Quản lý mạng xã hội: Còn nhiều băn khoăn!
(VnMedia) - Thừa nhận việc lập lại trật tự cho trang thông tin và mạng xã hội trực tuyến trong thời điểm này là rất cần thiết, song với bản dự thảo lần 7 của Thông tư Hướng dẫn hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra xin ý kiến không khỏi khiến nhiều người phải băn khoăn.
Hàng ngàn trang tin điện tử sẽ phải cấp phép lại?
Trang tin điện tử sẽ không được phép viết tin bài
Nếu như Nghị định số 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thay thế Nghị định số 55 đã có quy định chung điều chỉnh loại hình trang thông tin điện tử và mạng xã hội trực tuyến thì với thông tư hướng dẫn này, lại được cụ thể hoá thêm khá nhiều.
Thông tư sẽ giải thích rõ hơn về các thuật ngữ “Thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế”, “trích dẫn lại thông tin” và “nguồn tin chính thức”. Cũng không chỉ quy định rõ hơn hoạt động của trang thông tin điện tử; trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet mà Thông tư sẽ quy định cụ thể hơn cả điều kiện, hồ sơ và quy trình cấp phép trang thông tin điện tử và đăng ký mạng xã hội trực tuyến.
Một trong những điểm mới nhất của thông tư là quy định rõ các trang thông tin điện tử khi đã trích dẫn, đăng tải lại thông tin từ các nguồn báo chí chính thống khác, trên một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa... sẽ không còn là một trang thông tin điện tử thông thường nữa mà nó là trang thông tin điện tử tổng hợp. Những trang như vậy để tiếp tục được duy trì hoạt động sẽ cần được quản lý và cấp phép như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.
Khó có thể tính hết nổi số trang thông tin như vậy hiện đang tồn tại ở Việt Nam, bởi thực tế hiện nay có rất nhiều trang web, có thể chỉ là một trang web được xây dựng nhằm giới thiệu hoạt động, kinh doanh của một doanh nghiệp cũng trích dẫn những nguồn thông tin báo chí lên đó. Và theo sự lo ngại của một số đại biểu thì lượng website như vậy sẽ là con số ngàn trang chứ không ít. Và cơ quan quản lý nhà nước liệu có thể kiểm tra, “đưa vào tầm ngắm” được tất cả để rồi cấp phép lại cho đủ?
Cùng lo lắng đó, ông Nguyễn Đình Tạo, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng nói: “Nếu quy định như điều 2 Dự thảo thông tư - Trang tin của các tổ chức, cơ quan đoàn thể nếu trích dẫn nguồn tin chính thống thì cũng phải coi là trang tin điện tử tổng hợp, phải được cấp phép và chịu sự quản lý thì hầu hết các trang thông tin điện tử hiện nay đều phải xin phép".
Quy định chặt, quản có nổi?
Ông Phạm Ngọc Thúy, Phó Giám đốc trung tâm thông tin - Bộ Công Thương đưa ra lo ngại khác, một số điều trong dự thảo thông tư quy định chặt quá khéo lại không quản lý được.
“Chẳng hạn Nghị định 97 yêu cầu nguồn tin được trích dẫn phải hợp pháp nhưng thông tư lại thêm là phải có sự thỏa thuận với các đơn vị là chủ nguồn tin. Như thế thì quá khó vì sẽ phải thỏa thuận với hàng trăm báo điện tử khác trong khi trên thực tế hiện nay có những trang tin gốc đăng thông tin lên chưa đầy nửa phút, bằng một số biện pháp kỹ thuật nào đó, ngay lập tức có hàng loạt trang khác đã có thể đăng tải lại rồi. Phải nói rằng việc này cũng đem lại cái lợi cho người đọc nên không nên quá chặt chẽ như vậy” - ông Thúy nói.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Đối ngoại Cty Vinagame cũng đưa ra ý kiến, quy định về nguồn tin chính thức trên trang điện tử tổng hợp bị bó hẹp khi thông tin đưa ra chỉ là những thông tin được đăng phát trên báo chí Việt Nam và các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan Đảng. Nên mở rộng phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp tổng hợp, cho phép đơn vị sở hữu trang tin này đưa tin bài về những lĩnh vực văn hóa hoặc chuyên ngành như bóng đá, thời trang.
Ông Tuấn Anh xác định, khác biệt giữa báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp là báo điện tử được quyền đưa tin về tôn giáo, chính trị, đấy là vùng cấm và chỉ có báo điện tử được phép làm, còn trang thông tin điện tử tổng hợp thì không. Nhưng còn các lĩnh vực khác thì nên được mở rộng, không chỉ giới hạn ở trích dẫn lại. “Tôi đề nghị nên mở rộng nguồn tin và các ấn phẩm, vì hiện nay chúng ta đang khuyến khích đưa thông tin lên mạng. Như vậy người được lợi chính là bạn đọc” - vị đại biểu này nói.
Rồi một điểm mới khác như quy định người chịu trách nhiệm quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp phải tốt nghiệp đại học, theo nhiều ý kiến của các đại biểu thì đó không cần thiết bởi rất dễ lại xảy ra tình trạng “lách” quy định bằng cách thuê người có bằng đại học đứng tên thay.
Với quan điểm đưa ra, "thủ tục phải càng đơn giản càng tốt", với quá nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề cấp phép, quy định tại dự thảo Thông tư, đại diện ban soạn thảo thông tư cho biết sẽ tiếp tục cân nhắc lại nhiều nội dung, trong đó có cả quy định về việc xin phép sao cho hợp lý nhất, tránh nhiêu khê, phức tạp, không khả thi.
Theo VnMedia