HotelHoangMinh
New Member
Sự trở lại ngoạn mục của các công nghệ cũ
Có những sản phẩm thất bại trong quá khứ nhưng đã hồi sinh đầy ấn tượng nhờ sự ra đời của một thiết bị có khả năng "lật ngược thế cờ" nào đó như máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone...
Trong kinh doanh, người ta thường tránh đi vào "vết xe đổ" của các ý tưởng không thành công. Tuy nhiên, đôi khi sự thất bại đó lại là do nó đi trước thời đại quá sớm và nếu chọn đúng thời điểm công bố, một ý tưởng từng bị chê bai vẫn trở thành "con gà đẻ trứng vàng". Trang PC Magazine nêu một số ví dụ điển hình:
Máy tính bảng được Bill Gates của Microsoft giới thiệu năm 2000 với những tính năng như dễ dùng, năng động, nhận dạng chữ viết... Tuy nhiên, tablet PC không thể chinh phục mọi người dù Gates vẫn thường xuyên nhấn mạnh rằng đây chính là làn sóng điện toán tiếp theo. Khi thị trường máy tính bảng đang đi vào ngõ cụt thì năm 2010, Apple iPad ra đời và lôi kéo hàng loạt công ty khác tham gia. Hãng Forrester Research dự đoán tablet sẽ là sản phẩm đại trà vào năm 2015.
Điện toán "mọi lúc mọi nơi": Năm 1997, khi còn là Giám đốc công nghệ của Sun, Eric Schmidt đã ấp ủ một sản phẩm đầy tham vọng là máy tính mạng (network computer). Hệ thống đó không có ổ lưu trữ và hoạt động phụ thuộc vào kết nối Internet cũng như các dịch vụ web. Nó thất bại đơn giản vì cơ sở hạ tầng thời đó chưa phổ biến để đáp ứng. Ý tưởng này đang được Google tái hiện lại với Chromebook - những mẫu laptop không tích hợp ổ cứng, có thời gian khởi động nhanh và mọi dữ liệu được lưu trữ trên web, giúp người dùng không phải phụ thuộc vào một thiết bị cụ thể. Hiện có Samsung, Acer và Asus tham gia sản xuất dòng máy này.
Công nghệ Push: Năm 1996, công ty PointCast cho ra đời phương pháp tự động gửi tin tức mới theo yêu cầu đến máy tính của khách hàng qua Internet bằng kỹ thuật Push (kỹ thuật phát rộng thông tin). Microsoft hợp tác đưa dịch vụ này vào Internet Explorer, nhưng bị người dùng cũng phàn nàn vì nó ảnh hưởng đến tốc độ duyệt web và PointCast bị xóa sổ vào năm 2000. Hiện nay, Twitter đã tái sinh công nghệ này với dịch vụ chia sẻ thông điệp giới hạn trong 140 ký tự, thu hút 200 triệu người dùng và 350 tỷ tweet (tin nhắn) mỗi ngày.
Smartphone: IBM Simon từng được gọi là smartphone với các tính năng hấp dẫn mà người dùng mong đợi: bàn phím cảm ứng, kết nối Internet, game, lịch, danh bạ, e-mail, ghi chú, nhắc việc... (dù không có camera). Nhưng khi được bán vào năm 1992, nó bị cho là quá to, nặng, chậm chạp và giá tới 900 USD nên sớm chết yểu. Các thế hệ smartphone và PDA sau này đã được cải thiện nhưng vẫn bị xếp vào dòng cao cấp và thu hút rất ít người sử dụng. Điện thoại thay đổi cuộc chơi là Apple iPhone. Hiện smartphone đạt sản lượng 472 triệu máy mỗi năm.
Theo VnExpress