Những năm tháng sau ngày tiếp quản IBM 360 ở Sài Gòn
Dàn máy IBM 360/40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn, nhìn từ phía phải.
Các dàn máy tính IBM 360 ở Sài Gòn đã được đội ngũ Trung tâm Toán – Máy tính (TTT-MT), Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) tiếp quản ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Những việc đầu tiên sau ngày giải phóng
Nhóm người của TTT-MT tham gia các đoàn tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ – Ngụy ở miền Nam đã có mặt tại Sài Gòn từ ngày 2/5/1975. Đó là các anh Trần Duy Thỏa, Trương Công Dũng, Trần Thế Nam, Lê Thanh Nhân. Ngay từ những ngày đầu, cùng với một số chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm IBM 360/50 của Mỹ còn ở lại, nhân viên TTT-MT đã khôi phục cho máy làm việc và khẩn trương liên hệ với nhiều bộ ngành, cơ quan nhà nước để khai thác máy.
Một trong những bài toán xử lý có hiệu quả nổi bật là xử lý dữ liệu thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Nhờ khai thác tốt hệ thống IBM 360/50 mà việc xử lý dữ liệu địa chấn được thực hiện ngay tại Việt Nam, không cần phải mang dữ liệu về Xakhalin (Liên Xô) để xử lý. Việc này giúp ngành dầu khí tiết kiệm ngân sách và rút ngắn thời gian thăm dò. Để làm được điều đó nhân viên của TTT-MT đã phải tìm tòi chuyển hệ điều hành của máy tính điện tử EC1033 (của Liên Xô) lên máy tính IBM 360/50.
Để khai thác hết hiệu năng của máy IBM 360/50, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (UBKHKTNN) mời một số Việt kiều ở Pháp về giúp, trong đó có các anh Âu, anh Chiếu, anh Lư, anh Chí… Số anh em Việt kiều này đã được Quân đội tạo điều kiện thuận lợi về làm việc với Trung tâm.
Dàn máy IBM 360/40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn, nhìn chính diện.
Ngày 28/1/1976, Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng (TCKT - BQP), thiếu tướng Vũ Văn Đôn đã gửi thư cho thiếu tướng Nguyễn Văn Tiên, Tổng cục phó TCKT - BQP thường trực ở phía Nam: ”Hiện có 3 Việt kiều ở Pháp về (họ đã làm máy tính IBM 360) có mang theo nhiều chương trình mẫu rất cần cho quân đội. UBKHKT sẵn sàng giao những chương trình này cho ta. Vì thế Tổng cục mời họ vào làm việc trên các máy IBM 360 của ta trong Sài Gòn (theo đề nghị của TTT-MT). Họ sẽ ghi vào băng từ của các máy của ta các chương trình mẫu, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng các chương trình mẫu đó.
Tổng cục cử đồng chí Nguyễn Lãm chịu trách nhiệm tổ chức làm việc này. Ngoài ra còn có đồng chí Phạm Ngọc Oanh, cán bộ Viện KTQS, và 2 cán bộ nhà nước là anh Trần Lưu Chương (ở UBKHKTNN), anh Bùi Khương (ở Bộ Giao thông) cùng tham gia khai thác các chương trình đó. Vậy đề nghị anh chỉ thị cho bộ phận văn phòng giải quyết phương tiện đi lại cho 3 Việt kiều và các cán bộ của ta để làm việc, chỗ ăn ở của các cán bộ ta (chỗ ăn ở của Việt kiều thì do UBKHKTNN chịu trách nhiệm) và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác có kết quả”.
Vượt khó
TTT-MT đã cử nhiều đợt cán bộ vào Sài Gòn vận hành hệ thống IBM mới được tiếp quản. Vào thời kỳ này đang phải đối phó với biết bao khó khăn trở ngại từ việc thiếu thốn điện, nước, điều hoà nhiệt độ cho máy làm việc… đến những điều kiện tối thiểu đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Anh Nguyễn Trọng là một trong những người vào sớm nhất, ngay trong tháng 5/1975. Cùng đi đợt đó còn có các anh Trần Văn Huân, Phạm Văn Nhì, Lê Tự Thành, Lê Văn Nguyên, Nguyễn Quý Lợi, Vũ Quang Tuyến…
Quyết định tăng cường lực lượng cho phía Nam được TTT-MT triển khai rất nhanh. Số cán bộ tăng cường đều yên tâm, phấn khởi lên đường dù không thể biết trước thời gian công tác dài bao lâu, những gì đang đón đợi phía trước. Càng không thể ngờ lần đi này đã làm thay đổi lớn cuộc sống của nhiều người. Phần lớn trong số họ về sau đã định cư cùng với gia đình ở TP.HCM.
Ngay những ngày đầu mới vào, anh Trọng đã tiếp xúc với thường trực Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị (TCCT) ở phía Nam để bàn việc quản lý cán bộ B2 (phía Nam), trên cơ sở thông tin từng người (mỗi người 150 ký tự).
Nhân viên cũ (TT IBM 360/40 & TT IBM 360/50) nghe đại diện chính quyền giải phóng nói chuyện (tháng 8/1975).
Đến tháng 10/1975 thì công việc dồn dập, thiếu người, thư các anh cho biết: ”Về bài toán cán bộ: bọn em đã hoàn thành số liệu và chương trình (gồm 55 biểu mẫu báo cáo và 5 chương trình phục vụ). Hiện nay lẽ ra là bắt đầu lấy kết quả nhưng vừa rồi Cục Cán bộ lại yêu cầu sửa đổi các mẫu báo cáo mà như vậy thì toàn bộ hệ thống chương trình cho 55 báo cáo ấy đều phải sửa khá lớn. Bọn em quyết định là sẽ làm việc này ngay vì hệ thống chương trình này có khả năng sẽ sử dụng lâu dài nên mình chịu khó sửa đổi sao cho phục vụ được tốt nhất cho yêu cầu quản lý.
Song song với việc sửa các chương trình bọn em đang chuẩn bị các văn bản và chương trình cho vấn đề chỉnh lý tiểu sử. Cụ thể là em đang chuẩn bị mẫu báo cáo chỉnh lý tiểu sử và bản hướng dẫn cách làm báo cáo ấy. …Tuần sau in xong mẫu báo cáo chỉnh lý và bản hướng dẫn báo cáo bọn em sẽ in danh sách cán bộ của từng đầu mối (sư đoàn) rồi đi xuống các sư đoàn kiểm tra so sánh với tình trạng thực tế, chỉnh lý lại đồng thời hướng dẫn cho các cơ quan cán bộ ấy làm báo cáo chỉnh lý. Khoảng giữa tháng 11 có thể sẽ cho chạy các chương trình nhật tu và trên cơ sở đó có thể kết luận một bước căn bản công tác quản lý nhân sự trên máy tính cho ta”.
Qua đó mới thấy ngay từ ngày đó, để ứng dụng tin học có kết quả, cán bộ máy tính phải nhúng sâu vào các quy trình quản lý như thế nào! Ngoài quản lý cán bộ còn làm kiểm kê quân số theo yêu cầu của Quân lực, thống kê trang bị vũ khí, tổng hợp, phân tích tăng giảm theo từng nguyên nhân cho toàn bộ trang bị vũ khí. Nhiều nhóm công tác được thành lập. Mỗi nhóm có một số nhân viên cũ làm việc dưới sự chỉ huy của cán bộ ta, những người đã viết và chạy chương trình thuần thục trên máy Minsk-32.
Lúc này, ước muốn lớn nhất của anh em là xây dựng cho được một hệ cơ sở dữ liệu thực sự về cán bộ toàn quân trên máy IBM 360. Việc tổ chức dữ liệu hoàn toàn trên bìa với số lượng lớn đặt ra bài toán xếp thông tin lên bìa. Anh Trọng đặt vấn đề: Trong các quy trình quản lý thực hiện trên máy tính điện tử ta thường phải đưa một khối lượng lớn các bản kê khai có độ dài, cấu trúc cố định lên bìa. Trường hợp các bản kê khai đó có không đầy đủ các chỉ tiêu kê khai thì việc sắp xếp thứ tự các chỉ tiêu và quyết định bao nhiêu và là chỉ tiêu nào được cùng đưa lên một bìa sẽ tiết kiệm bìa đáng kể.
Bài toán dẫn đến là bài toán quy hoạch Bun. Giả sử một bìa mang không quá b lỗ đục, phải dùng bao nhiêu bìa để chứa một bản kê khai và các chỉ tiêu nào cần đưa lên 1 bìa để tổng số bìa phải dùng là ít nhất? Phương pháp giải bài toán đã được trình bày chi tiết. Không phải kết quả bàì toán này sau đó được đưa vào quy trình chuẩn bị thông tin lên bìa một cách chính thức, nhưng việc phân tích tổ chức thông tin cho nhiều quy trình xử lý trong Trung tâm đều có khai thác ý tưởng này. Tất nhiên, ngày nay không dùng bìa để nhập thông tin vào máy tính nên bài toán không còn ý nghĩa với chúng ta, nhưng tư tưởng giải quyết vấn đề, ý nghĩa sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ thì vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Anh Vũ Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm, được điều vào phụ trách chung Cơ sở 2 – TTT-MT vào tháng 7/1975. Cùng đi với anh Sơn còn có các anh Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Quang Nựu, Nguyễn Quang Bắc, Tạ Vũ Trụ, Dương Minh, Nguyễn Thúc Hải… Anh Sơn đã nhanh chóng tổ chức triển khai công việc cho Cơ sở 2: đảm bảo kỹ thuật, quản lý cán bộ, lãnh đạo Đảng và nhiều vấn đề khác. Về công tác chuyên môn, sau khoảng hơn một năm (vào ngày 14/8/1976), anh Sơn báo cáo ra Trung tâm, cho biết đã xử lý tốt các bài toán kiểm kê cho Tổng kho Long Bình, Cục Quân khí, Phòng không Không quân. Công tác bảo trì máy lúc này đang gặp khó khăn vì thiếu linh kiện thay thế do công ty IBM đã cạn nguồn cung cấp thêm vào đó ta chưa trả tiền nên có một số bộ phận hỏng không được IBM thay thế.
Trong nhiều năm, nhờ có Cơ sở 2 mà các đoàn cán bộ của Trung tâm vào công tác ở Học viện Lục quân Đà Lạt được thuận lợi hơn. Họ đã được Học viện đánh giá cao, nhất là đồng chí giám đốc học viện trung tướng Vũ Lăng. Anh em thì phấn khởi, có được niềm tin vào ứng dụng máy tính trong chỉ huy.
Các dàn máy tính IBM 360 ở Sài Gòn đã được đội ngũ Trung tâm Toán – Máy tính (TTT-MT), Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) tiếp quản ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tiếp tục phát huy hết hiệu năng của máy
Nhờ tổ chức bảo trì, bảo dưỡng tốt các máy IBM mà TTT–MT Quân đội đã phối hợp được với những đơn vị khác trong và ngoài quân đội khai thác, xử lý nhiều yêu cầu tính toán ở nước ta lúc đó. Đã xây dựng một số hệ thông tin như hệ quản lý cán bộ khoa học kỹ thuật của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GDĐT), hệ quản lý cán bộ Khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc của UBKHKTNN, đã xử lý tổng hợp số liệu đợt điều tra cán bộ KHKT toàn quốc, xử lý hệ quản lý đảng viên toàn quốc (đã tổ chức lưu trữ dữ liệu cho hơn 1,7 triệu đảng viên).
Hội nghị khoa học TTT-MT (GS Lê Văn Thiêm ngồi ở bàn đầu bên phải).
Vào những năm 1976 – 1980 vấn đề xây dựng một trung tâm tính toán tập thể (theo cách hiểu của các nước XHCN lúc đó) có năng lực lớn ở Hà Nội được đặt ra. Mặt khác, việc đòi hỏi phối hợp giữa các máy tính, nhất là phối hợp giữa các máy IBM 360 ở TP.HCM và các máy ở Hà Nội nhằm giải quyết các nhu cầu xử lý với hiệu suất cao hơn ngày càng bức bách.
Từ đó đã hình thành đề tài “Nghiên cứu xây dựng trung tâm tính toán có khả năng sử dụng tập thể” trong chương trình 48.05 do anh Phan Đình Diệu làm chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm chương trình còn có các anh: Nguyễn Xuân Lộc (thư ký khoa học), Trần Lưu Chương, Trịnh Quang Khuynh, Nguyễn Lãm, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tụy. Đề tài đã nghiên cứu khai thác các hệ điều hành và các hệ đảm bảo toán học trên các máy ở nước ta, tổ chức phối hợp tính toán, xử lý giữa các máy hiện có, mở rộng khả năng kỹ thuật, lắp ghép thiết bị của hệ này cho hệ khác không hoàn toàn tương thích, nghiên cứu thiết kế lắp đặt thiết bị đầu cuối của máy tính và thử nghiệm việc truyền thông tin từ xa.
Về sau này, khi bệnh viện 108 nhập máy chụp cắt lớp đầu tiên về nước ta, TTT-MT theo yêu cầu của bệnh viện 108 đã cử anh Nguyễn Quốc Anh, kỹ sư máy tính, nghiên cứu khai thác đầy đủ phần mềm của nó và cũng chính xuất phát từ đây, Trung tâm hình thành đề tài “Nghiên cứu hội chẩn từ xa” với ý định truyền hình ảnh chụp được ở máy cắt lớp từ Hà Nội vào TP.HCM để lấy ý kiến hội chẩn. Nhưng đáng buồn là do đường truyền không đảm bảo, đề tài phải thể hiện ý tưởng hội chẩn từ xa thông qua việc truyền hình ảnh điện tim và hình ảnh điện não đồ.
Theo một tài liệu của Cục Máy tính – UBKHKTNN, số 136-81/CMT ngày 15/12/1981 báo cáo tình hình sử dụng máy tính điện tử trong thời gian 1976-1981 và một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính điện tử trong thời gian 1982-1985 thì ở thời điểm này cả nước ta có 33 dàn máy tính điện tử vạn năng (lúc bấy giờ dùng khái niệm vạn năng để phân biệt với chuyên dụng), trong đó có 9 dàn nhập từ các nước XHCN: 1 máy Minsk-22 (của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển), 3 máy Minsk-32 (1 của TTT-MT Quân đội, 1 của Tổng cục Thống kê và một 1 UBKHNN), 1 máy EC-1022 (của ĐH Bách Khoa Hà Nội), 1 máy M-6000 (của Bộ Nội vụ), 1 máy ODRRA (của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển), 1 máy mini CM-3, 1 máy mini CTD-300/10; 18 dàn máy IBM 360, 1 dàn Raytheon và 5 dàn IBM-system 3/Model 10. Vào thời điểm này năng lực tính toán ở nước ta đã lớn gấp hàng trăm lần so với khi quân đội ta mới có máy tính Minsk-32.
Cũng trong báo cáo trên thì, “máy của quân đội làm 414 giờ/tháng, bằng 318% tiêu chuẩn 1 ca máy”. Và có thêm nhận định: ”Máy của quân đội có xu hướng làm việc ổn định: năm 1980 máy này đã hoạt động 5.860 giờ, trung bình mỗi tháng làm việc 488 giờ, thực hiện trong 3 ca, mỗi ca 6,30 giờ.” Báo cáo này còn cho biết: ”Trừ Tổng cục thống kê hàng năm được phân phối một số ngoại tệ để nhập vật tư và phụ tùng thay thế, còn các cơ quan khác không được cung cấp phụ tùng thay thế…”.
Nhu cầu tính toán thời gian đó được phân bố xử lý trên nhiều trung tâm. Tuy nhiên, các máy của trung tâm quân đội vẫn thu hút được nhiều khách hàng khai thác từ Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Đại học, Bộ Thuỷ lợi, Nha Khí tượng, Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, Tổng cục Dầu khí…
Nghiên cứu việc thiết kế máy tính
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem kết quả in ra trên giấy khổ rộng ở dàn máy Minsk-32.
Năm 1977, tác giả bài viết này có dịp sang Pháp mấy tuần, được tham quan về kỹ thuật vi xử lý. Năm 1978 có các anh Nguyễn Đức Hiếu, Hoàng Tấn Hưng rồi những năm sau đó là các anh Nguyễn Đăng Hậu, Trần Văn Huân, Phạm Văn Nhì, Nguyễn Thúc Hải của TTT-MT được sang thực tập ở Pháp. Nhờ những đợt thực tập này, cán bộ Trung tâm hiểu biết thêm nhiều điều và đã giải quyết được một số vướng mắc trong quá trình khai thác máy IBM 360.
Anh Nguyễn Thúc Hải thì đã bảo vệ được luận văn Tiến sĩ (docteur d Etat) của Pháp. Riêng anh Hiếu ngoài việc thực tập còn có nhiệm vụ tìm mua những linh kiện để có thể lắp máy vi tính. Anh Hiếu biên thư cho tôi ngày 1/5/1978 ở Orsay, “…Về vấn đề mua linh kiện, chúng tôi đã gặp anh Quý Anh (Việt kiều, chuyên về phần cứng) để làm việc. Anh Qúy Anh ghi thêm một thứ: LCD Bêta, 1300 franc Pháp. Giá cả không có gì thay đổi lớn với giá ta ghi. Việt kiều có thể cho được 2 thứ: Oscilloscopes và một máy tương đương với Frequencyneetros. Như vậy, để mua đơn hàng này còn cần khoảng 4000 – 5000 franc Pháp. Về đơn hàng mua các thứ để lắp mini-computer theo đúng như đề nghị của ta thì mất khoảng 20.000 franc Pháp. Hơn nữa, ta cũng cần mua cả phần mềm của systeme này như Assembleur, Editeur, Compilateur vì việc tự xây dựng lấy phần mềm sẽ rất vất vả…”.
Nhắc lại những lá thư này để thấy ước muốn nghiên cứu thiết kế lắp ráp máy tính của TTT-MT Quân đội đã có từ rất sớm. Càng nghĩ về thời kỳ đó càng khâm phục những tấm lòng hăng say, trong sáng của anh chị em đã từng sống trong một đơn vị quân đội mang cái tên rất quen thuộc là Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội.
Theo ICTnews