời mãi mãi khẩu hiệu “Don’t be evil” chính mình từng nêu lên ngày xưa? Liệu người khổng lồ internet sẽ trở thành “kẻ canh gác” cho kho dữ liệu toàn thế giới, hay đơn giản chỉ phục vụ nhân loại ngày một tốt hơn với các dịch vụ và phần mềm miễn phí? Chúng ta sẽ cùng đợi đến sinh nhật năm sau để tìm ra câu trả lời.
Theo Voz