Xu hướng laptop năm 2012
Thiết kế bóng bẩy, mỏng và nhẹ hơn; thời lượng pin lâu hơn, đồ họa mạnh hơn với chip Ivy Bridge; làn gió mới từ Windows 8… là những gì người dùng có thể chờ đợi từ các mẫu laptop năm 2012.
Ultrabook trở nên phổ biến
Sự xuất hiện của các mẫu ultrabook sẽ ngày càng nhiều và phổ biến hơn nữa trên thị trường máy tính. Theo một vài dự đoán, khoảng 30 đến 50 mẫu ultrabook sẽ góp mặt tại Triển lãm Điện tử và Tiêu dùng (CES) 2012 sắp tới.
Một laptop để được gọi là ultrabook phải đảm bảo chuẩn với độ dày ít hơn 21mm (0.83 inch), khởi động từ chế độ hibernate trong vòng 7 giây, khả năng sử dụng pin liên tục trong ít nhất 5 giờ đồng hồ, và có hỗ trợ các tính năng bảo mật tiêu chuẩn của Intel trong BIOS.
Năm 2011 một số loại ultrabook khá hấp dẫn đã được tung ra thị trường, chẳng hạn như Acer Aspire S3, Asus Zenbook UX31E, Lenovo IdeaPad U300s, và Toshiba Portege Z835. Sắp tới sẽ là sự ra mắt của HP Folio 13. Tuy nhiên, dường như vẫn còn vắng các thương hiệu có tiếng như Dell, Samsung, Sony. Có thể những hãng này sẽ chỉ ra mắt sản phẩm của họ vào những tháng đầu năm 2012.
Cũng trong năm nay, ultrabook sẽ được trang bị thêm “vũ khí” với thế hệ CPU mới của Intel có tên mã là Ivy Bridge. Ivy Bridge hứa hẹn sẽ mang đến hiệu suất cao hơn, tiện dụng hơn, và cùng với sự giảm giá đều đều của các sản phẩm ổ đĩa trạng thái rắn (SSD), ultrabook sẽ trở nên vừa túi tiền hơn đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhiều khả năng các loại ultrabook với màn hình có thể cuộn và gấp gọn để biến thành các loại máy tính bảng sẽ là tiêu điểm của tháng cuối năm 2011 này. Ngoài ra, ultrabook với màn hình cảm ứng sử dụng hệ điều hành Windows 8 cùng với thiết kế nhẹ hơn, và mỏng hơn rất có thể sẽ tạo nên một thế hệ laptop mới, hấp dẫn hơn nhiều so với các sản phẩm trước kia.
Đồ họa mạnh hơn, thời lượng pin lâu hơn với chip Ivy Bridge
CPU thế hệ thứ 2 của Intel Core i5 và i7 - đang được sử dụng trong hầu hết các laptop hiện nay - có tên mã là Sandy Bridge. Sang năm 2012, thế hệ kế tiếp của loại chip này sẽ là Ivy Bridge với bộ xử lí mới 22nm tri-gate của Intel. Loại chip này giúp xây dựng một kiến trúc đồ họa hoàn toàn mới với khả năng xử lí nhanh hơn, cung cấp tốc độ duyệt video tốt hơn, và thêm hỗ trợ Microsoft DirectX 11.
Trong khi đó, với cùng một chế độ vận hành, máy tính dùng chip Ivy Bridge sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn so với loại dùng Sandy Bridge. Điều này giúp cho thời gian dùng pin của các loại máy tính mỏng và nhẹ được kéo dài hơn.
Các thông tin chi tiết về việc tích hợp bộ xử lý đồ họa trong CPU mới vẫn chưa được hé lộ. Tuy nhiên, người dùng có thể kỳ vọng rằng việc này giúp tăng 50% hiệu suất khi chơi các game 3D, dù có vẻ như sự hỗ trợ mới này vẫn là chưa thấm vào đâu đối với nhiều loại game “hạng nặng”.
Cho đến giờ, Intel vẫn chưa công bố về ngày chính thức ra mắt của Ivy Bridge. Nhưng nhiều khả năng, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới này sẽ trình làng các mẫu CPU Ivy Bridge tại sự kiện CES 2012 cùng với cac tuyên bố hỗ trợ từ rất nhiều các hãng sản xuất laptop. Dự đoán, các sản phẩm đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm tới.
Luồng gió mới Windows 8
Windows 8 hứa hẹn sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử của hệ điều hành Microsoft kể từ sự xuất hiện của Windows 95. Hầu như không có mấy ai nghi ngờ rằng sự xuất hiện của hệ điều hành mới này sẽ là luồng sinh khí mới cho việc sản xuất máy tính truyền thống. Những nỗ lực của Microsoft và các đối tác chắc chắc sẽ cho ra một hàng dài những thế hệ máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính tất cả trong một (all-in-one) được trang bị sẵn hệ điều hành mới nhất của Microsoft.
Màn hình khởi động (Start) mới và giao diện theo phong cách Metro sẽ làm thay đổi cái nhìn của những người quen sử dụng Windows trong thời gian dài. Windows 8 hỗ trợ giao diện cảm ứng tốt nhất mà không cần phải loại bỏ việc sử dụng bàn phím và chuột theo cách truyền thống. Điều này có nghĩa là người dùng hoàn toàn có thể trải nghiệm Windows 8 trên các laptop có trang bị màn hình cảm ứng – thiết bị được cho là sẽ trở thành xu hướng phổ biến hơn trên thị trường vào năm tới.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên Windows 8 hỗ trợ các bộ xử lí dựa trên kiến trúc ARM. Điều này mang đến cơ hội xuất hiện cho các loại laptop lai có khả năng chạy đồng thời trên chip của Intel và ARM. Cũng có nghĩa là, khi cần, người dùng có thể tự tách rời màn hình và bàn phím của laptop để biến chúng thành các máy tính bảng với 1 bộ xử lí ARM.
Hiện tại Microsoft chưa cho ra bản dùng thử (beta) của hệ điều hành mới, cũng như chưa công bố ngày ra mắt chính thức của Windows 8. Tuy nhiên, theo lộ trình thông thường, Microsoft sẽ mất khoảng 9 tháng tính từ thời điểm ra bản beta đầu tiên đến khi có bản chính thức. Vì vậy, có lẽ người dùng sẽ phải chờ đến đầu mùa thu năm 2012 để trải nghiệm Windows 8.
Theo PCWorld