Công nghệ TV đáng chú ý ở CES 2011
HDTV 3D, Google TV hay màn hình LCD đèn nền Nano LED sẽ là những công nghệ TV đáng chú ý nhất tại triển lãm CES năm nay.
Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng CES 2011 sẽ diễn ra tại thành phố Las Vegas 2011 từ ngày 6-9/1/2011 sẽ là nơi để các nhà sản xuất TV hàng đầu trên thế giới mang đến những sản phẩm, công nghệ hình ảnh mới và hiện đại nhất của mình, xuất hiện trên những model HDTV 2011 và trong tương lai sắp tới.
Trước ngày khai mạc chính thức, trang Cnet cũng đưa ra một loạt công nghệ hình ảnh đang được chờ đón nhất ở làng TV và hứa hẹn sẽ tạo ra ấn tượng lớn tại CES 2011.
HDTV 3D "chủ động"
Plasma VT20 của Panasonic là model 3D xuất sắc nhất tại triển lãm CES năm ngoái.
Triển lãm CES năm ngoái đã là nơi để hàng loạt các nhà sản xuất TV trên thế giới trình làng những sản phẩm 3D đầu tiên của mình. Tuy nhiên, sự thực thì năm 2010 chưa phải là thời điểm để TV 3D và các sản phẩm hỗ trợ công nghệ hình ảnh mới mẻ này có thể sớm chiếm được lòng tin từ người tiêu dùng.
Bởi vậy, CES 2011 sẽ tiếp tục là nơi để các nhà sản xuất TV trên thế giới mang tới cho người dùng các model 3D mới, dành cho năm 2011. Ngoài các mẫu cao cấp, TV 3D trung cấp với mức giá tốt hơn, thích hợp cho người tiêu dùng sẽ xuất hiện với đa dạng hơn, tới từ nhiều nhà sản xuất khác nhau như Toshiba, Sharp.... Một trong những điểm mạnh của công nghệ 3D "chủ động" hiện đang được sử dụng trên HDTV là việc nó có chi phí không quá đắt. Tuy nhiên, giá thành của các cặp kính chuyên dụng mới là vấn đề chính của công nghệ này.
Công nghệ 3D "chủ động" tại CES 2011 sẽ chứng kiến sự có mặt của các sản phẩm TV 3D không cần kính đầu tiên tới từ Toshiba. Đây được hứa hẹn là sản phẩm chủ đạo của ngành công nghiệp TV thế giới trong tương lai. Trong khi đó, kính chuyên dụng đa năng, XpanD X103, có thể sử dụng chung nhiều loại kính sẽ có màn giới thiệu tại triển lãm năm nay. Người dùng chỉ cần sử dụng một loại kính chuyên dụng để thưởng thức hình ảnh 3D trên TV tới từ Sony hoặc Samsung...
TV 3D sử dụng công nghệ "thụ động"
Mẫu TV 3D sử dụng công nghệ kính phân cực của Vizio.
Tất cả những mẫu TV 3D đã được phát hành trong năm 2010 đều được sử dụng với kính trập hình động, được trang bị pin, có khả năng đồng bộ tín hiệu qua hồng ngoại với TV và có mức giá phổ biến khoảng 100 USD. Trong khi đó, HDTV sử dụng công nghệ "thụ động" sẽ sử dụng kính chuyên dụng phân cực, không cần pin, trọng lượng và thiết kế gọn nhẹ đi kèm với mức giá chưa tới 10 USD.
Vizio, hãng sản xuất LCD hàng đầu của Mỹ, sẽ mang tới triển lãm điện tử tiêu dùng ở quê nhà dòng HDTV XVT3D Theater series của mình, tất cả là những sản phẩm đầu tiên của hãng được trang bị công nghệ 3D "thụ động". Đây là cơ hội tốt để nhiều người có thể so sánh trực tiếp giữa hai công nghệ trình diễn 3D đang được sử dụng trên TV hiện nay, 3D "chủ động" hay "thụ động" là công nghệ tốt hơn.
Về lý thuyết, công nghệ 3D "thụ động" (được sử dụng tại các rạp chiếu phim) cho phép giảm độ nhiễu và hạn chế hiện tượng chồng hình (crosstalk) tối đa. Công nghệ này cũng giúp cho người dùng cảm thấy không bị mệt hay nhức đầu trong khi xem 3D suốt một khoảng thời gian dài. Tuy vậy so với 3D chủ động, mỗi mắt kính chuyên dụng dạng phân cực lại không thể truyền tải nội dung chuẩn Full HD 1080p mà chỉ nằm ở mức 540p.
TV hỗ trợ kết nối mạng
Mẫu HDTC chạy Google TV tới từ Sony.
Cũng như công nghệ 3D, 2011 là năm mà các nhà sản xuất TV trên thế giới hy vọng TV kết nối mạng trở thành một tính năng nổi bật và phổ biến ở trên các sản phẩm màn hình mỏng tại nhiều gia đình.
Kết nối Internet hiện tại đã trở thành một tính năng không thể thiếu trên các dòng sản phẩm trung và cao cấp, tuy nhiên các nhà sản xuất còn muốn phổ biến tính năng này ra quy mô rộng hơn nữa, ở trên tất cả các sản phẩm. Với kết nối Internet được tích hợp, người dùng có thể thoải mái lướt mạng, theo dõi tin tức, thậm chí truy cập vào các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin hay theo dõi tin tức từ bạn bè...thay vì chỉ sử dụng để xem phim, truyền hình hay nghe nhạc như những cách giải trí truyền thống.
Google TV vẫn là sản phẩm dành cho TV kết nối mạng đáng chờ đón nhất tại triển lãm CES 2011, LG, Panasonic, Toshiba hay Sharp đều hứa hẹn sẽ mang những sản phẩm đầu tiên của mình sử dụng nền tảng này để giới thiệu tới người dùng. Trong khi bản thân Google hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi mới, bổ sung thêm tính năng cho sản phẩm của mình. Một kho ứng dụng trực tuyến dành cho HDTV chạy Google TV, giống như Market của Android, có thể sẽ ra mắt ngay tháng 1 tới đây.
Ba hãng LG, Samsung và Vizio tiếp tục nâng cấp các nền tảng hỗ trợ kết nối mạng trên HDTV, vốn đã được chăm chút trong vòng một năm qua như Net Cast, Samsung Apps và Vizio Internet TV. LG cũng sẽ trình làng và giới thiệu kho ứng dụng của riêng mình dành riêng cho nền tảng Net Cast tại triển lãm đầu năm nay.
Công nghệ LCD đèn nền LED thế hệ mới, Nano LED
Một trong số những mẫu Nano LED đầu tiên của LG, LW9500.
Tại triển lãm CES diễn ra vào năm 2010, những mẫu HDTV đầu tiên sử dụng công nghệ đèn nền LED, LX9500 Full LED Slim của LG, đã ra mắt giới công nghệ thế giới. Còn tại triển lãm năm nay, hãng điện tử tới từ Hàn Quốc tiếp tục trình làng một loại màn hình LCD đèn nền LED thế hệ mới, hứa hẹn đạt chất lượng trình diễn hình ảnh hiệu quả hơn cả Full LED Slim cao cấp vừa ra mắt một năm trước đó.
Nano LED sắp được LG trình làng trên các model LW9500 và LW7700 series tại CES 2011 chính là sự cải tiến và phát triển của công nghệ màn hình đèn LED nền với khả năng tối mờ cục bộ hiện tại. Một tấm film cực mỏng bao gồm một hệ thống phân tán ánh sáng như các hoa văn được sắp xếp xen kẽ với hàng loạt đèn LED, cho phép tạo ra các hình ảnh sáng hơn và đồng đều hơn nhiều so với công nghệ đèn viền LED. Giúp chất lượng hình ảnh, độ sâu của màn hình tiến tới dần công nghệ Plasma cao cấp.
Ngoài việc tối ưu hóa khả năng trình diễn hình ảnh, công nghệ Nano LED hứa hẹn mang đến cho HDTV của nhà sản xuất Hàn Quốc kích thước siêu mỏng, các model LED mới, LW9500 hay LW7700 series, đều có kích thước được giới thiệu với độ dày chưa đầy 30 mm.
Tốc độ quét hình cao lên tới 400Hz, Nano LED của LG cũng là loại màn hình tối ưu cho khả năng trình diễn hình ảnh nổi ba chiều, hạn chế hiện tượng chồng hình vốn xuất hiện nhiều ở các loại màn hình LCD.
Theo Sohoa