Nỗi khổ của gamer khi tìm mua phụ kiện hàng hiệu
Thị trường phụ kiện chính hãng, phục vụ game thủ tại Việt Nam hầu hết chỉ tập trung ở vài ba thương hiệu lớn.
Phụ kiện chơi game hàng hiệu, đồ nghề cao cấp ngày càng có vị thế quan trọng trong con mắt của game thủ, từ chuyên nghiệp, nghiệp dư cho đến cả người chơi phổ thông với tâm lý giải trí nhẹ nhàng. Nhưng để tìm cho mình món đồ ưng ý, hợp túi tiền luôn là bài toán khó, làm đau đầu không ít gamer nước nhà.
Gian nan tìm hàng chính hãng
Tìm đến hàng chính hãng, đang phân phối chính thức tại Việt Nam được hiểu như giải pháp ngon lành nhất cho gamer bởi các chế độ hỗ trợ sau bán hàng tốt, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chắc chắn đúng chuẩn.
Tuy nhiên, câu chuyện an toàn thường không đi kèm với tính kinh tế hay sự thoái mái trong việc lựa chọn mẫu mã sản phẩm. Thị trường phụ kiện chính hãng, phục vụ game thủ tại Việt Nam hầu hết chỉ tập trung ở vài ba thương hiệu lớn (Razer, Logitech, Microsoft, SteelSeries, Nazar…) do một số công ty đứng ra độc quyền làm ăn.
Chuột, bàn phím, gamepad, tay cầm chơi game… loại này luôn đảm bảo 100% ở chất lượng, nguồn gốc và chế độ bảo hành nhưng mức giá thì chưa bao giờ ổn. Đến tay người dùng, giá trị thật của thiết bị phải cộng thêm rất nhiều phụ phí: phí vận chuyển ngoài nước, thuế tiêu thụ, chi phí quảng cáo, PR... đấy là còn chưa kể do chế độ độc quyền phân phối nên cửa hàng hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhà sản xuất để áp giá cao, hưởng lợi nhuận nhiều hơn.
Một khó khăn khác là nguồn hàng chính hãng mới chỉ thực sự có mặt tại các thành phố lớn, nơi hình thành nền tảng thị trường tốt. Với các gamer ở nơi khác, chuyện mua được thiết bị mong muốn còn phải trải qua rất nhiều công đoạn như liên hệ đặt hàng từ xa, chuyển khoản tiền mua rồi lại tiếp tục chờ đợi để nhận món hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh... Bởi vậy, tổng cộng người dùng mất một khoản tiền tương đối đáng kể.
Khó khăn chuyện mua đồ xách tay
Sắm thiết bị chính hãng, giá cao nhưng độ tin tưởng được khẳng định. Còn nếu bạn không ngại phiêu lưu trong việc mua phụ kiện hàng hiệu thì lùng tìm đồ xách tay là giải pháp đáng quan tâm. Với hình thức giao dịch này, gamer tiết kiệm tối đa chi phí mà lại thoải mái lựa chọn mẫu mã sản phẩm.
Tính kinh tế có lẽ chẳng cần bàn nhiều, hàng xách tay đa phần chuyển về nước với số lượng nhỏ lẻ, tránh được các khoản thuế và nhiều chi phí ngoài lề vì đôi khi nhà phân phối trong nước đã làm hộ.
Về mẫu mã sản phẩm, gamer lựa chọn hàng xách tay gần như tìm thấy hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trong làng phụ kiện, kể cả những phiên bản kỷ kiệm, chào hàng số lượng có hạn, ăn theo tựa game đình đám nào đó. Ví dụ như chuột Razer DeathAdder Command Conquer, bàn di Mantis (AVA edition)…
Tuy nhiên, ngược với hàng chính hãng, phụ kiện xách tay chỉ được hưởng chế độ bảo hành ngắn, thường từ 1 đến 6 tháng. Ngay cả khi gặp vấn đề trong thời gian cam kết hỗ trợ, người bán nhiều khi còn tìm đủ lý do để thoái thác trách nhiệm. Như vậy chẳng khác nào đẩy game thủ vào thế bí, bởi dù muốn bỏ tiền túi ra sửa cũng chẳng biết gõ cửa ai. Phụ kiện chơi game là chủng loại linh kiện yêu đòi hỏi độ chính xác cao, yêu cầu tay nghề thợ, cũng như thiết bị thay thế thật chuẩn mới khắc phục hết sự cố.
Một trở ngại nữa là nguồn gốc thiết bị, nếu thiếu kinh nghiệm, bạn rất dễ mắc vào cái bẫy giăng sẵn của người bán. Họ thoải mái hét giá hàng refurbished với mức tương đương sản phẩm mới 100%, hay thậm chí hàng cũ, được sửa chữa ngoài luồng trong khi luôn khẳng định lấy từ các shop uy tín bên nước ngoài.
Cộng đồng game thủ trong nước hẳn chưa quên vụ lùm xùm cách đây hai năm về tính thật giả của các mẫu gamepad SteelSeries QCK+ , do một chủ buôn bán ra thị trường với giá rất hời. Mặc dù chưa thể đổ hết lỗi về phía người kinh doanh nhưng đó cũng là bài học cho thấy mọi chuyện đều có thể xảy ra, nếu bạn ham rẻ, thiếu kiến thức và quá vội vàng khi mua phụ kiện chơi game xách tay.
Nhìn chung, mua hàng xách tay đòi hỏi trình độ của gamer trong việc kiểm định chất lượng, độ tin tưởng của người bán và luôn phải chắc mình không bị hớ trước mức giá đưa ra, nhất là với các sản phẩm độc, hiếm gặp.
Theo PLXH