saodoingoi142
Moderator
Gia Cát Dự : Apple sẽ dùng chip gì trong tương lai ?!
Nhưng trước khi vào thân bài, bạn nên lưu ý đây không phải ý kiến của tôi (đúng hơn chúng tôi cũng có vài điểm tương đồng với nhận định này). Đây là bài viết của Anand Lal Shimpi, chủ xị tạp chí AnandTech. Có điều bài viết này lại không được đăng trên web của Anand mà lại viết cho Macworld và bạn đọc có thể tìm thấy nó trên tạp chí PCWorld. Sao “ngộ” thế ? Tạm gác chi tiết trên, hãy xem thử Anand nhận định thế nào về sản phẩm Mac của Apple trong tương lai.
Nhập đề
Từ nhiều năm qua, dự đoán về loại CPU mà Apple sẽ đặt vào trong mấy chiếc Mac của họ không quá khó khăn. Nhất là từ khi Apple chuyển sang dùng chip x86 của Intel, thì lộ trình của Mac phản ánh lại lộ trình của Intel : Intel ra mắt 1 CPU mới, vài tháng sau Apple lại nở ra 1 chiếc Mac mới. Nó giống như nhịp đồng hồ vậy, và điều này bỏ đi phần nào tính bất ngờ từ các sản phẩm của Apple hay sự khó khăn trong dự đoán các món trên.
Nhưng thời gian gần đây, Apple đã phá bỏ nhịp điệu đó. Chuyện này bắt đầu từ khi dòng MacBook Pro mới ra mắt từ tháng 4 năm nay.
Trong lần phát hành mới, chỉ có 2 thành viên trong gia đình MacBook Pro – model 15″ và 17″ – là dùng bộ xử lý Arrandale mới từ Intel (được biết nhiều dưới cái tên Core i5 và i7). Các CPU đó tận dụng những lợi thế công nghệ mới nhất của Intel – gồm cả tiến trình 32nm, Hyper Threading và Turbo Boost. Còn model 13″, dù vậy, vẫn “kẹt” với dòng CPU Core 2 Duo (C2D) đã cũ.
Quyết định ở lại với C2D đơn giản chỉ ra 2 điều : thứ nhất, mối quan hệ Apple – Intel có thể không còn “nồng ấm” như xưa; thứ hai, Apple thực sự “kết” GPU. 2 điểm trên sẽ tạo ra những quyết định liên quan đến phần cứng của Apple trong 2 năm tới.
Intel Inside ?
Apple là mẫu nhà sản xuất (NSX) tốt nhất mà một đơn vị cung cấp CPU sẽ muốn làm ăn chung : sản phẩm của họ tự hình thành nên thị trường cho chúng. Và được hợp nhất thương hiệu với Apple là điều rất tốt. Hãng này vẫn được biết đến như là một người đón nhận sớm những công nghệ mới (ít nhất là cho những ai tin vào điều đó). Giá bán lẻ các sản phẩm của họ đủ cao để cho phép công ty dùng những phần cứng tốt nhất hiện có. Apple có cả đội ngũ làm phần cứng lẫn phần mềm, nên họ có thể thêm thắt vào những tính năng mới ngay lập tức mà chả cần phải đợi những đối tác phần mềm khác đuổi kịp xu thế của thị trường.
Hiếm khi thấy logo của hãng nào khác trên sản phẩm của Apple.
Dù làm việc với Apple có thể chịu đựng vài “nỗi đau”, nhưng các lợi ích trên về cơ bản đủ hấp dẫn cho Intel bỏ qua hầu hết các tiêu chuẩn marketing thông thường của mình. Apple chọn nơi sẽ đặt logo Intel trên sản phẩm của mình. Bạn sẽ không thường thấy đề cập cụ thể nào về thương hiệu Intel trong marketing của Apple (nhưng Apple vẫn kèm theo thông tin sản phẩm Intel trong thông số kỹ thuật của mình). Lấy ví dụ, NVIDIA được đề cập đến trên hộp đựng Mac Mini, nhưng Intel thì không.
Ở mức mà tôi (Anand) có thể đề cập, , khách hàng của Apple không quan tâm đến việc hãng này dùng C2D trong MacBook Pro 13″ tự khi nào (và, gần đây là trong MacBook Air 11″ và 13″). Nếu các sản phẩm trên bán chạy thì Apple cũng chả cần thiết phải dùng những sản phẩm mới nhất và “ngon” nhất từ Intel.
Tại cùng lúc ấy, Apple lại thấy nhu cầu cần dùng đến các GPU mạnh mẽ trong máy tính của mình. Bạn không thể mua 1 chiếc Mac trong hôm nay mà nó lại không kèm theo một GPU khoẻ mạnh hay cái gì tương tự. Kể cả các model MacBook Pro 15″ và 17″ đều cặp những nhân đồ hoạ tích hợp (IGP) với một GPU NVIDIA, trong trường hợp bạn cần nó. Nhờ vào tiêu chuẩn kỹ thuật của OpenCL, các GPU trên có thể được dùng vào nhiều thứ hơn là chỉ render đồ hoạ thời gian thực, và đảm nhận các tác vụ tính toán phổ thông.
Vậy bạn có một công ty vốn có vẻ không còn quan tâm lắm như họ đã từng với các CPU Intel, nhưng lại tăng dần lưu ý về GPU. Trong khi tôi vẫn chưa hình dung được cảnh Apple “bỏ rơi” Intel, 2 yếu tố này khiến tôi băn khoăn về việc liệu Apple sẽ dùng CPU từ AMD trong 2 năm tới hay không.
Thực đơn từ AMD
Chiến lược CPU – GPU của AMD khác một ít so với Intel. AMD đã bắt đầu giới thiệu các bộ xử lý Fusion của mình, vốn tự gọi chúng là các APU. Các APU trên kết hợp một CPU x86 với một GPU của AMD trên cùng một die. Các GPU mà AMD thêm vào không chỉ rất mạnh mẽ so với GPU của Intel, mà chúng còn có khả năng chạy các ứng dụng phổ thông thông qua OpenCL mà một lập trình viên có thể chọn để viết cho chúng.
Bộ xử lý AMD đầu tiên mà Apple có thể quan tâm được biết đến như E-350. CPU của nó nằm giữa một chip Atom và C2D của Intel, nhưng lại cho năng lực đồ hoạ tốt hơn rất nhiều (với rất nhiều kiến trúc vi xử lý ở quanh bạn, E-350 là một chiếc Atom out-of-order được kết hợp với một GPU có 80 SP). Hiện tôi không thấy một điểm nào cho E-350 trong dòng sản phẩm hiện tại của Apple, trừ phi Apple muốn tạo ra một model MacBook Air còn nhỏ hơn (hay rẻ tiền hơn) model 11″ hiện có.
Nhỏ hơn 1 chip Atom, Bobcat APU thực sự rất đáng quan tâm.
Tiếp đến là Llano. Chiếc APU này cặp một CPU mạnh hơn thứ có trong E-350 và một GPU cũng mạnh hơn rất nhiều. Llano có thể là một tuỳ chọn hấp dẫn cho mẫu laptop nhỏ hơn từ Apple, song tôi không cho Apple sẽ bỏ qua vấn đề hiệu năng CPU trong các model MacBook Pro lớn hơn chỉ vì giải pháp tích hợp từ AMD.
Lúc nào đó trong 2012, dù sao, AMD sẽ ra mắt một nhân CPU mới, mạnh mẽ hơn và cặp nó với GPU của hãng. Nếu Apple tiếp tục xem xét việc chuyển qua dùng AMD, đó sẽ là lúc thích hợp. Apple và AMD đã bàn luận nhiều về Fusion trong các năm qua. Dù có hay không thì lúc này rất khó để nói về các lựa chọn của Apple. Tôi đoán chúng ta sẽ biết mọi thứ vào 2012.
Dựng lên Cầu Cát
(Tất nhiên) Intel sẽ không đứng yên nhìn tất cả. Thế hệ CPU Core ix thứ 2 (mật danh Sandy Bridge) sẽ ra mắt trong tháng 1 tới. Apple sẽ có được mức hiệu năng cùng khả năng tăng tốc chuyển mã video nhờ phần cứng cao hơn từ các chip này, nên việc đón nhận chúng cho các chiếc Mac gần như đã được đảm bảo.
Sandy Bridge sẽ có đồ hoạ trực tiếp trên cùng chip, nhưng phần cứng này lại không hỗ trợ OpenCL. Trong khi tôi tin đồ hoạ của Sandy Bridge sẽ “đủ dùng” cho đa số người dùng OS X, tôi không nghĩ Apple sẽ “nghỉ” dùng các GPU có năng lực OpenCL trong hệ thống của mình. Vì lý do này, chúng ta có thể sẽ thấy các GPU rời được kèm theo các chiếc Mac cho suốt 2011.
Tôi dự đoán sẽ thấy chip Sandy Bridge xuất hiện trong dòng sản phẩm MacBook, MacBook Pro và iMac đâu đó vào Q1 hay Q2 2011; tôi cũng đoán Mac Pro sẽ dùng Sandy Bridge vào khoảng Q3 hay Q4. Dựa vào các thời điểm đã nêu, tôi không hy vọng sẽ thấy MacBook Air có đợt thay mới đáng kể nào cho tới cuối 2011.
Vào cuối 2011 hay đầu 2012, Intel dự kiến sẽ ra mắt thế hệ tiếp của Sandy Bridge : Ivy Bridge. Chúng có thể sẽ kèm theo một nhân đồ hoạ tốt hơn thứ có trong Sandy Bridge, nhưng có đáp ứng được yêu cầu về đồ hoạ của Apple hay không vẫn chưa rõ.
Theo Voz