Đề án tăng tốc CNTT Việt Nam: Thiếu điểm nhấn!
ICTnews - Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT quá dàn trải, thiếu mũi nhọn để tăng tốc thực sự cho CNTT Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, đứng trong top 5 quốc gia hàng đầu về nhân lực CNTT.
Ngày 30/10, Bộ TT&TT và lãnh đạo 3 hiệp hội CNTT lớn nhất Việt Nam gồm Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), và Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã gặp gỡ thảo luận về dự thảo Đề án tăng tốc. Trong buổi gặp gỡ, cả ba hiệp hội này đã gửi tới Bộ TT&TT văn bản góp ý cho dự thảo Đề án tăng tốc được tổng hợp dựa trên cá ý kiến của các chuyên gia và thành viên của các hội/hiệp hội.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, đề án tăng tốc là đề án mang tầm quốc gia, là khát vọng đổi ngôi của dân tộc. Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang cố gắng hoàn tất dự thảo đề án để trình Chính phủ thông qua vào cuối tháng 11/2009.
Dàn trải, thiếu tập trung và đầu tư lệch
Các văn bản góp ý của ba hiệp hội này có một số điểm chung cho rằng Đề án tăng tốc chưa xác định rõ khái niệm nước mạnh về CNTT của Việt Nam là mạnh về cái gì, nên đưa ra các mục tiêu dàn trải, thiếu trọng điểm; hai là tiêu chí đánh giá nước mạnh dựa vào đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc (ITU) là không phù hợp, nên có tiêu chí của riêng mình; ba là tỷ trọng đầu tư trong đề án quá lệch, bỏ sót một số lĩnh vực cần đẩy mạnh như nhân lực, công nghiệp phần mềm.
Cụ thể, HCA góp ý “đề án chưa nhận diện được đâu là điểm mạnh, là cơ hội và tiềm năng, lợi thế của chúng ta để tập trung phát triển đột phá và tăng tốc tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Để CNTT Việt Nam thực sự mạnh, hiệp hội này đề nghị “cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm và dịch vụ phục vụ trực tiếp trong nước; tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ toàn cầu với những chỉ tiêu cụ thể. Về ứng dụng CNTT, ngoài khối cơ quan nhà nước, đề án cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước”.
Về vấn đề đầu tư, HCA cho rằng các danh mục công trình và dự án chi tiêu kinh phí tập trung quá nhiều vào phần phát triển hạ tầng nhưng lại chưa tập trung cho những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cần tập trung để bứt phá như phát triển nhân lực hay ứng dụng ở các doanh nghiệp và tổ chức.
Tương tự, Vinasa cũng đề nghị xem xét lại tỷ lệ phân bổ kinh phí cho các chương trình; giảm tỷ lệ đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông (chiếm 90% tổng kinh phí của đề án) và dành khoảng 10.000 tỷ đồng trong 10 năm tới để triển khai chương trình về xây dựng dữ liệu quốc gia. Theo Vinasa, một quốc gia không thể đẩy mạnh CNTT chỉ bằng hạ tầng như số máy điện thoại hay đường Internet, mà cái gốc là thông tin. Vì vậy, nếu muốn doanh nghiệp, người dân thực sự ứng dụng CNTT để từ đó nội lực cả ngành CNTT mạnh lên thì phải xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia.
Nên tập trung phát triển nguồn nhân lực
Góp ý cho đề án, các văn bản góp ý của ba hiệp hội và các ý kiến đề xuất trực tiếp tại buổi thảo luận về đề án này đều cho rằng cần xác định rõ những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh để tập trung phát triển.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa nói mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 70 nước phát triển CNTT trên thế giới vào năm 2015 và 60 vào năm 2020 là hợp lý nếu xét trên tổng, nhưng mục tiêu đó chưa chắc đảm bảo rằng Việt Nam có nền CNTT mạnh.
Samsung cho biết sang năm nhà máy sản xuất di động của họ vừa khai trương ở Bắc Ninh có thể xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD, năm tới nữa có thể tăng lên 10 tỷ USD. Như vậy, ngành CNTT Việt Nam có thể có bước nhảy vọt mà không cần cố gắng, chỉ cần cố gắng về chính sách.
Để ngành CNTT thực sự mạnh, ông Bình cho rằng đề án nên đặt ra những mục tiêu thể dựa trên thế mạnh của chúng ta, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Theo ông, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đạt được 1 triệu nhân lực CNTT, đứng trong top 5 các quốc gia hàng đầu về nhân lực CNTT trên thế giới. Như vậy, nếu tình trung bình mỗi nhân lực CNTT tạo vài chục nghìn USD/năm, ngành CNTT Việt Nam có thể tạo ra vài chục tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù số lượng nhân lực CNTT của Việt Nam hiện không nhiều nhưng ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA cho rằng giới CNTT đều cho đó là lĩnh vực chúng ta có tiềm năng. “CNTT Việt Nam nên chọn những thế mạnh để phát triển, ví dụ như đề án có thể nói dứt khoát phải tạo ra được 1 triệu người làm phần mềm”, ông Dũng nói.
Ngoài vấn đề nhân lực, các ý kiến cho rằng Việt Nam nên phát triển công nghiệp phần mềm, và đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tạo thị trường nội địa cho công nghiệp trong nước phát triển.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Hai điểm nhấn
Sau khi nghe ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung trong dự thảo đề án. Cụ thể, Bộ trưởng cho hay đề án sẽ đưa ra tiêu chí xếp hạng dựa trên thế mạnh của chính mình, còn xếp hạng của quốc tế vẫn đặt ra nhưng chỉ để tham khảo.
Về định hướng phát triển, Bộ trưởng nói Việt Nam hiện có hai thế mạnh, số một là nhân lực và thứ hai hạ tầng viễn thông. Vì vậy, đề án tăng tốc sẽ dồn sức phát triển hai lĩnh vực then chốt là nguồn nhân lực và hạ tầng. “Có nhân lực và hạ tầng sẽ kéo theo sự phát triển của ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT”, Bộ trưởng nói. Với việc thay đổi ưu tiên phát triển, theo Bộ trưởng, cơ cấu đầu tư cũng sẽ thay đổi, đào tạo sẽ không chỉ chiếm 0,15% như trong dự thảo đề án hiện tại nữa.
Theo ICTNews